Dự án xử lý rác thải rắn An Định: Dự án chết yểu, dân lãnh đủ

02:03, 12/03/2012
.

(QNg)- Được hứa hẹn sẽ là nơi giải quyết dứt điểm nguồn rác thải của huyện Nghĩa Hành và toàn tỉnh sau khi hoàn thành, thế nhưng đã gần 3 năm nay, Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt An Định (DA), xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) vẫn chỉ nằm… trên giấy, sau lễ khởi công hoành tráng vào năm 2009.
 
Để có được gần 10ha đất phục vụ cho DA này, 32 hộ dân xã Hành Dũng đã ngậm ngùi phá bỏ keo, mì non để bàn giao đất cho nhà đầu tư với hy vọng nhà máy sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, hạn chế tình trạng ô nhiễm do rác thải gây ra. Vậy mà, DA tiền tỷ ấy đã đáp lại niềm mong mỏi của người dân bằng bãi đất trống, hoang hóa…

Doanh nghiệp "bỏ của chạy lấy người"!

Đưa chúng tôi ra thăm công trình xây dựng Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt An Định, ông Trịnh Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Hành Dũng thở dài: 3 năm rồi, DA cũng chỉ là bãi đất cằn cỗi, sỏi đá. Chỉ khác một điều là thay vì màu xanh của keo, mì thì giờ đây, lớp cỏ gấu cháy vàng đã phủ gần như toàn bộ diện tích mặt bằng của DA.

 

Công trình DA Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt của Cty Hoàng Long chỉ là bãi đất trống sau 3 năm khởi công.
Công trình DA Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt của Cty Hoàng Long chỉ là bãi đất trống sau 3 năm khởi công.


Quả thật, nhìn mảnh đất gần 10 ha được san lấp theo kiểu "chắp vá" đang dần bị hoang hóa mà tôi cũng xót xa, huống chi những người nông dân đã từng hiến đất để phục vụ DA. "Đất này rất hợp với cây keo lai và mì. Thế nên khi bàn giao mặt bằng, dù rất tiếc nhưng vì lợi ích chung nên ai cũng sẵn sàng nhường đất. Vậy mà…" - ông Minh bỏ lửng câu nói.

Theo ông Minh thì: Sau khi UBND tỉnh có Công văn số 1277/UBND-TCTM ngày 19/5/2009 về việc chấp thuận DA xây dựng Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt An Định - Quảng Ngãi, của Công ty CP Đầu tư địa ốc và Du lịch Hoàng Long (Cty), địa phương đã tiến hành họp dân và nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân vì những lợi ích mà DA mang lại - nhất là việc xử lý nạn ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Thế nên, 32 hộ có đất thuộc DA đều sẵn sàng phá bỏ keo, mì để bàn giao mặt bằng, phục vụ thi công. Tuy nhiên, sau lễ khởi công hoành tráng vào năm 2009, Cty chỉ tiến hành việc san ủi mặt bằng khoảng 1 ha rồi… mất tích, bỏ lại DA "nằm" trên bãi đất trống trơ trọi!

Theo thiết kế, DA xây dựng Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt An Định (vốn đầu tư lên đến hơn 280 tỷ đồng), có mục tiêu xử lý dứt điểm nguồn rác thải và tái chế thành các sản phẩm như hạt nhựa, phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp… góp phần tạo môi trường xanh, sạch đẹp - nhất là khu vực xung quanh bãi chôn lấp rác Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). "Tuy nhiên, niềm kỳ vọng ấy có lẽ vẫn chỉ nằm trên giấy, bởi gần 3 năm qua, nhà đầu tư chẳng có một động thái nào thể hiện quyết tâm xây dựng. Có lẽ họ đã "bỏ của chạy lấy người"" - ông Trịnh Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Hành Dũng ngán ngẩm nói.    

Dân lãnh đủ

Với người dân xã Hành Dũng, việc DA "án binh bất động" trong thời gian dài như trên đã khiến họ rất bất bình. Bởi lẽ, để có gần 10ha đất phục vụ DA, họ đã phải hy sinh những mảnh đất vốn là miếng cơm manh áo của mình. Thậm chí sau khi hiến đất cho DA, nhiều người chẳng còn đất để sản xuất lâm nghiệp mà chỉ trông chờ vào vài ba sào ruộng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. "Tin rằng Nhà máy này sẽ giúp dân thoát khỏi mùi hôi thối, ô nhiễm của rác thải nên năm 2008, tôi sẵn sàng chặt phá keo đã được 1,5 năm tuổi để nhường 6 sào đất cho DA. Giờ thì đất mất mà rác thải vẫn ngập đường" - ông Trần Phục ở thôn An Định, xã Hành Dũng bức xúc.

Việc DA bị "treo", bỏ đất hoang hóa đã làm cho những hộ dân chấp hành tốt việc giao đất thời điểm ấy (cuối năm 2008) cảm thấy…hối tiếc!.  Vì "giá như lúc đó không bàn giao thì giờ đã khai thác được 1 lứa keo, thêm khoản thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống" - ông Phục tiếc rẻ. Cũng vì tiếc nên khi thấy đất bị bỏ hoang, nhiều người đã tự ý trồng keo, mì trên phần đất của DA. Điều này dẫn đến tình trạng tranh chấp và khiếu kiện giữa các hộ dân, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Không chỉ bức xúc vì hiến đất rồi bị bỏ hoang, người dân thôn An Định còn bức xúc vì lãnh đủ mùi hôi thối phát ra từ bãi chôn lấp rác Nghĩa Kỳ nằm cách đó không xa. Bởi, việc xử lý rác thải ở đây chỉ mang tính tạm thời. Nghĩa là mùa nắng thì đốt, còn mùa mưa thì… chịu, nên nước thải chảy tràn lan, mùi hôi thối bốc ra nồng nặc đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

"Cấp trên cần sớm rà soát và thẩm định lại năng lực của Cty Hoàng Long để có hướng giải quyết hợp lý. Nếu đơn vị này mất khả năng thực hiện thì nên có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư khác, giúp Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt An Định sớm được xây dựng và đi vào hoạt động, giải quyết dứt điểm vấn nạn rác thải trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng an toàn, hiệu quả; tránh tình trạng bỏ đất hoang phí, tạo dư luận không tốt trong nhân dân" - ông Lê Quang Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành kiến nghị.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.