Sơn Tây với công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão

08:09, 15/09/2011
.

(QNg)- Sơn Tây là huyện miền núi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Ngãi. Giao thông trong huyện tuy đã có đường ô tô đến 9 xã, nhưng đường giao thông đến một số xã còn rất khó khăn, xe trọng tải lớn chưa lưu thông được, nhất là vào mùa mưa. Địa hình của huyện phức tạp, đồi núi chiếm 98% tổng số diện tích tự nhiên của huyện. Mùa nắng thường khô hạn, mùa mưa thường xuất hiện lũ và sạt lở núi, làm tắc đường, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Công tác Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn trong những năm trước, Sơn Tây còn bộc lộ một số yếu điểm như, trong công tác "4 tại chỗ" thì lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ nhiều nơi chưa được chú trọng đầu tư, do đó khi cần sử dụng thì không đủ hoặc không có. Sự cộng tác của nhân dân với chính quyền địa phương và ý thức chủ động, tự giác phòng tránh ngay từ trước bão, lũ của người dân ở một số nơi chưa cao, còn tư tưởng ỷ lại "đến đâu hay đến đó"; Cơ sở hạ tầng vừa thiếu lại vừa yếu. Một số địa phương xây dựng phương án di dời dân chưa chi tiết, đặc biệt là các phương án di dời dân khi có bão đổ bộ trực tiếp kèm theo mưa lũ lớn. Công tác tuyên truyền, vận động dân chủ động phòng, chống bão, chằng chống nhà cửa, sơ tán, trú ẩn ở một số địa phương, nhất là ở cơ sở chưa thật sâu sát và hiệu quả.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ (bên phải) kiểm tra công tác PCLB & TKCN tại công trình thủy điện Đakđrinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ (bên phải) kiểm tra công tác PCLB & TKCN tại công trình thủy điện Đakđrinh.

Để khắc phục những yếu điểm nói trên, nhằm chủ động đối phó với mọi tình huống bất lợi do mưa lũ, bão lụt, lốc xoáy gây ra vẫn bảo đảm được an toàn tính mạng con người và tài sản, máy móc thiết bị của nhân dân và các công trình lớn trên địa bàn huyện, trước khi bước vào mùa mưa lũ năm nay, huyện Sơn Tây đã tích cực triển khai công tác chủ động chuẩn bị phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Ông Tô Cước - Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban PCLB& TKCN huyện Sơn Tây cho biết: Tại thời điểm này, huyện đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống khi có mưa lũ xảy ra. Được biết Ban chỉ huy PCLB&TKCN của huyện, các ngành, đoàn thể và các công trình lớn trên địa bàn huyện đã xây dựng phương án cụ thể và quán triệt tốt phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) cho các đơn vị và địa phương phải làm thật tốt nhiệm vụ này.

Huyện đã thành lập, củng cố, kiện toàn các Ban chỉ huy PCLB&TKCN ở các xã, các ngành theo hướng gọn nhẹ, đủ mạnh. Gồm BCH PCLB&TKCN huyện có 20 người, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. BCH PCBL&TKCN của các ngành và các công trình lớn trên địa bàn huyện cũng thành lập và BCHPCLB&TKCN của 9/9 xã trong huyện đã được kiện toàn.

Huyện đã thành lập đội cứu hộ, cứu nạn và có danh sách gửi về Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện gồm có 83 người thuộc các ngành và các cơ quan trong huyện. Ở cấp xã đã thành lập các đội xung kích ở những khu dân cư và những thôn thường xảy ra ngập do lũ lụt và sạt lở, để cứu hộ, cứu nạn (mỗi đội từ 20-30 người); Lực lượng chủ yếu gồm đoàn viên thanh niên, dân quân du kích (lực lượng này do Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN xã chỉ huy).

Tại khu vực trung tâm huyện giao cho Phòng kinh tế và hạ tầng huyện chịu trách nhiệm xác định số liệu phương tiện và xây dựng cơ chế điều động, khi cần thì trưng dụng phương tiện phục vụ công tác PCLB&TKCN trên địa bàn huyện. Về vật tư, vật liệu tại chỗ các địa phương, đơn vị huyện xác định sẽ chủ động huy động sức người, sức của và mọi phương tiện sẵn có của địa phương, đơn vị và huy động các loại vật tư, vật liệu tại chỗ đảm bảo dự trữ tốt và sẵn sàng cho công tác PCLB&TKCN khi cần thiết.

Trên cơ sở ngân sách phục vụ công tác PCLB&TKCN của xã, UBND xã thông báo cho nhân dân biết để họ sẵn sàng chấp nhận sự huy động toàn bộ các nhu cầu, nhu yếu phẩm (mì tôm, gạo và lương thực khác hiện có) để phục vụ cho công tác PCLB&TKCN. Mức lương thực đã dự trữ trong dân tối thiểu là 10 ngày. Huyện đã xuất ngân sách mua trên 5 tấn gạo để dự trữ tại các xã có nguy cơ tắc đường; đồng thời dự trữ tại kho của huyện và kho của các xã Sơn Tinh, Sơn Long, Sơn Lập (với số lượng từ 1-1,5 tấn gạo).

Với đặc thù của huyện miền núi là thường có nguy cơ sạt lở đất, núi do mưa lớn, mưa nhiều gây ra làm ách tắc giao thông, mất liên lạc và tình trạng người dân qua sông, suối, nhá cá, vớt gỗ rất nguy hiểm tới tính mạng, nên Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban chỉ huy phối hợp cùng với UBND các xã rà soát các khu dân cư  có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét, sạt lở núi. Xác định và có phương án cụ thể để sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Cụ thể huyện đã xác định 7 điểm có nguy cơ sạt lở (với 108 hộ/351 khẩu). Trong đó xã Sơn Dung có 3 điểm (với 57 hộ/351 khẩu); xã Sơn Mùa 01 điểm (với 16 hộ/65 khẩu); xã Sơn Bua có 2 điểm (với 27 hộ/101 khẩu) và xã Sơn Long 01điểm (với 8 hộ/28 khẩu). Huyện đã tính toán chi tiết, cụ thể, xác định phương tiện và cách di dời dân ở từng điểm đến nơi an toàn khi cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ vừa có chuyến đi thị sát, kiểm tra phương án Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn năm 2011 tại huyện Sơn Tây. Phó Chủ tịch đã đến kiểm tra phương án PCLB&TKCN tại công trình Thuỷ điện Đakđrinh, làm việc với lãnh đạo huyện và Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Sơn Tây. Phó Chủ tịch Lê Viết Chữ cảm thấy yên tâm với công tác chuẩn bị PCLB& TKCN khá chu đáo của huyện trước mùa mưa. Đồng thời Phó Chủ tịch cũng đã nhắc nhở huyện Sơn Tây không được chủ quan với công tác phòng, chống thiên tai, mà phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các địa phương, đơn vị trong huyện làm tốt hơn nữa công tác 4 tại chỗ, cần phải tăng số lượng lương thực dự trữ tại các xã lên đến mức tối thiểu là 15 ngày.

Các ngành chức năng của tỉnh cần phải hỗ trợ cho huyện Sơn Tây để tăng thêm  cơ số dự trữ muối Iốt, dầu thắp sáng và các loại thuốc phòng, chữa bệnh cho người, gia súc ở vùng sâu, vùng xa lên cao hơn nữa để khi lũ, bão lớn xảy ra gây ách tắc giao thông đồng bào vẫn có điều kiện sinh hoạt bình thường.

Bài, ảnh: Nguyễn Khâm

.