(QNg)- Triển khai thực hiện đợt cao điểm Tháng an toàn giao thông Quốc gia năm 2011, từ đầu tháng 9 đến nay, các ngành chức năng của thành phố đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng của 8 phường ra quân kiểm tra, giải tỏa, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm; đặc biệt là các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh mua bán.
Chỉ trong gần nửa tháng ra quân, các lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện xử lý gần 150 trường hợp vi phạm; trong đó tạm giữ gần 140 tang vật, phương tiện gồm xe ô tô, mô tô, bàn, ghế, bảng hiệu, dù che... và xử phạt vi phạm hành chính trên 5,2 triệu đồng. Quá trình kiểm tra của các lực lượng chức năng trong những ngày đầu tháng an toàn giao thông quốc gia năm 2011 gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng của thành phố thu giữ tang vật vi phạm. |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Sơn-Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị thành phố cho biết: "Những người vi phạm nhận thức của họ chưa cao, người dân đối phó với lực lượng chức năng bằng cách sử dụng xe đẩy, xe kéo, khi thấy lực lượng kiểm tra thì đẩy chạy. Hơn nữa, lực lượng để chốt chặn tại những điểm nóng về trật tự đô thị còn hạn chế". Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra còn có một số trường hợp vi phạm cố tình chống đối, gây cản trở lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ".
Theo Nghị định 34, đối với các trường hợp vi phạm là xe ô tô, xe máy đậu đỗ sai quy định thì được áp dụng với mức xử phạt từ 80.000-100.000 đồng đã được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9, Nghị định 34 của Chính phủ. Còn với những trường hợp chiếm dụng đường phố để kinh doanh buôn bán, treo biển hiệu, quảng cáo, làm mái che... tại điểm a khoản 5 Điều 15 của Nghị định 34 cũng đã quy định mức xử phạt từ 20-30 triệu đồng. Thế nhưng việc áp dụng mức xử phạt trên đối với các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là điều không dễ. Nguyên nhân là do những tang vật vi phạm thường có giá trị thấp nên người vi phạm sẵn sàng "bỏ của chạy lấy người".
Nhiều người vi phạm nhưng con số xử phạt ít, phần lớn người vi phạm chủ yếu cảnh cáo, nhắc nhở hoặc chỉ bị thu giữ một số tang vật có giá trị thấp. Rõ ràng những biện pháp trên không đủ mạnh để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm. Để không xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông gây cản trở việc đi lại của người dân và làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có các biện pháp, chế tài xử lý kiên quyết, triệt để tận gốc những trường hợp vi phạm.
Bài, ảnh: Thùy Trang