Xây dựng nông thôn mới ở miền núi: Cần vận dụng kinh nghiệm từ Chương trình 135 - II

09:09, 14/09/2011
.

(QNg)- Tăng thu nhập cho nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là một trong những mục tiêu chính của Chương trình 135 - II và là một thách thức lớn đối với Chương trình hỗ trợ thực hiện Chương trình 135 - II (ISP).
 

ISP đã được Chính phủ Ôxtrâylia tài trợ kinh phí và được triển khai thực hiện tại Quảng Ngãi trong giai đoạn 2008-2011, nhằm giúp Chương trình 135 - II đạt được mục tiêu giảm nghèo; mà mục tiêu giảm nghèo của hợp phần phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu thuộc Chương trình 135 - II là tăng thu nhập và đa dạng hoá sinh kế theo hướng thị trường một cách bền vững.
 
Trung tâm huyện miền núi Sơn Tây hôm nay.
Trung tâm huyện miền núi Sơn Tây hôm nay.

Trong quá trình lập kế hoạch năm 2009 của Chương trình ISP cho thấy,  Chương trình 135 - II chỉ cung cấp một số hỗ trợ đầu vào cho các cá nhân hưởng lợi (như cây, con giống,...) mà không có kế hoạch phù hợp nhằm tiếp tục hỗ trợ cho nông dân thông qua các khoá tập huấn và cũng không có hoạt động phát triển sản xuất gắn kết với thị trường. Những nông dân được tiếp nhận các hỗ trợ đầu vào của Chương trình 135 - II là những nông dân nghèo, có rất ít đất sản xuất, ít vốn để đầu tư sản xuất; thiếu các kiến thức về kỹ thuật, khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường cho nhiều loại sản phẩm; thiếu kỹ năng kinh doanh nông nghiệp. Nông dân không biết thời điểm nào thích hợp nhất để sản xuất và bán sản phẩm ra thị trường với giá cao nhất, bị tư thương ép giá,... Do vậy lợi tức nông dân kiếm được từ hoạt động kinh doanh nông nghiệp vẫn còn thấp và sinh kế của người dân chưa thật sự bền vững.

Chương trình ISP tại Quảng Ngãi được thiết kế và triển khai nhằm giúp Chương trình 135 II khắc phục được những khiếm khuyết nêu trên. Một chiến lược dựa trên cơ sở các nhóm hoạt động (NHĐ) làm trọng tâm của các hoạt động nâng cao năng lực (NCNL) đã được hình thành và triển khai bắt đầu từ năm 2009. Mỗi NHĐ bao gồm các nông hộ được tiếp nhận cùng một loại hỗ trợ đầu vào của Chương trình 135 - II. ISP đã thành lập các NHĐ như chăn nuôi heo, nuôi bò sinh sản, nhóm trồng cây xà cừ, nhóm trồng keo, nhóm trồng chè,... Các thành viên trong nhóm được hỗ trợ cây, con giống của Chương trình 135 - II. Mục đích của phương pháp nhóm hoạt động là đưa ra một cơ chế phù hợp cho việc tập huấn cho nông dân; đồng thời tạo cơ hội để nông dân hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để hỗ trợ cho NHĐ sử dụng các loại đầu vào được hiệu quả cần thiết phải có các hoạt động như, học tập kỹ năng về sản xuất, phát triển thị trường và kinh doanh nông nghiệp. Các đơn vị khuyến nông cấp tỉnh, huyện được hợp đồng làm đơn vị dịch vụ cho các hoạt động phát triển kỹ năng. Tất cả các tập huấn cho NHĐ được các đơn vị ở tỉnh thực hiện, đơn vị khuyến nông ở huyện chỉ thực hiện khoảng 30%.

Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi có kinh nghiệm và năng lực mạnh về kinh doanh nông nghiệp và thị truờng. Kinh nghiệm này được ISP sử dụng để phát triển kỹ thuật về kinh doanh và thị trường cho thành viên các NHĐ. Cụ thể Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư đã thực hiện các hoạt động như: Cung cấp các dịch vụ về phát triển thị trường và tập huấn về kỹ năng kinh doanh nông nghiệp cho 47 xã thuộc Chương trình 135 - II cho 40 lớp. Phụ nữ nghèo tham gia trong các NHĐ và các lớp tập huấn chiếm 45%. Đã thực hiện 10 lớp tập huấn dành riêng cho phụ nữ nghèo của 10/47 xã thuộc Chương trình 135 - II.

