(QNĐT)- Mặc dù phải sau hơn 4 tháng nữa hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt do Công ty Doosan Vina tài trợ với số tiền trị giá lên cả triệu USD mới chính thức được vận hành. nhưng với người dân đảo Bé (Lý Sơn) thì giấc mơ chủ động được nguồn nước ngọt trong sinh hoạt đã trở thành hiện thực.
Vĩnh biệt những chiếc lu
Hôm diễn ra lễ khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt, tưởng rằng dưới cái nắng hơn 40 độ C sẽ ít người dân dự lễ khởi công, thế nhưng khu vực lễ dường như không còn chỗ bởi tất cả người dân trên hòn đảo này đều có mặt để chứng kiến mọt sự kiện quan trọng đối với họ. Mà không quan trọng sao được khi mà bao đời nay, đối với người dân trên đảo có được nước ngọt sinh hoạt là niềm khao khát cháy bỏng.
Những chiếc lu như thế này của người dân trên đảo sẽ đi vào quá khứ. |
Ông Trần Nuôi (76 tuổi), một ngư dân trên đảo Bé cho biết: "Hôm nghe tin là đảo sắp có công trình xử lý nước biển thành nước ngọt, già và nhiều người không tin. Tin sao được, bởi nước biển mà sao thành nước ngọt được? Với lại chừng này tuổi, già cũng đã chứng kiến nhiều đoàn địa chất về tìm hiểu, khoan đất giúp tìm nước ngọt cho dân, nhưng rồi không thấy mạch nước ngầm nào cả.
Giờ chứng kiến lễ khởi công, có các lãnh đạo ở TƯ, tỉnh về nữa. Lần này thì chắc rồi, không chỉ già mà bà con trên đảo ai cũng vui. Có lẻ trong mơ người dân trên đảo cũng không nghĩ đến việc người dân trên đảo sẽ có nước ngọt chảy tới nhà. Không phải dùng đến những chiếc lu đựng nước mưa và tiết kiệm khổ sở từng giọt nước nữa".
Một góc đảo Bé, Lý Sơn |
Quả thật, khi đến đảo Bé, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là những chiếc lu. Nhà nhà đều có chiếc lu trước nhà để dự trữ nước mưa, hoặc nước ngọt được mua từ đảo Lớn về. Chính vì khan hiếm nước ngọt nên việc sinh hoạt, tắm giặt của người dân trên đảo cũng rất tiết kiệm.
Chị Lê Thị Thảo (31 tuổi) cho biết: Nước ngọt trên đảo được người dân quý như vàng. Nhất là mùa nắng, một 1m3 nước có giá vài trăm ngàn nhưng không có mà mua. Mỗi lần mua, phải qua tận đảo Lớn, nhiều lúc phải chở từ đất liền ra. Lần này thì người dân trên đảo vui lắm.
Theo kế hoạch, thì cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới đây, công trình xử lý nước mặn thành nước ngọt sẽ chính thức được đưa vào sử dụng, chấm dứt cơn khát nước ngọt luôn ám ảnh người dân của hòn đảo này bao đời nay. Trên 112 hộ gia đình của đảo Bé có thể nói lời vĩnh biệt những chiếc lu đựng nước của mình.
Không chỉ cung cấp nước ngọt
Theo thiết kế thì 2 thiết bị xử lý nước nước biển thành nước ngọt này mỗi ngày sản xuất ra 200 m3 nước ngọt. Như vậy, mỗi ngày một người dân trên đảo có thể sử dụng tới 200 lít nước. Với lượng nước ngọt dồi dào này thì một người dân không thể nào sử dụng hết.
Mô hình nhà điều hành và khu vực lắp đặt máy xử lý nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé |
Không chỉ có máy xử lý nước biển thành nước ngọt, mà Công ty Doosan Vina còn tài trợ cho người dân trên đảo 2 máy phát điện công suất 128 kw/h để vận hành máy. Hai máy phát điện này ngoài việc vận hành 2 máy xử lý nước biển, lượng điện còn lại cũng đủ cung cấp cho toàn bộ người dân trên xã đảo. Như vậy, không bao lâu nữa, người dân trên đảo sẽ không phải lo chuyện nước ngọt và điện sinh hoạt.
Ông Ông Trần Minh Hoằng-Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Lý Sơn cho biết, cái khó nhất trên đảo bao đời này là nước và điện. Chính vì vậy, sau khi máy xử lý nước biển thành nước ngọt đi vào hoạt động ngoài việc đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo, sẽ là động lực để cho xã đảo này phát triển.
Trong tương lai, đảo Bé sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách khắp nơi. (Trong ảnh: Một trong những cảnh đẹp trên đảo). |
Bởi khi có điện và nước thì người dân có thể phát triển hạ tầng nghề cá, ban đầu là có thể làm nước đá cung cấp cho các chủ tàu đánh bắt xa bờ và không phải vào đất liền để mua, và tương lai người dân trên đảo sẽ phát triển các ngành hậu cần, hay chế biển thủy hải sản ngay trên đảo. "Với lượng nước ngọt 200 lít/người/ngày thì ngoài việc sử dụng, người dân trên đảo có thể cung cấp ngược lại cho người dân trên đảo Lớn (Lý Sơn)"- Ông Hoằng khẳng định.
Điều đáng nói, đảo Bé từ lâu được ví như một đảo ngọc, bởi những vẻ đẹp tự nhiên đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, lâu nay nơi chưa đây phát huy được thế mạnh bởi chưa có điện và nước. Chính vì vậy trong tương lai đảo Bé sẽ trở thành một trong những điểm du lịch thu hút du khách khắp mọi nơi, như lời của ông Phạm Như Sô-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trong buổi lễ khởi công công trình xử lý nước biển thành nước ngọt tại xã đảo này vào đầu tháng 5 vừa qua.
Bài, ảnh: M.Toàn