Cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong công tác DT&BD các công trình CSHT

01:01, 10/01/2012
.

(QNg)- Thực tế, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về việc cần phải duy tu, bảo dưỡng các công trình được xây dựng ở các huyện miền núi thuộc diện hưởng lợi của Chương trình 135-II và ISP chưa được thực hiện tốt. Nhìn lại 5 năm thực hiện Chương trình 135-II và gần 4 năm thực hiện ISP, chưa có nhiều các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

Phải đến tận cuối năm 2009, nằm trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ cho Chương trình 135-II, ISP đã thực hiện một số hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người hưởng lợi về CT135-II và ISP thông qua các chương trình truyền hình, phát thanh, sân khấu hóa, panô, áp phích, tờ rơi, và đào tạo cán bộ xã về công tác truyền thông.

Cần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc DT&BD các công trình hạ tầng ở miền núi Trong ảnh: Cầu Tà Dô, xã Sơn Tân- Sơn Tây.              Ảnh: X.Thiên
Cần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc DT&BD các công trình hạ tầng ở miền núi Trong ảnh: Cầu Tà Dô, xã Sơn Tân- Sơn Tây. Ảnh: X.Thiên


Theo kết quả khảo sát hoạt động truyền thông năm 2010, các kênh truyền thông mà ISP đang thực hiện mang lại hiệu quả cao. Người dân tiếp cận đối với các thông tin tuyên truyền từ hai chương trình còn rất kém. Chẳng hạn đối với kênh thông tin từ truyền hình, truyền thanh chỉ có 14,5% người dân nhận được thông tin, 14% người dân biết tới các áp phích và tờ rơi mà ISP tuyên truyền.

Trong khi đó, các hoạt động sân khấu hóa và pa-nô của ISP được biết đến nhiều hơn với khoảng 40% nhân dân tham gia vào khảo sát. Chính việc tiếp cận hạn chế đối với các kênh truyền thông của ISP mà người dân gần như có rất ít nhận thức đối với việc cần phải có trách nhiệm và cần phải tham gia bảo vệ công trình được xây dựng cho họ. Bên cạnh sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, khó khăn về địa hình, thì do nhiều hoạt động truyền thông mới chỉ được thực hiện một lần chưa được "nhắc lại" thường xuyên. Có những hoạt động mới chỉ được thực hiện trong thời gian gần đây, nên chưa có nhiều người dân tiếp cận.

Cũng cần phải nói thêm rằng, hầu hết các hoạt động truyền thông mà Chương trình ISP và Chương trình 135-II đang thực hiện chưa chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cho người dân về việc DT&BD công trình. Một thực tế là khi được hỏi về hoạt động DT&BD, nhiều người dân cho rằng công việc này là của chính quyền xã, và họ không có trách nhiệm gì đối với các công trình được xây dựng. Có người dân còn cho rằng "nhà văn hóa bị hỏng là do chính quyền xã chưa quan tâm". Nhiều nơi, các công trình cấp nước tự chảy đã ngừng hoạt động vì ống bị vỡ, hỏng khóa nước hay một số công trình thủy lợi bị tắc nghẽn, không cung cấp được nước tưới, nhưng có rất ít người dân có trách nhiệm đối với việc bảo vệ và duy trì các công trình. Một số người dân tích cực đứng ra thực hiện DT&BD, nhưng vì nhiều hộ không chịu đóng tiền vào quỹ DT&BD nên công việc này đành bỏ dở.

Trước sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về DT&BD, ông Nguyễn Vương - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Trong thời gian tới, Ban Dân tộc được giao nhiệm vụ thực hiện công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ địa phương về vai trò và tầm quan trọng của công tác DT&BD các công trình cơ sở hạ tầng được hỗ trợ. Trong đó, sự phối hợp giữa chính quyền xã, thôn với người dân để thành lập các nhóm DT&BD phải được đề cao, để đảm bảo người dân là đối tượng hưởng lợi đồng thời cũng là người có trách nhiệm chính trong công tác này". Đây sẽ là bước đi phù hợp, kịp thời để thúc đẩy các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác DT&BD, nhất là trong bối cảnh mà Chương trình ISP sắp kết thúc. Một số giải pháp có thể thực hiện hiệu quả công tác này là:

Cần tạo ra nhóm tuyên truyền riêng cho từng xã. Không ai có thể tuyên truyền tốt hơn người trong cộng đồng tự tuyên truyền cho cộng đồng của họ. Thực tế đã có một số nhóm DT&BD được thành lập nên tận dụng để thành lập nhóm tuyên truyền cho thôn bản. Nhóm này nên lấy nhân tố nòng cốt là các cán bộ thôn, khu dân cư, trong đó nhất thiết phải huy động cán bộ hội phụ nữ tham gia. Bên cạnh đó, xã cần trích một nguồn kinh phí nhỏ để hỗ trợ nhóm tuyên truyền viên hoạt động thường xuyên. Đồng thời đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền trong họp thôn. Thực tế, kết quả đánh giá truyền thông năm 2010 cho thấy, kênh thông tin từ cán bộ thôn và họp thôn là kênh hiệu quả nhất đối với người dân. Hầu hết người dân cho biết họ lấy thông tin từ các cuộc họp thôn chứ không phải kênh thông tin của ISP. Các cuộc họp thôn thường được tiến hành 2-3 tháng một lần hoặc nhiều hơn. Vì vậy, cần sử dụng hoạt động này để tuyên truyền lâu dài cho người dân.

Một vấn đề cần lưu tâm nữa là sử dụng các hình thức trình chiếu và minh họa. Năm 2011, ISP do Ban Dân tộc chủ trì đã xây dựng các hoạt động truyền thông về DT&BD. Trong đó các ấn phẩm truyền thông, gồm sách nhỏ, tờ rơi được xây dựng. Cần thiết phải sử dụng các tài liệu này để tuyên truyền trong cán bộ xã và cán bộ thôn để họ có thể tuyên truyền thường xuyên cho người dân. Ngoài ra, tổ chức các cuộc thi hoặc lồng ghép các tiết mục về DT&BD trong các dịp kỷ niệm hàng năm, như ngày đại đoàn kết dân tộc, ngày 8-3, các ngày lễ tết, đặc biệt là vào các dịp lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Cần lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động này để người dân có thể tiếp nhận tốt hơn thông tin về DT&BD.

Thiết nghĩ, hoạt động DT&BD các công trình hạ tầng của Chương trình 135-II và ISP cần phải có sự chung tay của nhiều bên liên quan, trong đó, người dân địa phương phải là lực lượng đi đầu và nòng cốt thì mới có thể thành công.


TS Phạm Thái Hưng
 


.