(QNg)- Sau gần 20 ngày lênh đênh trên biển để vượt gần 3 ngàn hải lý, trưa ngày 8/8, 2 tàu cá do ông Bùi Triết và ông Lê Văn Hạnh (ở thôn Tây xã An Hải) làm thuyền trưởng cùng 18 ngư dân đã cập đảo Lý Sơn, sau gần 7 tháng bị tạm giữ tại cảng PAPUAFISHERY của Indonesia.
Theo các ngư dân đi trên 2 tàu cá này cho biết: Giữa tháng 1/2011, thông qua môi giới ông Lê Điều và Bùi Hoàng là 2 chủ tàu cá QNg 96379 TS và QNg 96359 TS ở thôn Tây xã An Hải (Lý Sơn) đã hợp đồng với Công ty Đại Dương, có Chi nhánh tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) để làm thủ tục đăng ký tham gia đánh bắt hải sản tại vùng biển ngư trường Indonesia trong thời hạn 2 năm, với mức lệ phí trọn gói phải nộp cho Công ty Đại Dương là 800 triệu đồng và được Công ty này gắn biển kiểm soát nước ngoài cho 2 tàu cá là PAPUAFISHERY 03 và PAPUAFISHERY 05.
Ngư dân Lê Phi bên chiếc tàu gắn biển kiểm soát Indonesia tại cảng Lý Sơn. |
Tuy nhiên vào đầu tháng 2/2011, sau khi 2 tàu cá cùng 20 thuyền viên chạy sang đến cảng PAPUAFISHERY của Indonexia và làm thủ tục nhập cảnh, xin cấp phép hành nghề, thì phía Indonesia cho biết, họ chưa nhận được một đồng lệ phí nào từ Công ty Đại Dương. Và để được cấp phép hành nghề mỗi tàu phải nộp 20 ngàn USD (đương với 400 triệu VNĐ) cho phía Indonesia. Trước những rắc rối, các thuyền viên đi trên tàu đã liên lạc về nhà đề nghị chủ tàu làm việc dứt khoát với Công ty Đại Dương về khoản lệ phí, nhưng họ im hơi lặng tiếng, mặc cho số phận của 20 ngư dân bơ vơ nơi đất khách quê người.
Ông Bùi Triết - thuyền trưởng tàu PAPUAFISHERY 03 gắn biển hiệu Indonesia thì bàng hoàng cho biết: Sau khi nhận được câu trả lời của phía Indonesia về các khoản lệ phí phải nộp, các thuyền viên đi trên tàu đều "ngã ngửa" vì khoản tiền trên chủ tàu đã nộp cho Công ty Đại Dương trước khi tàu rời đảo. Biết mình bị lừa, họ chỉ còn cách viết đơn cầu cứu và trông chờ vào sự can thiệp của các cơ quan chức năng Việt Nam thông qua Đại sứ quán tại Indonesia.
Còn ở nhà, khi nghe tin chồng con mình bị tạm giữ tại Indonesia, hàng chục người thân của ngư dân đứng ngồi không yên. Bởi những ngư dân này là những lao động chính trong gia đình, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Bà Nguyễn Thị Hân (vợ của ngư dân Lê Văn Mỹ) đi trên tàu PAPUAFISHERY 05 tâm sự: Cả nhà 5 miệng ăn đều trông chờ vào nguồn thu nhập của ông ấy (ông Mỹ). Nhưng sau khi nghe tin chồng bị tạm giữ, bà và các con đều hoang mang lo lắng không thiết làm ăn. 7 tháng không đêm nào bà ngủ được, vì lo cho chồng không biết sống chết ra sao.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Trước thông tin về 2 tàu cá cùng 20 ngư dân địa phương đang bị tạm giữ tại Indonesia, chính quyền huyện Lý Sơn đã cho xác minh thông tin (bởi thủ tục đi Indonesia chính quyền địa phương không hay biết gì), đồng thời huyện có văn bản đề nghị với các ngành chức năng của tỉnh và Trung ương cần điều tra rõ vụ việc và có biện pháp xử lý, can thiệp kịp thời, để giúp đỡ số ngư dân trên sớm trở về nước.
Việc đăng ký, hợp đồng đưa tàu cá của ngư dân tham gia khai thác hải sản tại các vùng biển, ngư trường của các quốc gia trong khu vực là mô hình mới, đã thu hút khá đông tàu cá của ngư dân tham gia vì lợi nhuận cao. Tuy nhiên các chủ tàu cá và ngư dân phải nêu cao cảnh giác với những chiêu lừa của các công ty môi giới; đồng thời các tàu cá nên tham gia vào các tổ đội, HTX sản xuất trên biển. Bởi đây là chỗ dựa tin cậy để bà con hỗ trợ nhau mỗi khi gặp sự cố, rủi ro trên biển; đừng vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua mọi sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Bài, ảnh: Văn Mịnh