(QNg)- Hằng năm, vào mùa khô, hàng trăm hộ gia đình huyện Lý Sơn phải mua nước sinh hoạt với giá 200.000 đồng/m3. Nhưng giờ đây, gần 21.000 cư dân huyện đảo đang hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô hạn khi hệ thống ống dẫn nước từ hồ chứa nước Thới Lới hoàn tất.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đứng trên bờ đập vào lúc chiều tà, nhìn về phía tây bắc, trước mắt chúng tôi là một phong cảnh "trời mây non nước" tuyệt vời, cò trắng bay lượn khắp mặt hồ. Ít lâu nữa, khi hệ thống ống dẫn nước thi công xong, người dân Lý Sơn còn vui nhiều hơn.
Sau khi chặn dòng, mực nước trong lòng hồ đã dâng lên từ 5-7m. |
Ông Nguyễn Nguyên, thôn Đông, xã An Hải tâm sự với chúng tôi: "Vào mùa khô hạn hằng năm, nước sinh hoạt đối với người dân rất thiếu thốn, nói chi đến chuyện có nước để sản xuất hành tỏi và các loại cây nông nghiệp khác. Chuyện sản xuất, gieo trồng ở huyện đảo này chỉ nhờ vào nước trời. Nơi nào có nước ngầm thì đào giếng dùng máy bơm bơm tưới, nhưng năm được năm mất, mà có được cũng chẳng nhiều. Còn từ khi đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thới Lới, tuy nước chưa được dẫn về các cánh đồng, nhưng thấy mực nước trong hồ ngày càng dâng lên người dân chúng tôi mừng lắm. Có nước từ hồ chứa dẫn về, việc sản xuất sẽ đỡ khó khăn, tốn kém hơn. Có nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt sẽ kéo theo sự thay đổi về nhận thức của người dân.
Tâm sự của lão nông Nguyễn Nguyên cũng chính là nỗi niềm của chính quyền và người dân huyện Lý Sơn. Diện tích đất đai trên đảo rất màu mỡ, thế nhưng, do không chủ động nguồn nước tưới, nên việc sản xuất hành, tỏi của người dân gặp nhiều khó khăn. Để giúp bà con chủ động nước trong sản xuất, sinh hoạt, từng bước vươn lên xoá đói giảm nghèo, năm 2010, tỉnh đầu tư trên 32 tỷ đồng xây dựng công trình hồ chứa nước Thới Lới.
Công trình xây dựng trên đỉnh núi Thới Lới, thôn Đông, xã An Hải. Diện tích lòng hồ gần 10 ha, dung tích trên 270.000m3. Hồ được xây dựng trên cơ sở tận dụng lợi thế của miệng núi lửa hình thành từ hàng triệu năm để tích nước. Công trình do Công ty cổ phần Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi thi công gồm các hạng mục chính: Đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước. Hồ được thiết kế xây dựng theo hình thức kết cấu bê tông chống thấm để tích nước trong mùa mưa.
Anh Nguyễn Minh Sang - cán bộ kỹ thuật Cty CP Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi cho biết: Hệ thống đập dâng bằng bêtông dài hơn 208m, rộng 10m, cao trình 120m. Mực nước dâng bình thường trên 119m so với mặt nước biển. Hệ thống bể chứa nước, bể lọc có dung tích trên 1.600m3 và gần 1km đường ống dẫn nước đến khu dân cư. Để xây dựng hồ, công ty đã xây lắp trên 5.000m3 bêtông, đào đắp hơn 10.000m3 đất đá các loại và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Cũng theo anh Sang, tháng 7/2010, khu vực lòng hồ khô nứt nẻ chẳng có sự sống chút nào. Ngày đó, để có nước phục vụ thi công, công ty phải đào, khoan giếng giữa miệng núi lửa, nhưng vẫn không đủ nước. Tuy nhiên, khi chặn dòng vào đầu năm 2012 này dù đang là mùa khô, nhưng mực nước ở khu vực lòng hồ đã dâng lên được 5- 7m.
Sau khi lòng hồ có nước, cò trắng đã về đây kiếm ăn ngày một nhiều. |
Ông Lê Hoài Ân- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Sơn cho biết: Việc xây dựng hồ chứa nước Thới Lới sẽ chấm dứt nạn khan hiếm nước vào mùa khô; cung cấp nước sạch cho hơn 21.000 nhân khẩu và nước tưới cho hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp; phục vụ nước ngọt cho hàng trăm tàu thuyền. Cũng theo ông Ân, ngoài việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thới Lới, huyện Lý Sơn cũng đang xúc tiến nghiên cứu xây dựng thêm các hồ chứa nước ở Giếng Tiền và Hòn Sỏi trong thời gian tới...
Bài, ảnh: Bá Sơn