(QNg)- Hơn 2 năm qua, do điểm xử lý rác thải ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải bị đóng cửa, nên vấn đề giải quyết tình trạng rác thải ứ đọng, gây ô nhiễm trên địa bàn huyện Lý Sơn đang là vấn đề bức xúc không chỉ đối với người dân, mà cả chính quyền huyện đảo. Để giải quyết vấn đề này, huyện Lý Sơn rất cần Nhà nước đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở huyện đảo.
Lý Sơn nằm cách đất liền hơn 15 hải lý, có diện tích tự nhiên khoảng 9,7km2 (đồi núi chiếm gần 1/3), nhưng mật độ dân số lại quá đông, với trên 2.200 người/km2. Tuy nhiên sự gia tăng dân số đã gây áp lực lớn về giải quyết môi trường cho huyện đảo. Hằng năm lượng rác thải trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt do người dân thải ra đã quá tải, khiến công tác giữ gìn vệ sinh môi trường ở đây gặp vô vàn khó khăn. Theo tính toán của các ngành chức năng, trung bình mỗi ngày toàn huyện đảo thải ra hơn 10 tấn rác thải.
Người dân thôn Tây (An Vĩnh) đem rác tống xuống biển. |
Năm 2006 HĐND huyện Lý Sơn thông qua đề án thu gom, xử lý rác thải. Trong đó huyện thành lập đội thu gom, xử lý rác thải ở 2 xã An Vĩnh và An Hải, trang bị xe chở rác chuyên dụng và các phương tiện cần thiết khác. Ban đầu phương pháp xử lý rác thải theo cách thủ công là chôn, đốt những loại rác hữu cơ, nhưng xem ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về lâu dài là rất cao. Đã vậy cuối năm 2009, cơn bão số 9 quét qua đảo đã xóa sổ bãi xử lý rác thải, nên huyện không cho chuyển rác đến khu vực này nữa. Không còn chỗ chôn, lấp rác thải, người dân lại tiện đâu xả đó, nhất là đem rác tống xuống biển, còn chính quyền huyện thì đành buông xuôi... Theo thời gian, lượng rác sinh hoạt dồn ứ quá lớn, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Dạo một vòng xung quanh đảo, nhìn đâu chúng tôi cũng thấy rác thải, nhiều nơi do người dân đổ rác thải, xác gia súc, gia cầm đến các loại bao bì chất thải rắn, túi nilon... thành "bãi", lâu ngày bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt là dọc bờ kè ở khu tây xã An Vĩnh, những ụ rác cao kéo dài, bốc mùi hôi thối, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Bà Võ Thị Chín có nhà gần bờ kè này cho biết: "Từ ngày huyện quyết định đóng cửa bãi rác tạm ở thôn Đồng Hộ, lượng rác từ các khu dân cư và chợ An Vĩnh đổ ra bờ kè mỗi ngày quá nhiều. Rác thải không được đưa đi xử lý, nên đã gây phát sinh ruồi nhặng, môi trường bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân".
Ông Lê Hoài Ân - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lý Sơn cho biết: Suốt nhiều năm nay, rác thải sinh hoạt người dân vứt bỏ thường xuyên ở các bãi biển, gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Quá bức xúc, nhiều hộ dân sống ven biển có đơn kiến nghị chính quyền đề nghị xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở ven biển này. Để xử lý dứt điểm vấn đề trên, huyện có tờ trình xin tỉnh và trung ương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác trên đảo, ở khu vực Tân Nông núi Thới Lới, với kinh phí 93 tỷ đồng, nhưng không biết đến bao giờ nhà máy này mới được xây dựng. Trong khi chờ xây nhà máy xử lý rác thì hàng ngày, hơn 2,2 vạn dân trên đảo vẫn không có chỗ đổ rác mà cứ tấp hết ra biển gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chính mình. Lo nhất là vào mùa mưa bão, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện khi ném xuống biển, sóng biển không cuốn đi, mà lại đánh tấp vào bờ, vào nhà dân, ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn.
Huyện đảo Lý Sơn có tiềm năng lớn về du lịch và thời gian qua, lượng du khách trong và ngoài tỉnh đến với Lý Sơn ngày càng nhiều. Do đó việc giải quyết được bài toán rác thải ở đây không chỉ bảo vệ được môi trường, mà còn có ý nghĩa tạo vẻ đẹp cảnh quan, tạo tiền đề cho du lịch phát triển. Mong rằng trước tình trạng khó khăn như hiện nay, UBND tỉnh sớm phê duyệt phương án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, để tình trạng rác thải không còn là mối lo ngại trong cuộc sống thường ngày của người dân Lý Sơn.
Bài, ảnh: Bá Sơn