(QNĐT)- Trung tâm Nuôi dưỡng phục hồi chức năng
nạn nhân chất độc da cam/đioxin Nghĩa Thắng mới đi vào hoạt động, là trung tâm duy nhất ở Quảng Ngãi và là một trong ba trung tâm đầu tiên của cả nước dành cho các nạn nhân bị nhiễm, phơi nhiễm chất độc da cam/đioxin.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trung tâm đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, 3, 4 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các nạn nhân da cam/dioxin có cơ hội vươn lên hòa nhập cộng đồng, đồng thời đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đa số các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Đến đây mới thấy hết sự vất vả của những giáo viên ở đây. Nuôi dưỡng, dạy dỗ những đứa trẻ bình thường tiến bộ đã khó, dạy cho những đứa trẻ bộ mặt cứ ngây ngô như trẻ lên ba, khiếm thính, bị thiểu năng trí tuệ, khuyết tật, không làm chủ được bản thân, thỉnh thoảng lại thét lên, đau đớn do bị ảnh hưởng chất độc màu da cam còn khó hơn gấp vạn lần.
Chỉ sau 3 tháng được chăm sóc y tế, luyện tập, các em ở Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/đioxin Nghĩa Thắng đã dần phục hồi sức khỏe. |
Thế nhưng mỗi ngày đến trung tâm với các em là một ngày vui. Nhớ lại những ngày đầu đến đây phần lớn các em còn yếu ớt, bệnh tật hoành hành, vậy mà chỉ sau 3 tháng được chăm sóc y tế, luyện tập, các em đã tự tin hơn với sức khỏe của mình.
Từ những đôi chân co quắp bước đi không vững, từ những đôi tay run rẩy, như một phép nhiệm màu, bàn chân, bàn tay của các em ngày một khỏe mạnh, rắn rỏi hơn. Các em đã có thể tự mình đi lại, tự dùng lực cánh tay đẩy những quả tạ, tự đạp xe đạp bằng, khiến cho mọi người không khỏi ngỡ ngàng.
Dẫu thế, Trung tâm chỉ là mái nhà cho 20 nạn nhân. Bấy nhiêu ấy là quá nhỏ nhoi so với số nạn nhân thực tế có nhu cầu được chăm sóc, phục hồi chức năng.
Đã hơn 50 năm kể từ cái ngày đầu tiên quân đội Mỹ gieo rắc cái chết trắng khi thả 80 triệu lít chất diệt cỏ, chất độc hoá học da cam/đioxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Và cuộc chiến ấy đã trôi qua hơn 1/3 thế kỷ nhưng hậu quả mà nó để lại là nỗi bất hạnh đã và đang giằng xé, đè nặng trên vai hơn 10.000 hộ gia đình với 18.154 nạn nhân ở Quảng Ngãi. Bởi Quảng Ngãi là một trong những tỉnh bị rải chất độc nhiều nhất ở miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trước đây.
Nhiều gia đình phải sống trong tột cùng nỗi khổ cực bởi tác hại của chất độc da cam quái ác này. Ngày lại qua ngày, trong những ngôi nhà ấy, những người bị nhiễm, bị phơi nhiễm vẫn đang quằn quại trong nổi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
Khác với nạn nhân do bom đạn chiến tranh, vết thương bom đạn có thể làm cho số đông nạn nhân mất một bộ phận cơ thể nhưng không đau đớn thường xuyên, họ vẫn sinh con lành lặn. Còn nạn nhân chất độc da họ đau khổ cả về thể xác và đau khổ về tinh thần, người bệnh đau một thì người thân đau mười.
Rất nhiều nạn nhân đang sống trong nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần. Họ rất cần được chăm sóc, cần nơi nương tựa nếu như người thân của họ không may qua đời. |
Những người bị nhiễm chất độc hoá học mắc bệnh nan y hiểm nghèo, cơ thể luôn đau đớn, quằn quại, con sinh ra dị dạng, dị tật do chất độc da cam gây biến loạn về gen, chủ yếu xảy ra ở trẻ em và di truyền qua vài thế hệ, thậm chí đã đến thế hệ thứ 4, chưa ai dám chắc rằng chất độc da cam có làm ảnh hưởng đến thế hệ thứ 5 hay không?
Những năm qua, cụm từ "Nỗi đau da cam không chỉ riêng ai", “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” luôn được nhắc đến. Cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm đã ủng hộ xây nhà, trợ cấp chữa bệnh, xe lăn … cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ phần nào vơi đi những gian khó trong cuộc sống hàng ngày.
Nhưng điều mà người thân của những nạn nhân chất độc da cam/đioxin luôn trăn trở đó là, khi họ già yếu qua đời, ai sẽ thay họ chăm sóc cho con, cháu họ. Rồi cuộc đời chúng sẽ ra sao? Vì thế mỗi chúng ta hãy cùng nhau chung tay góp sức xây dựng nhiều “mái ấm” hơn nữa để các nạn nhân có một cuộc sống yên bình, hạnh phúc, đáp ứng nguyện vọng tha thiết, chính đáng của đa số các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ái Kiều