Phụ nữ Làng Teng: Gìn giữ nghề xưa

08:03, 10/03/2012
.

(QNg)- Trải bao tháng năm, nhưng phụ nữ ở Làng Teng xã Ba Thành (Ba Tơ) vẫn "truyền lửa" cho nhau để giữ lấy nghề xưa - nghề dệt thổ cẩm.  Để giờ Làng Teng trở thành làng dệt thổ cẩm duy nhất ở Quảng Ngãi. Những tấm thổ cẩm với hoa văn, họa tiết vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo của dân tộc Hrê nơi đây.

TIN LIÊN QUAN


Sống với nghề

Tháng 3, hoa gạo đỏ thắm  sườn đồi. Tranh thủ thời gian cây lúa trong thời kỳ trổ bông, phụ nữ Làng Teng bắt tay vào dệt thổ cẩm. Chị Phạm Thị Sinh vừa dệt xong những  tấm thổ cẩm đem đến tiệm may Lan Tuyền hối thúc: "Tranh thủ may sớm để chị sớm chuyển lên Ba Vì, Ba Tiêu cho bà con kiếm thêm ít tiền lo thu hoạch vụ mùa lúa đến". Cầm tấm thổ cẩm với hoa văn, họa tiết đủ màu sắc trên tay, chị Sinh bảo: Cuộc sống bà con bây giờ khá giả hơn trước nên bà con đòi hỏi màu sắc phải phù hợp, đường dệt phải đều.

Phụ nữ Làng Teng bên khung dệt thổ cẩm.
Phụ nữ Làng Teng bên khung dệt thổ cẩm.

Để dệt được tấm thổ cẩm, chị Sinh phải đến các quày bán hàng tạp hóa mua chỉ màu. Mỗi kg chỉ màu đen có giá 125.000 đồng, cộng 1-2 lạng chỉ màu khác, chị dệt được 2 tấm kà tu. Để có một tấm kà tu thành phẩm, phải mất thời gian từ 2 -3 ngày dệt liên lục. Vất vả nhiều nhưng tấm kà tu bán được từ 300.000 - 350.000 đồng. Giá thành tính ra cũng khá  đắt, nhưng cuộc sống của đồng bào vùng cao Ba Tơ hôm nay khá giả hơn trước, nên bà con ai cũng muốn mình có một chiếc váy đẹp mặc trong dịp Tết cổ truyền dân dộc hay ngày lễ, ngày hội.

Không chỉ tấm kà tu cho phụ nữ mà bây giờ dệt áo cho phụ nữ, đàn ông, khăn choàng đầu, quàng cổ và cả túi xách cũng được dệt bằng thổ cẩm. Đồng bào dân tộc chưng diện tất cả trong ngày lễ hội và xem đó là niềm tự hào của dân tộc Hrê. Phụ nữ ở Làng Teng hiện nay, ngoài việc làm đồng, thì hầu hết từ già đến trẻ đều biết nghề dệt thổ cẩm. Cứ sau tết, khi vụ mùa chưa đến thì bà con bắt tay vào việc dệt thổ cẩm để cung cấp cho các xã khu tây huyện Ba Tơ.

Chính vì nghề dệt đắt đỏ, nên ở giữa lòng Làng Teng bây giờ có hẳn một tiệm may Lan Tuyền để may kà tu, may áo, bán chỉ dệt cho phụ nữ Làng Teng. Chị Ngô Thị Lan - chủ tiệm may Lan Tuyền, cho biết: "Một ngày bình quân cũng may được từ 5 - 6 chiếc áo, kà tu. Nhất là dịp tết đến, ngày lễ phải may sáng đêm". Già Phạm Thị Thiều thì phấn khởi nói: Thấy phụ nữ trong làng tất bật mà già vui. Bởi nghề dệt đã giúp cho nhà nhà có chén cơm trong mùa giáp hạt và nhờ đó mà giữ được nghề xưa.

Thăng trầm nghề dệt thổ cẩm

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê hiện nay chỉ có duy nhất ở Làng Teng xã Ba Thành. Làng cách TP Quảng Ngãi khoảng 55km về hướng tây. Trong những ngày này, không khí của những ngày xuân vẫn vương vấn  đây đó ở các xóm làng đồng bào... Nhưng ở làng Teng từ mờ sáng là những người phụ nữ, con gái trở dậy ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Theo già Phạm Thị Thiều thì nghề dệt thổ cẩm có từ thời xa xưa. Mặc dù chiến tranh nhưng qua thời kỳ chống Pháp đến thời chống Mỹ bà con vẫn cố gìn giữ.  Ngày xưa, để có tấm thổ cẩm, đồng bào phải tận dụng bãi bồi ven sông Liêng trồng cây vải lấy bông se sợi. Rồi, vào núi tìm rễ cây nhiều màu về nhuộm vải. Tấm vải thổ cẩm làm bằng bông vải thật mềm mại. Mặc thổ cẩm trong mùa hạ thì mát mẻ và mùa đông thì ấm áp. Còn bây giờ, cây bông vải đã bị "xóa sổ" nhường chỗ cho một số loại cây kinh tế mì, bắp, đậu, mía nên bà con muốn dệt vải phải mua chỉ sợi.

Già Thiều cho rằng: Thời xưa và cả bây giờ nghề dệt không đem lại sự giàu có nhưng con gái trong làng phải biết nghề dệt và xem đó là điều cần phải có trước khi đi lấy chồng. Bản thân bà Thiều trước khi có chồng, được thừa hưởng nghề dệt từ bà ngoại, bà nội và từ mẹ. Ngày đó, không có điện như bây giờ, sau những ngày mùa hoặc những đêm trăng thanh, con gái  trong làng quây quần bên nhà già để học lấy nghề.  Rồi sau đó về nhà chặt lồ ô để dệt. Bản làng có nhiều người dệt nên rất nên thơ và  hình ảnh người con gái Hrê ngồi dệt thật duyên dáng, khéo léo. Những chàng trai Hrê muốn chọn vợ cũng tìm đến lân la se vải, trộn màu... Ngày đó, làng vui và nhộn nhịp lắm. Rồi đến chiến tranh, cả làng  vào núi Cao Muôn trú ngụ,  trồng lúa nước. Bom nổ trên đầu nhưng đêm đêm khung dệt cũng được bày ra để dệt vải cung cấp cho những bộ đội là người Hrê.


Sau hòa bình, nghề dệt được phục hồi. Ngành văn hóa đã trích kinh phí xây dựng hẳn một nhà dệt thổ cẩm để mời những nghệ nhân uy tín trong làng dạy cho con em phụ nữ biết nghề, giữ nghề và có thêm  thu nhập.


 MAI HẠ

 


.