Lý Sơn: Trước mùa mưa bão

06:10, 02/10/2011
.

(QNg)- Trong mùa mưa bão biển động, triều cường không chỉ gây nguy hiểm cho tàu thuyền, mà còn gây sạt lở bờ biển đảo Lý Sơn. Làm gì để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền Lý Sơn.
 
Cơn bão số 9 đổ bộ vào cuối năm 2009 đã gây thiệt hại nặng cho huyện đảo Lý Sơn: Hàng trăm ngôi nhà sập đổ, nhiều tàu thuyền đắm chìm, va đập hư hỏng, đồng tỏi xơ xác, những hàng dừa trồng dọc bờ biển cũng bị gió giật tả tơi. Năm 2010 huyện đảo lại tiếp tục hứng chịu  ba cơn bão.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Lý Sơn: Qua 3 cơn bão có 30 ha hành bị dập lá, 9 ha đất nông nghiệp bị trôi chảy, 76 ha tỏi mới trồng bị ngập, 15,5 ha hoa màu thiệt hại khoảng 80%, 5 chiếc thuyền bị chìm. Thiệt hại về tài sản đã hơn 3,3 tỷ đồng.
 
Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn đảm bảo an toàn cho trên 300 chiếc tàu vào neo đậu trong mùa mưa bão.
Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn đảm bảo an toàn cho trên 300 chiếc tàu vào neo đậu trong mùa mưa bão.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi trong mùa mưa bão năm 2011, có 5-7 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam. Riêng khu vực Quảng Ngãi có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Để phòng tránh, ứng phó kịp thời trước thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn, ngay từ đầu tháng 8 Lý Sơn đã tổng kết rút kinh nghiệm về công tác PCLB và triển khai phương án phòng chống bão trong mùa mưa năm nay. 

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Huyện đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB và TKCN) các cấp; chỉ đạo các phòng ban, các địa phương xây dựng phương án PCLB và TKCN phù hợp với đơn vị mình; tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hiểm họa của thiên tai và các biện pháp phòng tránh... Huyện đã tiến hành kiểm tra chặt chẽ việc bố trí những trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men, lương thực theo phương châm "4 tại chỗ"; xây dựng phương án phòng chống chi tiết cho những vùng xung yếu, sạt lở, triều cường và vũng neo đậu tàu thuyền. Huyện cũng chỉ đạo Đồn Biên phòng 328 khi  làm thủ tục xuất biển cho ngư dân khai thác phải đi từng tổ, nhóm từ 3-4 thuyền trở lên, để hỗ trợ nhau trong khai thác và giúp nhau khi xảy ra hoạn nạn.

Huyện Lý Sơn đã xác định 3 điểm trọng yếu có nguy cơ sạt lở nặng là: Mom Tàu xã An Bình, vùng Cồn (thôn Tây, xã An Vĩnh), thôn Đồng Hộ (xã An Hải). Tại 3 điểm này. Khi trời mưa bão sẽ huy động lực lượng tại chỗ (lực lượng quân sự, bộ đội biên phòng, lực lượng thanh niên) để đưa dân đến điểm cao ráo an toàn,  đồng thời có kế hoạch bảo vệ  tài sản của người dân.

Đặc biệt đối với 8 hộ dân thuộc xóm Mom Tàu - nơi xác định vùng có triều cường gây sạt lở thì trước khi bão gần bờ phải di dời sơ tán dân trước. Huyện đã tổ chức tuyên truyền cho bà con ngư dân cần cẩn trọng trong việc đánh bắt hải sản, mùa mưa bão cần phải trang bị đầy đủ áo phao; phải theo dõi thường xuyên hơn về dự báo thời tiết biển qua radiô. Khi có mưa bão các ngành chức năng và xã An Hải cần thu xếp cho tàu vào vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn trú ẩn an toàn. Đối với tàu vận tải hành khách, thực phẩm ra đảo Lý Sơn cần trang bị đầy đủ phao cứu hộ, phao cứu sinh và chấp hành nghiêm túc ra vào đất liền theo đúng quy định an toàn trong mùa mưa bão.

Riêng xã đảo An Bình do cách trở với đảo Lớn, đã vận động nhân dân lo dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, đảm bảo trong thời gian từ 30 -40 ngày khi biển động xảy ra (mỗi hộ bình quân từ 40 - 50 kg gạo). Huyện cũng chỉ đạo cho Phòng y tế huyện tăng cường bác sĩ trực trạm y tế xã và dự trữ đủ cơ số thuốc trong mùa biển động.

Ở Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Lý Sơn hiện đã dự trữ 5 nhà bạt, 10 phao tròn và áo phao, 3 phao bè, 310 lít xăng và một số dụng cụ vật liệu khác. Các phương tiện ca nô (2 chiếc), xe tải nhẹ (5 chiếc), tàu cao tốc (1 chiếc) cũng đã được chuẩn bị, đồng thời huyện cũng huy động dân chuẩn bị xe mô tô chở vật liệu, tàu thuyền và các phương tiện khác để kịp thời ứng phó khi mưa bão xảy ra. Kho dự trữ của huyện cũng dự trữ 100 tấn gạo (xã đảo An Bình 5 tấn). 

Theo ông Trần Ngọc Nguyên, việc chuẩn bị cho công tác PCLB & TKCN được tiến hành khẩn trương. Song vấn đề quan tâm nhất là đẩy mạnh huyện tuyên truyền để nhân dân  nâng cao ý thức phòng chống lụt bão, mà vấn đề trước tiên là  cần dự trữ lương thực, mì tôm và thuốc phòng chữa bệnh thông thường...

Bài, ảnh: MAI HẠ

.