Xây dựng nông thôn mới: Nhìn từ tiêu chí nước sạch

10:03, 26/03/2012
.

(QNg)- Đưa nước sạch về vùng nông thôn để cải thiện cuộc sống cho bà con là một trong những tiêu chí để góp phần xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu này, trong nhiều năm qua và hiện nay Quảng Ngãi đang tiếp tục thực hiện để người dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng. Đến nay, đã có 80% người dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh và 50% sử dụng nước sạch.  

TIN LIÊN QUAN


Đáp ứng "cơn khát" cho vùng nông thôn
 
Lật từng trang danh sách công trình nước sinh hoạt tập trung và phân tán đã được xây dựng rải khắp các vùng nông thôn trong tỉnh trong 5 năm (2006 - 2010), ông Nguyễn Văn Thuộc- Giám đốc Trung tâm NS & VSMT NT tự hào, nói: Hơn 65 công trình cung cấp nước sạch và 161 công trình cung cấp nước sinh hoạt đã được xây dựng hoàn thành giúp cho hàng ngàn hộ dân có nguồn nước sử dụng là sự nỗ lực của ngành. Bởi, thực trạng vùng nông thôn Quảng Ngãi trước đây có nơi thì môi trường ô nhiễm bởi phân gia súc, gia cầm, nhà tiêu hố xí không hợp vệ sinh, có những vùng sâu, vùng xa dân khát nước sạch, thiếu nước sinh hoạt, phải đến các hố nước, khe suối để lấy nước về dùng. Vùng miền biển có nơi dân phải sử dụng nước mặn để sinh hoạt tắm rửa.

Bệnh đau đường ruột, tiêu chảy, giun sán từ đó xảy ra và chưa lường hết được những bệnh lâu dài do uống phải nước không hợp vệ sinh. Thế rồi, tỉnh ta đã tập trung nguồn kinh phí của Nhà nước, kêu gọi các tổ chức, cộng đồng đóng góp kinh phí để xây dựng hàng trăm công trình. Mỗi công trình đáp ứng niềm khao khát nước sạch, nước hợp vệ sinh cho bà con, cho trường học, trạm y tế…

Người dân xã Ba Nam (Ba Tơ) được dùng nước sinh hoạt.
Người dân xã Ba Nam (Ba Tơ) được dùng nước sinh hoạt.


Tuy nhiên, các công trình xây dựng trong giai đoạn 5 năm qua chỉ giải quyết được cho khoảng 670.000 người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (trên 71% kế hoạch); trên 47% tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch; gần 70% trường học có nước sạch; trên 71% trụ sở UBND xã có nước sạch; trên 80% trạm y tế có nước và nhà tiêu theo TCN 08 của Bộ Y tế...

Như vậy, tỷ lệ đạt được vẫn còn thấp nhiều so với nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sinh hoạt cho người dân, cho các đơn vị tổ chức vùng nông thôn.

Trong năm 2011, Trung tâm tiếp tục đầu tư xây dựng công trình nước tập trung và phân tán. Tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo đó được nhích lên 74%, nước hợp vệ sinh lên đến  50%. Nhưng để vùng nông thôn sử dụng được 100% nước sạch đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới là cả một chặng đường dài phía trước.

Nỗ lực để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Trước thực trạng xây dựng công trình nước sinh hoạt giúp người dân vùng nông thôn có nước sử dụng hợp vệ sinh đã khó, còn sử dụng nước sạch để ăn uống, chế biến càng nan giải hơn. Bởi theo tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo 14 chỉ tiêu theo QCVN 02: 2009 của Bộ Y tế. Còn theo tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch số 09/2005/QĐ - BYT thì phải đảm bảo 15 chỉ tiêu, trong đó các tiêu chí Nitrat, clorua, Asen, sắt, chì, Mangan, thủy ngân trong nước... luôn được coi trọng. Nhưng, ở Quảng Ngãi người dân vùng nông thôn nơi có nước họ thường lấy nước tự nhiên để sinh hoạt, ăn uống chế biến, không qua kiểm nghiệm. Còn các công trình cung cấp nước thì theo quy định trước khi đưa vào sử dụng phải kiểm tra và sau đó cứ 6 tháng 1 lần phải kiểm tra lại. Tuy nhiên, đa số các công trình đưa vào sử dụng xong là chủ đầu tư xem như hoàn thành trách nhiệm, mặc cho công trình hư hỏng xuống cấp.  

Đề án phát triển nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 thì cuối năm 2015, vùng nông thôn Quảng Ngãi phải có 90% dân dùng nước sạch hợp vệ sinh. Ông Nguyễn Văn Thuộc cho biết thêm, Trung tâm sẽ khắc phục những tồn tại và tiếp tục tập trung kinh phí để đầu tư các công trình nước sinh hoạt. Trước hết Trung tâm củng cố bộ máy thực hiện chương trình và tăng cường thêm cán bộ quản lý, nghiệp vụ có trình độ chuyên môn...; đối với cấp huyện phải lập kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện kế hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tư vấn cho người sử dụng về các loại hình công nghệ, về cơ chế thủ tục tài chính; tăng cường công tác thông tin truyền thông đến người dân vùng sâu vùng xa, ý thức sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh...

Sự phối hợp đồng bộ trong việc đầu tư, vận hành, bảo quản công trình cấp nước, hy vọng đến năm 2015, người dân vùng nông thôn mới có nước sạch, nước hợp vệ sinh sử dụng như tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đề ra.


Bài, ảnh: Mai Hạ
 


.