“Mái ấm” của tình người

11:05, 15/05/2012
.

(QNg)- Tới Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh mới thấy hết hai chữ tình người. Dù những người ở đây không ràng buộc nhau bởi tình thân ruột thịt, nhưng họ lại chăm sóc coi nhau như người thân trong một mái nhà.

TIN LIÊN QUAN


Những  phận người cô đơn...

Dù có nhiều “ngả đường” đến với Trung tâm, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, có người còn con cái nhưng không ở được, có người không có người thân nào để cậy nhờ… Nhưng đến bằng con đường nào thì các cụ già ở đây luôn thấy ấm lòng bởi sự ân cần đối xử của những người không phải do họ sinh ra.

Các cụ già  tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Các cụ già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.


Cụ Trần Văn Quá (67 tuổi), dù có 2 con ở thành phố Quảng Ngãi nhưng ông không ở được với con của mình. Trong một đợt bị tai biến, ông không đi lại được, không muốn là gánh nặng cho con cái, nên ông đành vào đây. Cụ bảo với tôi, ở đây rất vui và không muốn nhắc nhiều đến con cái. Nhưng thẳm sâu trong đôi mắt già nua hốc hác vẫn ngày đêm nhớ con cái đến nao lòng.

Cũng như cụ Quá, cụ Nghêu, ở phường Nghĩa Chánh cũng có hai người con, một trai, một gái nhưng không ở được với con ruột của mình. Cụ làm đơn xin vào Trung tâm đã hơn 10 năm. Với cụ đây là mái nhà bình yên để cụ sống nốt quãng đời còn lại.

Còn cụ Võ Thị Minh Thư (67 tuổi), sống ở Trung tâm gần 10 năm nay. Chồng hy sinh ở chiến trường khi còn trẻ, không có con, cụ ở vậy thờ chồng. Sau tiếng thở dài, cụ nói: "Từ lúc vào đây tôi cảm thấy bớt cô quạnh hơn rất nhiều, bởi tấm lòng của các con ở đây đã chăm sóc, trò chuyện chia sẻ với chúng tôi, mọi người xem nhau như người trong gia đình".


Đến gặp các cụ ở Trung tâm, mỗi cụ mỗi vẻ, có người thì hồ hởi, có người trầm ngâm. Đa số các cụ không muốn nói nhiều về đời tư. Trò chuyện cùng tôi, họ không hề có ý oán trách, giận hờn con cháu, chỉ tủi phận mình không may mắn.

Sống giữa tình người

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hiện đang nuôi dưỡng từ 30-40 cụ già. Hầu hết các cụ đến đây, đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có nơi nào để nương tựa lúc tuổi xế chiều.
 

Ông Trần Văn Thường-Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Quảng Ngãi hiện có hơn 5.500 người cao tuổi có đời sống khó khăn, cô đơn, không nơi nương tựa (trong đó có hơn 4.000 người dưới 80 tuổi, không có trợ cấp xã hội). Vì vậy toàn xã hội cần nâng cao trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi để họ được sống vui, sống khỏe lúc về già.

25 cán bộ, nhân viên tại Trung tâm luôn túc trực thay phiên nhau trực tiếp chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cụ. “Các cô ấy còn hơn con gái tôi ấy chứ... Nhiều lúc đau ốm,  khó chịu bực dọc với mấy con, nhưng tụi nó cứ dỗ dành, động viên, không bao giờ hờn trách nửa lời”- Cụ Nguyễn Thị Tiếp (70 tuổi), ở xã Tịnh Minh, xúc động nói.

Sáng nào cũng vậy, các chị đều lau chùi chỗ các cụ nằm thật sạch sẽ, dọn dẹp các phòng, rồi nấu những món ăn vừa miệng các cụ. Mỗi khẩu phần ăn cũng thật khác nhau, có cụ thích ăn mặn, cụ lại thích ăn nhạt. Món ăn được thay đổi thường xuyên, phù hợp với sức khỏe của các cụ. Những cụ đau yếu các chị phải xay nhuyễn thức ăn rồi bón từng thìa nhỏ… Gắn bó với Trung tâm từ ngày mới thành lập (năm 1993), chị Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: “Cuộc đời của các cụ đã chịu nhiều bất hạnh. Chúng tôi xem các cụ như cha mẹ mình, chỉ mong góp chút sức nhỏ bé đem lại niềm vui cho các cụ khi tuổi già”.

Các chị thường gọi các cụ là "ba, má", coi họ như những người ruột thịt của mình. Nhiều người còn khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn bám lấy nghề. Mỗi lần có người đau ốm phải vào viện chăm sóc là các chị phải túc trực 24/24 giờ cho đến lúc các cụ được ra viện. Chị Lê Thị Ba - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: "Nghề này không chỉ đòi hỏi sự tận tình mà còn phải ở cái tâm với người già, với công việc. Lúc bắt đầu vào làm thì ai cũng vì cuộc sống cần trang trải, nhưng dần dần mọi người yêu lấy nghề, coi đó như là một cái duyên, cái nghiệp của mình". Tuy nhiên, điều làm các chị trăn trở là: “Hiện nay, mức trợ cấp cho các cụ chỉ 420 ngàn đồng/người/tháng, trong lúc giá cả mọi thứ điều tăng cao. Mức chi phí thuốc men điều trị, vệ sinh, ăn uống… cũng khá lớn. Mỗi suất ăn cho các cụ thuộc đối tượng xã hội không có lương, chỉ với 14 nghìn đồng/bữa ăn/người, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi tiêu, đảm bảo sinh hoạt hằng ngày cho các cụ.


 Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.