(QNg)- Rừng phòng hộ ven biển không chỉ có chức năng hạn chế việc xâm thực của biển, mà còn cản trở sự di chuyển của cát, góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân. Tuy nhiên hiện nay nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển ở Mộ Đức đã và đang bị xóa sổ, làm cho biển xâm thực vào đất liền ngày càng nghiêm trọng…
Người dân lo lắng…
Huyện Mộ Đức có khoảng 50% xã có KDC nằm dọc ven tuyến biển, nhưng chỉ có Đức Lợi và một phần xã Đức Thắng có rừng phòng hộ ven biển (cây dương liễu). Trong đó Đức Lợi là địa phương hiện có số diện tích rừng phòng hộ ven biển lớn nhất huyện (khoảng 10 ha). Tuy nhiên hiện nay sự sống của các khu rừng này cũng chỉ đếm từng ngày trước sức tấn công dữ dội của biển. "Nhà tôi sống ở đây đã mấy chục năm và sau mỗi mùa mưa, đều thấy vài hàng dương liễu bị biển "bứng" gốc ra biển. Nhưng mấy năm gần đây, mỗi năm có đến vài chục, thậm chí cả trăm mét rừng bị biển xóa sổ. Như nhà tôi chẳng hạn, trước đây cách rừng dương vài chục mét, giờ thì lại nằm ngay mép biển" - Bà Hoa chỉ bãi biển - cũng là khoảng sân nằm ngay trước nhà, cùng những cây dương liễu trơ trọi gốc.
Nhiều hàng dương đã bị biển "khoét" sâu và "bứng" gốc. |
Không riêng gì bà Hoa, mà hiện hơn 200 hộ dân (trong đó có 20 hộ ở thôn Kỳ Tân đang bị đe dọa trực tiếp) đang thấp thỏm, âu lo cho cuộc sống và tính mạng của mình, sau khi rừng phòng hộ - tấm bình phong được xem là vững chắc đang bị biển bứt phá. Điều đáng lo ngại là việc biển xâm thực và quật ngã rừng dương không chỉ xảy ra vào mùa mưa, mà mùa hè biển cũng giận dữ phá rừng "ngoạm" đất, khiến cho người dân lo lắng, cuộc sống vì thế cũng bị xáo trộn. "Nhiều lúc muốn sửa sang lại nhà cửa cho đàng hoàng, nhưng nào có dám, biết bị biển "nuốt chửng" lúc nào mà làm" - nhiều hộ dân ở thôn Kỳ Tân cho hay.
Ông Lê Minh Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi lo lắng: Hiện ở thôn Kỳ Tân và Vinh Phú nhà dân chỉ còn cách bãi biển khoảng 5-10m, trong khi khoảng cách này trước đây là hơn 200m nhờ khu rừng phòng hộ. Hiện nay ngay cả rừng dương chắn sóng, gió cũng không còn, thì việc biển "cuỗm" nhà dân sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Chính quyền bó tay…
"Tuy xã Đức Lợi còn khoảng 10 ha rừng phòng hộ, nhưng cũng đang thoi thóp trước biển thì nói gì đến khả năng phòng hộ. Và với đà tấn công này chỉ trong vòng 5 - 10 năm tới, các KDC ở hai thôn Kỳ Tân và Vinh Phú sẽ bị xóa sổ. Vì thế nếu không có biện pháp đối phó ngay, thì các hộ dân ở hai thôn này cũng chẳng biết di dời đi đâu, vì quỹ đất của xã Đức Lợi đã không còn" - ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện nhìn nhận. Tuy nhiên khi đề cập đến các phương án đối phó của huyện, thì ông Nhân thẳng thắn: Huyện chỉ hiến kế, còn thực hiện thì mong chờ ở cấp trên. Bởi chi phí làm đê chắn sóng với chiều dài hơn 3 km bờ biển cũng ngót trăm tỷ đồng, địa phương không có khả năng.
"Vậy còn phương án trồng rừng phòng hộ" - tôi hỏi. Ông Nhân cho rằng: Huyện đã từng trồng mấy chục ha rừng dương trải dài từ miếu Âm hồn (của thôn Kỳ Tân) đến Cửa Lở từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án PAM 4304. Tuy nhiên sau cơn bão năm 1999, mấy chục ha rừng phòng hộ giờ chỉ còn là bãi cát trắng.
Thực tế cho thấy, công tác trồng rừng ven biển hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bề dày đất mỏng, bờ biển không ổn định, vì liên tục bị xâm thực. Những gốc dương liễu mấy chục năm tuổi còn bị "bứng" gốc, thì làm sao cây con trụ nổi? "Do đó muốn tái trồng rừng phòng hộ hiệu quả, nhất thiết phải có đê chắn sóng để ổn định bờ biển" - ông Vũ Nhân khẳng định. Và trong thời gian chờ đợi sự xuất hiện của tấm "bình phong" này, thì hơn hai trăm hộ dân nơi đây vẫn “đánh cược” tính mạng của mình cùng tiếng sóng vỗ vốn đã rất gần của biển. "Người dân kiến nghị, chúng tôi cũng chỉ biết động viên và… hứa.
Thực tế cho thấy, công tác trồng rừng ven biển hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bề dày đất mỏng, bờ biển không ổn định, vì liên tục bị xâm thực. Những gốc dương liễu mấy chục năm tuổi còn bị "bứng" gốc, thì làm sao cây con trụ nổi? "Do đó muốn tái trồng rừng phòng hộ hiệu quả, nhất thiết phải có đê chắn sóng để ổn định bờ biển" - ông Vũ Nhân khẳng định. Và trong thời gian chờ đợi sự xuất hiện của tấm "bình phong" này, thì hơn hai trăm hộ dân nơi đây vẫn “đánh cược” tính mạng của mình cùng tiếng sóng vỗ vốn đã rất gần của biển. "Người dân kiến nghị, chúng tôi cũng chỉ biết động viên và… hứa.
Dù lo sợ trước tốc độ "nuốt" rừng, gặm đất của biển, nhưng chính quyền xã cũng chỉ biết… đợi cấp trên sớm tìm phương án giải quyết khả thi, chứ địa phương thì… bó tay?" - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt bày tỏ.
MỸ HOA