(QNg)- Hiện nay, mỗi xã, phường trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi đều có nơi họp chợ riêng, nhưng tình trạng chợ "di động" vẫn xuất hiện khắp nơi.
Họp chợ tràn lan
Dạo quanh một vòng trong khu vực TP Quảng Ngãi, chúng tôi không sao đếm xuể số chợ "di động" đang hoạt động ở đô thị loại 3 này. Chỉ trên đường Quang Trung đã có ít nhất 4 chợ "di động". Còn khu vực phường Trần Phú cũng có không dưới 3 chợ lưu động, nằm trên đường Trương Định, Nguyễn Tự Tân... Các "chợ" này hoạt động khá sớm để phục vụ cho cán bộ, người dân đi tập thể dục về tiện thể mua. Đến 10 giờ trưa các chợ này cũng dần tan và di chuyển đến các khu vực đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Trung Đình. Những người mua ở đây phần lớn là cán bộ công chức, cán bộ hưu trí, công nhân, sinh viên ở trọ.
Người dân họp chợ trên đường Trần Hưng Đạo. |
Không những thế, sau khi chợ tạm hoàn thành và đưa vào sử dụng thì nhiều người buôn bán nhỏ vẫn họp chợ ở khu vực đường Nguyễn Bá Loan, Ngô Quyền, Nguyễn Nghiêm... Mặc dù lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nhưng họ vẫn lén lút buôn bán. Bà Loan- một tiểu thương chuyên buôn bán hàng lagim cho biết: "Hai ngày đầu tôi cũng vào chợ tạm để bán nhưng vị trí bán lại bị khuất bên trong nên bán cả ngày chỉ được 50.000 đồng. Thu nhập không có, còn rau thì không thể để lâu vì thế tôi phải ra lại đường Nguyễn Bá Loan để bán nhằm kiếm tiền nuôi gia đình".
Thực trạng lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh buôn bán luôn là vấn đề bức xúc của người tham gia giao thông. Chị Nguyễn Thị Hương, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) bức xúc: "Mỗi lần xuống thành phố Quảng Ngãi để lấy hàng, tôi phải thường xuyên đi qua khu vực đường Nguyễn Thụy luôn gặp cảnh người dân tràn ra vỉa hè, lòng đường để buôn bán, người mua thì cũng vô tư để xe dưới lòng đường, gây nên tình trạng ùn tắt giao thông".
Xử lý thì khó
Việc xử lý "chợ di động" nhằm đem lại mỹ quan đô thị và đảm bảo TTATGT là một trong những tiêu chí quyết định đến việc đưa thành phố Quảng Ngãi vươn lên và đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trong năm 2015 tới. Tuy nhiên việc xử lý thực trạng trên đang là vấn đề nan giải ở thành phố Quảng Ngãi hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Sơn - Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố nhấn mạnh: "Lỗi của vấn đề này một phần cũng do các cơ quan hữu quan. Hàng năm, chúng tôi đều phối hợp với chính quyền địa phương đi kiểm tra, xử lý nhưng gặp khá nhiều khó khăn, đòi hỏi vào ý thức tự giác của người dân. Nếu người mua đến chợ hoặc siêu thị để mua thì những chợ này sẽ không còn đất sống". Thời gian gần đây, nhất là tại khu vực đường Trương Định (Trần Phú), một số người dân cho tiểu thương bán trên lề đường trước nhà. Khi đoàn kiểm tra đến thì các tiểu thương này chạy thẳng vào nhà dân "lánh nạn" gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Bởi theo nguyên tắc thì đoàn kiểm tra không có quyền xâm phạm vào nhà dân.
Còn ông Đỗ Hà Cường- Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho biết: Nếu Nghị định 126/CP trước đây quy định về mức phạt đối với các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường buôn bán, kinh doanh chỉ từ 70.000 đ - 300 nghìn đồng, không đủ sức răn đe thì mức phạt hiện hành theo Nghị định 23/CP với hơn 20 triệu đồng thì lại quá sức đối với người vi phạm. "Cũng chính vì thế mà mỗi lần chúng tôi tịch thu hiện vật và mời người dân lên chính quyền nộp phạt để nhận hiện vật về thì họ đều không đến. Bởi những hiện vật đó giá trị cũng chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, nếu cao thì cũng chỉ vài triệu đồng nên người dân thà bỏ còn hơn đến nhận phải đóng hàng chục triệu đồng chỉ để chuộc lại vài trăm nghìn. Đó là chưa nói những cụ bà vì gia đình khó khăn nên hàng ngày bán từng mớ rau để kiếm ít tiền lo bữa cơm đạm bạc hàng ngày"- ông Cường chia sẻ.
Hiện nay, nổi cộm là người dân dùng xe đẩy để bán hàng hóa ngay trên đường phố ngày càng nhiều... Đây là cách lách luật của người dân. Bởi theo quy định của Nhà nước thì đến thời điểm này vẫn chưa có quy định nào trong vấn đề xử phạt đối với hành vi trên. "Theo nguyên tắc, bánh xe lăn trên đường thì chúng tôi không có quyền bắt. Chính vì vậy mỗi khi có đội kiểm tra đến thì người dân lại đẩy xe đi trên đường. Trong khi phương thức buôn bán này lại có nguy cơ gây mất TTATGT cao nhất. Bởi khi có xe đẩy tới bán hàng thì người dân lại dừng xe dưới lòng lề đường để mua"- ông Sơn nói.
Thiết nghĩ để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường họp chợ tràn lan như hiện nay đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Đi đôi với việc nâng cao ý thức cho người mua lẫn người bán cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm bị nhắc nhở nhiều lần. Có như vậy mới đảm bảo ATGT và đem lại vẻ mỹ quan cho thành phố.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG