Năm 2011 số cơn bão hoạt động ở biển Đông không nhiều, nhưng nhiều cơn bão mạnh ở ngoài khơi, khi tiếp cận gần bờ giảm cấp nhanh, vào đất liền trở thành ATNĐ, gây mưa to, lũ lớn ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, còn có 70 đợt dông, lốc xoáy, vòi rồng xuất hiện, kèm theo mưa đá ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; đó là chưa kể một số trận động đất cường độ thấp tại Cao Bằng, Sơn La... và những trận lũ chồng lên lũ ở vùng ĐB sông Cửu Long.
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh chịu nhiều sự khắc nghiệt của thời tiết mà ảnh hưởng lớn nhất là lũ lụt, hạn hán. Trong năm qua, Quảng Ngãi đã chịu ảnh hưởng của 7 cơn bão, 7 ATNĐ, 8 đợt lũ và 1 lốc xoáy xảy ra trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại nặng ước tính hơn 453 tỷ đồng và 11 người chết.
Ở khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, mùa mưa đến sớm, lượng mưa sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và một số tỉnh Bắc Tây Nguyên có thể sẽ xuất hiện hạn hán cục bộ, rất gay gắt. Báo động là vào mùa lũ năm nay, đỉnh lũ trên tất cả các con sông lớn trên cả nước đều cao hơn trung bình mọi năm.
Năm 2012 được dự báo là năm xu thế thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Trận mưa đá kèm lốc xoáy xảy ra trên địa bàn huyện Ba Tơ vào ngày 18/4 vừa qua đã làm sập, tốc mái hơn 60 căn nhà. Ảnh: QNĐT |
Mới đây nhất từ ngày 26/3-1/4 đã có cơn bão đầu tiên hoạt động trên phía nam biển Đông. Trận mưa đá kèm lốc xoáy xảy ra trên địa bàn huyện Ba Tơ vào ngày 18/4 vừa qua đã làm sập, tốc mái hơn 60 căn nhà. Bên cạnh đó, tình trạng nắng nóng, hạn hán cũng đang diễn ra gay gắt trên phạm vi cả nước, báo hiệu một mùa mưa bão bất thường, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ còn diễn biến phức tạp.
Những năm gần đây, công tác phòng, chống lụt bão của Quảng Ngãi được đánh giá rất cao, với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.
Trong những năm qua, thông qua một số chương trình, dự án, Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực và cung cấp bản đồ ngập lũ cho thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp xã, thôn và hỗ trợ lập kế hoạch phòng ngừa rủi ro.
Mặc khác, Quảng Ngãi cũng đã đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng một số công trình phòng chống thiên tai như: đê bao, đê biển, đê cửa sông, công trình chống sạt lở bờ sông, bờ suối, bờ biển, cảng neo trú tàu thuyền, nâng cấp hồ chứa nước, xây dựng nhà cộng đồng phòng chống thiên tai; nâng cấp, mở rộng một số cầu cống qua đường giao thông, kênh mương nhằm tăng khả năng thoát lũ. Đồng thời tổ chức tốt các phương án tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
Ông Nguyễn Thanh Lạc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, để chủ động phòng chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra, Chi cục đã xây dựng phương án, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trước mùa mưa lũ.
Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các sở, ban, ngành liên quan chủ động trong công tác chỉ huy, ứng cứu và triển khai các phương án phòng, chống khi lụt, bão xảy ra.
Chủ động phòng chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra, cộng đồng cần chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ. |
Căn cứ vào tình hình của địa phương mà lập phương án PCLB cụ thể, chi tiết về số lượng hộ dân, người cần di dời từ vùng thấp lên vùng cao, từ nhà thấp lên nhà cao khi lũ xảy ra; từ nhà tạm, yếu đến nhà kiên cố khi bão vào; phương án di dời bắt buộc để đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong công tác di dời dân ở những vùng trọng điểm, vùng xung yếu. Ưu tiên cho việc di dời xen ghép theo xóm thôn, bản làng. Khi di dời phải thực hiện 4 đúng: “Địa điểm- Thời điểm- Đối tượng- Số lượng- Chỉ huy”.
Về phương án hậu cần tại chỗ, cấp thôn bản, các đại lý luôn sẵn sàng dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm, thuốc men, lương thực và nước uống, đảm bảo dân không bị đói trong bão lũ và phòng chống được các dịch bệnh phát sinh và vệ sinh môi trường trong mùa lụt, bão.
Tuyên truyền, tập huấn các biệp pháp phòng, tránh bão lũ, chú trọng vai trò nữ giới trong phòng chống bão, lũ ở hộ gia đình. Nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai cho nhân dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm và biết cách tự cứu mình trước khi có sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Là địa phương có đội ngũ tàu thuyền gần 5.800 chiếc, hoạt động đánh bắt trên tất cả các vùng biển. Do đó, công tác quản lý, kêu gọi tàu thuyền tránh trú thời tiết nguy hiểm luôn là nhiệm vụ được chú trọng quan tâm của tỉnh Quảng Ngãi.
Vì vậy, yêu cầu các thuyền trưởng, chủ tàu cung cấp chính xác các thuyền viên đang hoạt động trên tàu, khu vực hoạt động của các phương tiên tham gia khai thác trên biển và tần số thông tin liên lạc; thường xuyên mở máy ICOM và radio để nhận các thông tin thời tiết và các thông tin chỉ đạo cũng như hướng dẫn của Bộ đội Biên phòng về việc tránh trú thời tiết nguy hiểm. Tham gia vào các tổ đội khai thác, nhằm hạn chế thiệt hại cho thuyền của mình và tham gia giúp các phương tiện khác trong quá trình khai thác.
Ái Kiều