(QNĐT)- Bên cạnh những khó khăn vì thiếu điện, nước sinh hoạt, người dân đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn) còn phải đối mặt những con sóng cao ngút đầu và hiện tượng biển “nuốt” dần những tấc đất hiếm hoi trong mỗi mùa mưa bão. Từ năm 1990 đến nay, biển đã lấn sâu vào đảo khoảng 20-30m đất xuyên suốt trên độ dài 2km bờ biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ đảo Lớn, mất khoảng 30 phút lênh đênh trên chiếc tàu cá nhỏ, ngay trước mắt chúng tôi dần hiện lên một bãi cát trắng phau và hàng dừa xanh mướt đẹp đến ngây lòng. Đó là đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn).
Đảo Bé với vẻ đẹp ngây ngất lòng người |
Như biết được cảm xúc của người lần đầu ra đảo như tôi, anh cán bộ xã An Bình đi cùng, tên Sang liền nói: Đảo Bé tuy còn nghèo nhưng rất đẹp phải không. Chỉ tiếc là không biết đảo sẽ còn đẹp đến bao giờ sau những mùa mưa bão đi qua.
Tôi chưa hết ngạc nhiên thì anh Sang đã tiếp lời: Từ năm 1990 đến nay, cứ mỗi mùa biển động đi qua thì đảo Bé phải rút ruột khoảng 20-30m đất trên độ dài 2km bờ biển thuộc phía Nam của đảo. Nhất là mùa bão năm 2009, hiện tượng biển xâm thực đã quét đi không ít vườn tược, cây cối của người dân trên đảo khi “ngoạm” vào sâu bên trong đến 10m đất chỉ sau một đêm. Dân địa phương chúng tôi chỉ còn biết xót xa nhìn biển “nuốt” dần từng khối đất, cát lớn trên đảo.
Để chứng minh cho lời mình nói, ngay khi lên bờ, anh cán bộ xã nhiệt tình dẫn tôi đi ngay đến khu vực đông nam của đảo, nơi bị xâm thực nặng nề nhất. Hiện tại, nơi đây có 7 ngôi nhà của 8 hộ dân đang nằm chênh vênh ngay bên mé biển.
Ông Bùi Mã, một trong những người dân có nhà nằm ngay khu vực bị xâm thực nặng cho biết: “Bây giờ là mùa nắng nên sóng chỉ cách nhà chừng 10-20m. Chứ vào mùa biển động, nước triều dâng lên thì chúng tôi không biết lúc nào phải dâng cho biển nhà cửa, và thậm chí là cả tính mạng, khi nhà chỉ cách biển chừng dăm mét”.
Vào mùa mưa, sóng biển đã tiến sát đến con đường bêtông, chỉ cách nhà dân chừng vài mét |
“Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 8 đến tháng 12 thì dân chúng tôi phải sống trong tư thế sẵn sàng “chạy” bất cứ lúc nào. Bởi thời gian này là mùa biển động rất mạnh”- Ông Mã than thở.
8 hộ dân nơi đây vẫn còn nhớ rõ mùa bão năm 2009. Chỉ sau một đêm mà con đường làm bằng bê tông bị sóng biển vỗ nát tươm. Mới năm vừa rồi, Nhà nước hỗ trợ cho làm lại đường với kinh phí 45 triệu đồng thì dân mới có đường đi lại. Vì quá nguy hiểm nên 8 hộ dân cũng được nhà nước vận động di chuyển vào khu vực bên trong đảo để an toàn hơn, với kinh phí hỗ trợ là 20 triệu đồng/hộ.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tè, chia sẻ: Hầu hết 8 hộ sống ở đây đều thuộc diện hộ nghèo. Chỉ với 20 triệu đồng hỗ trợ thì nếu chuyển đến khu đất mới, chúng tôi chẳng đủ tiền xây bể chứa nước mưa chứ đừng nói tới việc xây cả ngôi nhà tốn 70-100 triệu đồng.
Chính vì vậy, dù được nhà nước cấp đất và hỗ trợ tiền để di chuyển nhưng 8 hộ dân nơi đây lại không thể di dời nên đành liều ở lại sống trong sự rình rập của biển cả.
Trong những trận bão trước, sóng biển đã đánh nghiêng cả bình phong trước lăng Cá Ông của dân đảo Bé |
Ông Phạm Ái Việt- Bí Thư Đảng ủy xã An Bình cho biết thêm: Ngoài 8 hộ dân này, còn có hàng chục hộ dân khác sống dọc theo chiều dài 2km bờ biển cũng phải chịu cảnh dần mất đi tài sản, đất đai vì biển. Ngay cả cái Trụ biểu bình phong trước lăng Cá Ông của dân đảo Bé nay cũng đã rệu rã, không thể trụ nổi trước những cơn cuồn phong của biển cả.
Hiện tại những chỗ bị xâm thực đến các công trình nhà cửa của dân đã được người dân đảo Bé chung tay làm kè tạm bằng cách chất đá và các bao xi măng nhằm hạn chế tình trạng xâm thực. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, nếu không có sự can thiệp kịp thời thì có thể đảo Bé sẽ rơi vào “ngõ cụt” bởi sự chèn ép của sóng biển.
Ông Võ Xuân Huyện- Bí thư huyện Lý Sơn cho biết: Chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị lên cấp trên việc xây kè chắn cho đảo Bé, nhằm bảo vệ tài sản, đất đai của người dân địa phương và cũng là bảo vệ tài sản quý báu là biển đảo của quốc gia. Theo tính toán của các ngành chức năng thì kinh phí để xây kè cho đảo Bé là không hề nhỏ, cứ 1m2 kè sẽ tốn 20 triệu đồng. Do vậy, chúng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi.
Thanh Phương