(QNg)- Trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, việc lấn chiếm vỉa hè xảy ra thường xuyên đến nỗi người ta coi đó như là chuyện đương nhiên. Việc xử lý của các đơn vị chức năng hầu như chẳng mấy hiệu quả, vì xử lý hôm trước thì hôm sau "mèo vẫn hoàn mèo". Vấn đề nằm ở chỗ, người dân không ý thức được việc lấn chiếm vỉa hè là sai hay tại công tác xử lý chưa đủ tính răn đe để người dân không tái phạm?
Chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề
Hầu như ở bất kể đoạn đường nào trên địa bàn thành phố, nhất là nơi tập trung đông dân cư, việc bảo đảm trật tự vỉa hè đều rơi vào tình trạng không thể kiểm soát. Dọc các đường như đại lộ Hùng Vương, Lê Trung Đình, Trần Hưng Đạo… là các khu buôn bán quần áo sầm uất, người dân tận dụng từng mét vỉa hè để trưng bày manơcanh, nhiều chỗ còn căng bạt ra sát lề đường để có thêm diện tích treo đồ.
Đoạn đường Phạm Văn Đồng có rất nhiều quán nhậu bình dân, cứ vào buổi chiều, chủ các gian hàng lại bày bàn ghế ra vỉa hè chỉ chừa một khoảng hơn nửa mét từ lề đường vào, không phải để cho người đi bộ sử dụng mà để cho khách có chỗ để xe. Điều đáng nói, trên đường Phạm Văn Đồng có trường THCS Nghĩa Chánh nhưng bên cạnh trường lại có rất nhiều quán nhậu. Vào giờ học sinh tan học cũng là lúc người bán hàng bày biện bàn ghế vì thế học sinh không thể đi lại được, nhiều em phải đi bộ xuống lòng đường, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các loại phương tiện, làm mất trật tự an toàn giao thông.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi lại đang rộ lên phong trào mở quán "café cóc". Các quán café này có diện tích rất nhỏ, hầu hết tận dụng vỉa hè để đặt bàn ghế. Trong khi các quán nhậu bình dân chỉ sử dụng vỉa hè vào tầm chiều tối thì các quán café kiểu này lại mở cửa phục vụ từ sáng đến tối, gây không ít khó khăn cho người đi bộ. Nhiều đường phố ở TP Quảng Ngãi hầu như không thấy vỉa hè, vì vỉa hè được người dân tận dụng hết công suất để trưng bày hàng tạp hóa, dùng cho các dịch vụ giữ xe…
Không chỉ vậy, buổi chiều, nhiều người dân ngồi chen lấn trên vỉa hè và cả lòng đường bán các loại thực phẩm: Cá, tôm, rau gây nên cảnh tắc đường thường xuyên trên những đoạn đường này. Dù đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng tổ quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) của các phường cũng đành ngậm ngùi vì: Không cho mua bán chỗ này, người dân mang đồ chạy tới chỗ khác. Dẹp thì họ chạy, xong lại tụ tập như cũ. Hiện tại vẫn chưa có giải pháp nào khả thi nhất để giải quyết thực trạng này.
Cái khó trong công tác xử lý
Những người làm công tác giữ gìn trật tự vỉa hè bị không ít điều tiếng do đụng đến miếng cơm, manh áo của người buôn bán. Chúng tôi đã từng chứng kiến những lần làm việc của tổ QLTTĐT các phường. Mỗi khi cán bộ quản lý trật tự đô thị thu hồi các loại bàn ghế, quần áo được bày bán trên vỉa hè, người qua đường không khỏi ái ngại và thắc mắc, nhưng đến khi tiếp xúc với họ mới thấy được nỗi khổ của người xử lý vi phạm. Ông Trương Lợi - Tổ trưởng tổ QLTTĐT phường Nghĩa Chánh cho biết: "Mình phải làm mạnh để thu hồi tang vật vi phạm chứ mình mà nhẹ nhàng họ lại càng lấn tới, lúc đó càng khó giải quyết".
Khi làm việc, các tổ QLTTĐT phải cần đến các phương tiện khác như ô-tô, dụng cụ tháo gỡ và cả sự phối hợp của Công an khu vực. "Đi tay không thì nói cũng như không", một cán bộ tổ quản lý trật tự đô thị Nghĩa Chánh cho hay. Nhưng, quá rầm rộ đôi khi lại khiến công việc không đạt hiệu quả cao, vì "vừa thấy bóng dáng chúng tôi từ xa, người dân đã bỏ chạy hoặc thông báo cho nhau để thu dọn đồ đạc" - một cán bộ nói.
Những điểm các tổ QLTTĐT nhắm đến xử lý đều thuộc danh sách "đen", tức là họ đã bị nhắc nhở rất nhiều lần. Tại mỗi điểm, tổ QLTTĐT yêu cầu người dân trả lại phần vỉa hè dành cho người đi bộ, thu hồi các tang vật vi phạm. Tuy có các mức phạt dành cho việc lấn chiếm vỉa hè và lòng, lề đường nhưng "khó có thể bắt họ nộp phạt vì mức phạt quá cao (từ 20-30 triệu đồng nếu tái phạm), mà những người buôn bán nhỏ hầu như gia đình đều thuộc diện khó khăn, nghèo khổ, họ lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để nộp phạt. Mỗi đợt kiểm tra, chúng tôi chỉ tạm giữ tang vật thôi chứ hiếm có vụ nào nộp phạt lắm" - ông Trương Lợi cho biết.
Cái khó với các tổ QLTTĐT là người dân lấn chiếm vỉa hè để buôn bán chủ yếu sau giờ hành chính và hầu như diễn ra hàng ngày, trong khi một tháng chỉ có 4 đợt kiểm tra (các tháng cao điểm từ 6 đến 8 đợt kiểm tra) nhưng kiểm tra xong mọi chuyện đâu lại vào đấy, cán bộ QLTTĐT có nhìn thấy vi phạm vào những ngày khác thì cũng chịu, không thể nào xử lý vi phạm của họ được.
Việc giữ gìn trật tự đô thị sẽ còn tiếp tục. Người dân và cán bộ xử lý đều có cái "khó rất có lý" của mình. Nên chăng các ban, ngành có liên quan cần vào cuộc ráo riết hơn để tìm những giải pháp giải quyết vấn đề này đạt hiệu quả cao hơn góp phần cải thiện được mỹ quan đô thị, ổn định trật tự an toàn xã hội.
Xuân Hiếu