Ba Tơ: Rừng phòng hộ bị triệt phá

07:05, 26/05/2012
.

(QNg)- Những ngày qua, một số diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn nằm ở địa phận xã Ba Liên thuộc khu đông huyện Ba Tơ bị khai thác trái phép, khiến hàng chục mét khối gỗ bị "bốc hơi".

TIN LIÊN QUAN


"XẺ THỊT" RỪNG PHÒNG HỘ


Từ trụ sở UBND xã Ba Liên theo đường mòn, chúng tôi vượt qua chặng đường khá vất vả gần 5km. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ vật lộn với những con dốc cao, vòng vèo uốn lượn men theo sườn núi, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được điểm "nóng" - nơi rừng bị tàn phá, nằm ở khu vực núi Dốc Ổi, xã Ba Liên (Ba Tơ), giáp ranh với xã Phổ Phong (Đức Phổ).

Một góc rừng bị phá tại núi Dốc Ổi.
Một góc rừng bị phá tại núi Dốc Ổi.


Trước mắt chúng tôi là vạt rừng rộng hơn 1,2ha vừa mới bị đốn hạ, lộ rõ những khoảng trống trong rừng đầu nguồn. Chúng tôi không khỏi xót xa khi cận cảnh những cây rừng bị đốn hạ. Nhiều cây keo cả chục năm tuổi đã bị một số người ngang nhiên chặt hạ từ lúc nào, chỉ còn trơ lại những gốc cây to có đường kính từ 20-60cm. Bên cạnh những cây đã bị triệt hạ từ lâu, còn xuất hiện hàng trăm gốc cây mà dấu vết còn mới. Thậm chí có những cây một người ôm không xuể cũng bị triệt hạ. Gần đó là con đường mà hàng ngàn cây keo con hơn một năm tuổi bị phá để mở đường vận chuyển gỗ.

Nghiêm trọng hơn, việc phá rừng diễn ra công khai, không hề lén lút. Sau khi khai thác gỗ, người khai thác ngang nhiên sử dụng xe tải chở gỗ khai thác về xuôi tiêu thụ. Điều đáng nói là, ngay nơi rừng bị tàn phá tấm bảng tuyên truyền bảo vệ rừng có dòng chữ: "Rừng phòng hộ rất xung yếu cần được bảo vệ nghiêm ngặt" còn thơm mùi sơn mới. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi khu rừng phòng hộ này bị tàn phá thì Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ khu đông Ba Tơ mới treo tấm bảng tuyên truyền này.

NHẬP NHẰNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hơn- Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ khu đông Ba Tơ, cho biết: Khu vực rừng bị phá nằm ở lô 8, khoảnh 3, tiểu khu 370 (núi Dốc Ổi, xã Ba Liên). Đối tượng phá rừng là ông Phạm Đăng Quang ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ).

Ông Quang đã thuê khoảng 10 người cùng với các phương tiện khác vào rừng dựng lán trại để "khai thác gỗ". Theo ông Quang, việc "khai thác gỗ" của ông là đúng pháp luật (?). Ông Quang lý giải: Năm 2000, ông có nhận giống keo của dự án 661 để trồng rừng tại khu vực này, sau đó mới giao qua rừng phòng hộ hồ chứa nước Núi Ngang quản lý. Lúc đó, hợp đồng được ký sau 7 năm khai thác. Ngày 8/5/2012, ông Quang có nộp giấy báo khai thác rừng trồng kinh tế đến BQL rừng phòng hộ khu đông Ba Tơ để xin khai thác số keo ông Quang đã trồng 12 năm trước. Khi được BQL yêu cầu, ông Quang cũng đã trình các giấy tờ liên quan đến vùng khai thác (gồm bản photo quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 871/QĐ-UBND ngày 23/4/2007 của UBND tỉnh và đơn xác nhận về quy hoạch rừng sản xuất thuộc địa phận xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ). Trong khi BQL rừng phòng hộ Ba Tơ còn đang "xác minh" thì ông Quang đã "hạ thủ" khu rừng này.

Theo ông Nguyễn Hơn thì, sở dĩ có việc người dân ngang nhiên phá rừng phòng hộ là do nhập nhằng trong khâu quản lý. Khu vực rừng bị phá giáp ranh giữa xã Ba Liên (Ba Tơ) và xã Phổ Phong (Đức Phổ). Nếu khu vực rừng bị chặt phá thuộc địa phận xã Phổ Phong, thì đây là rừng sản xuất, nhưng thuộc địa phận xã Ba Liên thì lại là rừng phòng hộ. Chính sự nhập nhằng này đã dẫn đến việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, người dân xã Ba Liên có rừng gần rừng của người dân xã Phổ Phong cũng dễ "so bì", dẫn đến chặt phá rừng phòng hộ. Do đó, UBND huyện Ba Tơ cần chỉ đạo các Phòng Nội vụ, TNMT phân định rạch ròi địa giới này.

Có một điều cần phải suy nghĩ nữa là, khi BQL rừng phòng hộ khu đông Ba Tơ lập biên bản đình chỉ khai thác gỗ đối với ông Phạm Đăng Quang vào ngày 18/5 thì đến ngày 20/5, ông Quang cùng với nhiều người dân khác vẫn vận chuyển được gỗ ra khỏi khu vực này. Theo ông Hơn, khi lập biên bản, số gỗ keo còn ở hiện trường khoảng 7m3. Nhưng đến ngày 22/5, chúng tôi có mặt ở đây thì chỉ còn vài khúc gỗ keo không mấy giá trị.


Bài, ảnh: N.TRIỀU-N.ĐỨC


 


.