Bảo hiểm Y tế bắt buộc cho nông dân: Không ít gian nan

02:11, 29/11/2011
.

(QNĐT)- Quy định mới về Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), từ ngày 1/1/2012, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp bắt buộc đóng bảo hiểm y tế.

*Nhiều khó khăn hiện hữu

Theo lộ trình tiến tới Bảo hiểm Y tế toàn dân vào năm 2014 của Luật BHYT, các đối tượng nêu trên được đưa vào diện bắt buộc tham gia BHYT, với mức đóng bằng 4,5% mức lương tối thiểu. Đồng nghĩa với số tiền mỗi cá nhân phải đóng là 448.200 đồng. Nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT đối với những hộ có mức thu nhập trung bình. Điều đáng nói là trong khi giờ G sắp điểm nhưng vẫn còn nhiều đối tượng hiện chưa tiếp cận được thông tin, không muốn tham gia và không có điều kiện tham gia BHYT.

Rất hào hứng khi nghe nói về chính sách BHYT, nhưng thú thật nhiều người e ngại bởi mức đóng cao so với thu nhập thực tế. Bà Ngô Thị Thu, một diêm dân ở thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) bộc bạch: “Gia đình tôi vừa làm muối vừa làm lúa nhưng muối thì sản xuất ra mà giá rẻ như bèo, lúa thì may lắm cũng chỉ đủ ăn thì lấy đâu ra ngần ấy tiền để đóng bảo hiểm y tế. Đó là chưa kể đến gia đình có nhiều nhân khẩu thì số tiền đóng cũng tăng cao, dẫu biết việc đóng bảo hiểm y tế là rất có ích lợi khi không may ốm đau, bệnh tật”.

Một bộ phận không nhỏ người dân tỏ ra ngạc nhiên khi biết mình sắp thuộc diện bắt buộc phải đóng BHYT. “Trước đây, nông dân chúng tôi có nghe Hội Nông dân tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tự nguyện cho nông dân chứ chưa hề nghe BHYT bắt buộc”- ông Phạm Văn Quý, ở thôn Minh Long, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) cho biết.
 
aa
Từ ngày 1/1/2012, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp bắt buộc đóng bảo hiểm y tế.

Theo ông Trần Văn Lệ- Trưởng phòng thu, BHXH tỉnh, vấn đề bắt buộc người có thu nhập trung bình tham gia BHYT rất nan giải. Lộ trình tiến đến BHYT toàn dân cũng gian nan. Hiện nhiều địa phương chỉ lập được danh sách hộ nghèo mà chưa tập trung vào việc lập danh sách hộ cận nghèo. Với mức đóng 448.200 đồng/người là cao so với thu nhập thực tế của người dân. Những gia đình có từ 2 người trở lên tham gia BHYT thì chi phí càng cao.

Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng mức quy định; người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt bằng 90%, 80%, 70% mức đóng của người thứ nhất, từ 5 người trở lên đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất. Đây sẽ là rào cản lớn trong khi thi hành quy định này.

Cùng với đó, ngành bảo hiểm và Hội Nông dân các cấp, chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nên khá nhiều hộ gia đình chưa nắm rõ quy định cũng như lợi ích mà BHYT mang lại.

Bên cạnh đò ở một số bệnh viện, khi tham gia khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, người bệnh không được phục vụ tốt, mất nhiều thời gian chờ đợi, thanh toán bảo hiểm. Đặc biệt, tại nhiều nơi, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế còn hạn chế, nhất là ở tuyến cơ sở và vùng sâu, vùng xa… đã khiến người dân e ngại khi tham gia BHYT.

*Để người dân không thiệt thòi

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT mới đã từng bước đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến chính sách BHYT, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế.

aa
Những hộ dân thuộc diện cận nghèo đối mặt với những khó khăn lớn nếu không đóng BHYT
 
Năm 2010, toàn tỉnh có 32.786 người tham gia BHYT bắt buộc. Con số này tăng lên hơn 40.000 người trong 9 tháng đầu năm 2011. Tuy vậy, vẫn còn 35% dân số, chiếm đa số là những hộ dân làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp chưa tham gia BHYT.
 
Từ thực tế ấy, những hộ dân thuộc diện cận nghèo đối mặt với những khó khăn lớn nếu không đóng BHYT thì không có khả năng chi trả viện phí, đặc biệt là tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng cao, chi phí lớn nếu không may mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị lâu dài, trong khi viện phí đắt đỏ như hiện nay.

Cũng theo ông Lê, để người dân, nhất là các hộ cận nghèo không thiệt thòi, thời gian tới, ngành bảo hiểm, sẽ chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tăng cường đẩy mạnh việc tuyên truyền về tính ưu việt của việc tham gia BHYT để người dân nắm rõ.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần bố trí đủ nhân lực, kinh phí, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho các đơn vị triển khai khám chữa bệnh BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, giảm tình trạng vượt tuyến, quá tải bệnh viện… để thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt thòi cho người dân vì chưa hiểu Luật.

Ái Kiều

.