Chỉ sau 18 tháng triển khai chương trình hỗ trợ nhóm có hơn 50% nông dân đã áp dụng kiến thức học được, để tăng năng suất từ các hỗ trợ đầu vào của Chương trình 135 - II; khoảng 30% nông dân đã có thể tăng thu nhập của gia đình.
Sau khoá học ước tính 70% học viên có thể lập kế hoạch kinh doanh nông nghiệp cho riêng mình. Nông hộ đã sử dụng các kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh nông nghiệp học được từ các khoá tập huấn, để xây dựng kế hoạch cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp trong năm 2010, 2011. Các bản kế hoạch này được sử dụng để vay vốn tín dụng. Tuy nhiên do thiếu sự hỗ trợ của các huyện, nên đã hạn chế số lượng nông dân tiếp cận được với nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Việc triển khai chương trình nông dân gắn kết thị trường và khuyến nông thông qua NHĐ của ISP đã đúc kết được một số kinh nghiệm và bài học quan trọng trong việc phát triển sinh kế cho nông dân nghèo.  Đó là:

Tăng thu nhập cho người nghèo thành công rất hạn chế nếu chỉ tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ đầu vào vật tư nông nghiệp mà cần phải có các hoạt động như ISP đã làm  được trên đây. Tập huấn và kinh doanh nông nghiệp và thị trường phải là một phần trong gói tích hợp các hoạt động. Nông dân nghèo sẽ có thể học hỏi các kỹ năng kinh doanh, thị trường và sử dụng các kỹ năng này để phát triển các hoạt động kinh doanh nông nghiệp. Tạo sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt đông phát triển năng lực, nhằm đảm bảo phụ nữ học hỏi về các hoạt động sản xuất do phụ nữ đảm trách; đồng thời phát triển các kỹ năng kinh doanh và thị trường quan trọng khác.

   Nhóm hoạt động có thể là cơ chế phù hợp để hỗ trợ nông dân nghèo phát triển các hỗ trợ đầu vào do các chương trình, dự án cung cấp. Tuy nhiên dự án/chương trình phải đảm bảo rằng các NHĐ cần phải được sự  bổ sung kịp thời và chính xác đối tượng tham gia khoá tập huấn. Mục đích hình thành các NHĐ phải được tất cả các cơ quan đối tác thông hiểu.

Nông dân cần một chương trình hỗ trợ liên tục. Theo sau các khoá tập huấn cần phải có các hoạt động hỗ trợ khuyến nông, nhằm tiếp tục hỗ trợ nông dân học hỏi và áp dụng các kiến thức và kỹ năng mới học được.

Kinh nghiệm của ISP cho thấy, nông dân nghèo rất hưởng ứng các cơ hội tập huấn để có thể học hỏi các kỹ năng về sản xuất, kinh doanh và thị trường; đồng thời hộ có thể áp dụng kỹ năng này vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông hộ. Thực tiễn cũng cho thấy đã và đang có trên 60% hộ nông dân nghèo miền núi áp dụng những kiến thức này vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Các chương trình chỉ cung cấp đầu vào cho nông dân như đã làm trong Chương trình 135 - II sẽ chỉ đạt những kết quả hạn chế nếu không có gói tích hợp các hoạt động hỗ trợ. Hơn nữa nếu các hoạt động  phát triển sản xuất của nông thôn mới chỉ đi theo một chương trình là cấp các đầu vào cho nông dân thì chắc chắn là không đặt nền tảng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững để giảm nghèo cho nông hộ ở miền núi. Các hoạt động của Chương trình ISP hoàn toàn phù hợp trong việc thực hiện thành công các tiêu chí cơ bản của Chương trình Nông thôn mới. Vì vậy các cấp, các ngành hữu quan cần vận dụng kinh nghiệm từ việc thực hiện Chương trình 135 - II vào việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới ở miền núi  tỉnh ta.

 Bài, ảnh: Nguyễn Khâm

.