*Đào Minh Hường - PGĐ Sở NN&PTNT
(QNg)- Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM) ở vùng đồng bào các dân tộc ít người, trước hết phải quán triệt quan điểm chỉ đạo tại Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2010-2020; đồng thời tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho toàn dân hiểu biết đầy đủ và nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của Chương trình MTQG XDNTM; nắm chắc nội dung 19 tiêu chí để phát huy tối đa vai trò làm chủ của cộng đồng - nhất là người cao tuổi có uy tín trong việc lựa chọn các nội dung thực hiện và dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên trong quá trình triển khai thực hiện và quản lý đầu tư.
Trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, cần phải nhận thức đầy đủ những đặc tính riêng vốn có trong cộng đồng xã hội của các dân tộc ít người mà làng, bản là đơn vị xã hội cơ bản được hình thành, tồn tại và phát triển cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng miền núi. Mô hình văn hoá "làng, bản" đã ăn sâu vào tâm thức và thế ứng xử của đồng bào các dân tộc. Trong đời sống của làng, bản cổ truyền thì già làng, trưởng bản thường là những người có tiếng nói quyết định.
Hai già làng tiêu biểu của huyện Trà Bồng. Ảnh: Đ.L |
Trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển các mối liên hệ đặc trưng, hệ thống thân tộc, mối quan hệ cùng làng, bản thì chính già làng, trưởng bản là những người đã có công lớn tạo ra đời sống ổn định, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc; trung hoà những đối kháng trong xã hội. Không thấy những điều này, sẽ không tìm ra được những giải pháp mang tính bền vững trong việc xây dựng phát triển kinh tế xã hội ở vùng đồng bào dân tộc ít người. Từ thực tế này, đòi hỏi phải đánh giá đúng vai trò của làng, thôn và phát huy vai trò, uy tín của người cao tuổi để phục vụ công cuộc XDNTM ở vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Để phát huy vai trò của người có uy tín, cùng với việc lựa chọn người theo những tiêu chuẩn nhất định, chúng ta phải có những hành động cụ thể, thiết thực để giúp đỡ, tôn vinh những người có uy tín. Tạo điều kiện thuận lợi cho họ được tham gia các hoạt động xã hội, được cung cấp thông tin, được tham quan học hỏi và giao lưu; được biểu dương khen thưởng khi có thành tích… Mặt khác, cũng phải chú trọng đến vai trò của "các luật tục, những quy ước của làng, bản", giải quyết tốt mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật của Nhà nước.
Một thực tế cho thấy, hiện nay việc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ an ninh trật tự ở vùng đồng bào các dân tộc ít người vẫn song song cùng tồn tại. Một mặt chịu sự chi phối của luật tục, cùng các quy ước của làng, bản và một bên là pháp luật của Nhà nước, đã và đang góp phần làm ổn định quan hệ xã hội, duy trì kỷ cương, nếp sống cộng đồng và được các thành viên trong cộng đồng tự giác thực hiện. Việc tôn trọng phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc ít người, việc nghiên cứu và sử dụng chúng một cách có hiệu quả, nhất là trong điều kiện trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của đồng bào còn hạn chế, thì sẽ có tác dụng tích cực đối với công tác quản lý cộng đồng các dân tộc hiện nay ở địa phương, góp phần thúc đẩy Chương trình XDNTM ở cơ sở.
Một trong những vấn đề mấu chốt để quản lý, tập hợp, đoàn kết từng tộc người có hiệu quả là chúng ta cần phải biết cách trọng dụng các già làng có uy tín. Tiếng nói của các già làng rất quan trọng, được dân làng nghe, tin và làm theo rất tự giác. Bản sắc văn hóa làng, bản phải được giữ gìn và bồi dưỡng thường xuyên để làm sống lại và trở thành chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ cho đời sống của đồng bào, nhất là đối với thanh, thiếu niên. Chính sự khôi phục những sinh hoạt làng, bản truyền thống đã phát huy tốt tính tích cực của nó.
Biểu diễn chiêng của đồng bào Cadong Sơn Tây. Ảnh: Đ.Lâm |
Trong những năm qua, các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương ở Quảng Ngãi luôn coi trọng vai trò của các luật tục, những quy ước của làng, thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật của Nhà nước, đồng thời chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, qua đó góp phần quan trọng làm cho bộ mặt nông thôn nói chung, nông thôn miền núi nói riêng có bước khởi sắc. Trong đó, nhiều xã có đồng bào dân tộc ít người đã xây dựng và phát triển, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần. Việc khôi phục các quan hệ và sinh hoạt văn hoá truyền thống ấy sẽ có ích cho công cuộc XDNTM hiện nay, nếu được hướng theo những mục tiêu chung vì lợi ích cộng đồng.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, những mặt trái, những tiêu cực, thực dụng, những lối sống lệch lạc với đạo đức truyền thống; kể cả những tâm linh phi tôn giáo, đội lốt tôn giáo, phản động đang tấn công những nông dân nhẹ dạ, cả tin, nhằm phá vỡ bản sắc văn hóa gốc truyền thống tốt đẹp, ngày càng làm cho các phong tục tập quán bị xuống cấp, biến dạng… Trước thực trạng có nhiều xáo trộn phức tạp ở nông thôn, đặc biệt là ở miền núi, để bắt tay vào sự nghiệp XDNTM một cách căn bản, thì điều quan trọng trước hết là phải giữ cho được cái gốc của bản sắc văn hóa dân tộc để khơi nguồn, tạo động lực cho sự phát triển. Cái gốc đó hiện đang nằm trong những pho lịch sử sống, đó là những già làng, trưởng thôn, người cao tuổi có uy tín.
Chúng ta không nên nghĩ rằng, già làng, trưởng thôn, người già có uy tín chỉ có vai trò trong các lĩnh vực tinh thần, như tín ngưỡng, ma chay, thờ cúng, giỗ tết... Trên thực tế, vai trò của họ còn chi phối trong nhiều lĩnh vực, như di cư, định cư, làm nhà, tìm nguồn nước, mở đường, cưới hỏi, truyền dạy nghề, lưu truyền những phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương; tham gia các hoạt động tôn giáo và các tổ chức xã hội khác.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận TQVN, các hội đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần hết sức chú trọng đến đặc điểm tuổi tác, trình độ nhận thức và khả năng vận động cộng đồng… để định hướng rõ ràng, cụ thể những công việc phù hợp cho người cao tuổi có uy tín tham gia. Chẳng hạn, ngoài việc tích cực tham gia giám sát và đóng góp cho việc lãnh đạo của chính quyền địa phương, cần trực tiếp vận động con cháu trong gia đình, dòng tộc, trong cộng đồng xóa bỏ các tập quán lạc hậu, cổ hủ, tư tưởng ỷ lại, trông chờ; có ý thức tự vươn lên, biết thi đua, tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; ăn ở hợp vệ sinh từ trong nhà ra tới vườn, tới ngõ, xóm và thôn, làng; không lười lao động, không say rượu; không sử dụng ma túy; không cờ bạc…
Để đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc ít người trong tỉnh theo tiêu chí nông thôn mới, ngoài việc tranh thủ tốt các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng ta cần xác định rõ vai trò của người cao tuổi có uy tín, để góp phần quản lý và xây dựng cộng đồng các dân tộc ít người ở địa phương một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG XDNTM của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2020./.