Người dân xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh): Thấp thỏm lo âu sông "ngoạm" đất!

09:10, 05/10/2011
.

(QNg)- Trước đây, sông Giang và sông Trà Khúc là cứu tinh của người dân xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), khi hai dòng sông này mang lại lớp phù sa màu mỡ cho dải đất ven sông. Thế nhưng, giờ đây, nạn sạt lở, sa bồi thủy phá từ hai dòng Trà - Giang đã khiến hàng trăm hộ dân đang phải đối mặt với nguy cơ mất đất…

"Mỗi năm, xã bị mất hơn 2 ha đất sản xuất, do sông Giang và sông Trà Khúc xói lở, cuốn trôi, đe dọa cuộc sống của các hộ dân trong khu vực" - ông Trần Phước Hòa - Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang cho hay. Để minh chứng cho điều này, ông Hòa điểm chỉ cho tôi khá nhiều thôn, xóm với hàng trăm hộ dân đang đứng trước nguy cơ mất an toàn về nhà, tài sản và tính mạng trong mùa mưa bão sắp tới.
 
Người dân thôn Đông Hòa đang đối mặt với nguy cơ mất đất sản xuất, do bị sông Giang cuốn trôi. Và ngay tại điểm sạt lở này, cũng đã xuất hiện vết nứt rộng gần 1m.
Người dân thôn Đông Hòa đang đối mặt với nguy cơ mất đất sản xuất, do bị sông Giang cuốn trôi. Và ngay tại điểm sạt lở này, cũng đã xuất hiện vết nứt rộng gần 1m.

Ở KDC Thổ Mương (thuộc thôn Cù Và), hàng chục hộ dân nơi đây đang phải đối mặt với nạn xâm thực nặng, bởi nước sông Giang đã tiến đến rất gần với chân nhà. "Mùa nắng, nước sông cạn nên nhìn bình yên thế đấy. Nhưng khi bước vào mùa mưa, do lòng sông hẹp nên nước chảy rất mạnh, xoi vào đất hai bên bờ, gây sạt lở cục bộ" - ông Phạm Giáo, một trong những hộ dân nằm ven sông Giang cho hay.

Còn hộ ông Lê Tấn Chung thì lo lắng: Căn nhà tôi mới sửa chữa lại cho kiên cố, nhưng cũng không được yên, bởi bị nước sông xoáy thẳng vào móng. Vậy nên đến mùa nước lớn là cả nhà sợ thót tim". Theo nhiều hộ dân ở đây thì trước kia, nhà nào cũng cách mép sông từ 2 - 3 sào đất, nhưng giờ thì khoảng cách này chỉ còn 0,5 - 1 sào do bị sông "ngoạm" dần. Vì vậy, khi mùa mưa đến, nước sông dâng cao và chảy xiết, gần hai chục hộ dân ở đây phải đi sơ tán và tá túc ở xóm bên.

Không bị đe dọa về nhà cửa, tính mạng như nhiều hộ dân ở KDC Thổ Mương, nhưng  người dân ở đội 8, thôn Đông Hòa đang đối mặt với nạn mất đất sản xuất. Bởi lẽ, hầu hết họ đều canh tác trên diện tích đất bãi bồi ven sông (từ vũng Cây Quýt đến Nà Quân, giáp với kè Vịch Ù trên sông Giang). Điều đáng nói là những hộ có đất sản xuất ở đây đều được chia theo NĐ 64, nên khi bị sông "cướp" đất, thì họ cũng trắng tay vì không còn đất để bù! Thế nên, cuộc sống của những hộ dân này cũng đang lâm vào cảnh khốn khó. "Có mỗi sào đất bồi cũng bị sông "nuốt" mất, giờ chỉ còn hai sào ruộng, được mùa lắm cũng chỉ vừa đủ ăn" - lão nông Nguyễn Định ngán ngẩm nói.

Còn nông dân Nguyễn Văn Báu thì lo lắng: "Nhà tôi có 2 sào đất bồi ở Nà Quân, mấy năm trước còn trồng được hoa màu, cho thu nhập khá. Nhưng giờ thì đất theo nước trôi ra sông hết rồi, chỉ còn một vạt nhỏ vài chục mét vuông. Với tình trạng này thì vài ba năm nữa, đất từ vũng Quýt đến Nà Quân sẽ biến mất, trở thành sông mất thôi". Điều lo lắng của ông Báu không phải không có cơ sở, khi ngoài việc bị sạt lở, thì dọc dải đất này đã xuất hiện những vết nứt rộng hơn 1mét, nên chỉ cần một trận mưa nhỏ là đất cứ thế đua nhau đổ xuống sông.

Bên cạnh nỗi lo mất đất, thì người dân cả thôn Đông Toàn cũng thấp thỏm với nạn sạt lở đường. Toàn thôn chỉ có một tuyến đường độc đạo nối liền với trung tâm xã. Nhiều năm nay, con đường này đã bị sông Giang tàn phá dữ dội. Nước "khoét" vào tận chân đường. Năm 2010, sau khi kè chống sạt lở sông Giang được xây dựng và đưa vào sử dụng (chiều dài gần 200m, kinh phí xây dựng gần 4 tỷ đồng), thì con đường tạm thời được giữ lại.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, mà chỉ vừa đưa vào sử dụng, thì kè này đã bị hư hỏng, và toàn bộ đá chắn ở phần đuôi kè đã bị nước "bóc" sạch? "Những trận mưa bão vào cuối năm 2010, đã "khoắng" sạch đuôi kè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng bảo vệ đường của tuyến kè Vịch Ù. Hiện đơn vị thi công đang tập kết vật liệu và sẽ sửa chữa" - Chủ tịch UBND xã Trần Phước Hòa giải thích. Tuy nhiên, điều làm người dân ở đây bức xúc là: Mặc dù đã bị hư hỏng từ cuối năm 2010, nhưng mãi đến thời điểm này mùa mưa bão đang cận kề, thì đơn vị thi công mới bắt đầu sửa chữa?!

Ông Nguyễn Văn Báu phản ánh: Kè tốn bạc tỷ của Nhà nước, nhưng chỉ qua một mùa mưa mà đã xuống cấp là thế nào? Không thể đổ hết lỗi cho thiên tai, mà câu hỏi của nhân dân chúng tôi đặt ra là chất lượng công trình, liệu có đảm bảo? Và nếu không khắc phục được đuôi kè Vịch Ù trước mùa mưa bão năm nay, thì phần đoạn kè còn lại cũng chẳng đủ sức để chống chịu với sức công phá của sông Giang. Do đó, mất đường sẽ là điều khó tránh khỏi.

"Tình trạng sạt lở, sa bồi thủy phá do sông Giang và sông Trà Khúc gây trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng. Nhưng kinh phí để xây dựng các tuyến kè bảo vệ, dọc hai con sông đi qua là quá lớn (gần 20 km). Do đó, địa phương cũng chỉ biết…đợi sự quan tâm của cấp trên" - ông Trần Phước Hòa bày tỏ. Và, người dân sống dọc bờ sông Giang và sông Trà của xã Tịnh Giang, không biết phải đợi đến bao giờ, thì mới thoát khỏi nỗi ám ảnh về tình trạng sạt lở đất, hỏng đường, để được an cư lạc nghiệp?

    Bài, ảnh: MỸ HOA

.