Phía sau nỗi đau da cam

08:08, 02/08/2011
.

(QNg)- Vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ngãi đã tổ chức thăm và tặng quà cho một số gia đình đang gánh chịu những di chứng của chiến tranh để lại. Đằng sau những nỗi đau đó, có những gia đình vẫn đang luẩn quẩn trong vòng nghèo khó, nhưng cũng có những gia đình, những cá nhân đang từng ngày vượt lên số phận để xây dựng tương lai.
 

Muôn vàn khó khăn

Quanh co mãi trên con đường đất nhỏ xíu dẫn đến thôn Phước Kỳ, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) chúng tôi mới dừng chân trước căn nhà nhỏ của gia đình ông Thái Văn Thành (60 tuổi). Ngồi trong phòng khách xộc xệch là cậu bé Thái Văn Kỳ, dù đã 16 tuổi nhưng thân hình Kỳ chỉ như đứa bé lên 10. Em đang ngồi ăn bữa sáng. Cạnh em là anh trai Thái Văn Tâm (19 tuổi) chân tay co quắp bé xíu, đang nằm ngửa trên chiếc chiếu con. Các em là thế hệ thứ 2 trong gia đình gánh chịu di chứng của chất độc da cam (CĐDC).
 
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN thăm và tặng quà cho gia đình ông Thái Văn Thành.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN thăm và tặng quà cho gia đình ông Thái Văn Thành.

Thấy nhà có khách ông Thành vội vàng chạy về, đỡ Tâm ngồi tựa vào lòng mình ông phân giải: "Tôi mới chạy ra vườn một tí thôi, quanh quẩn trông các cháu mãi nên không làm được việc gì cả". Sức khỏe yếu, nên ông Thành ở nhà trông con. Vợ ông hàng ngày phải lên rừng đốn củi bán, lo toan cuộc sống. Gia đình ông chỉ bám vào tiền bán củi để sống.

Bà Lê Thị Thủy - hàng xóm của gia đình ông Thành cho biết: "Mấy năm trước thấy gia cảnh cô chú ấy khó khăn quá, nên tôi cho mượn 1,5 sào ruộng để làm. Mới được có hai mùa thì con gái lớn của họ đi lấy chồng. Đám cưới xong mà không có tiền trả chi phí, người ta tới định xiết nợ bằng chiếc xe máy, nhưng chiếc xe đó là "cần câu cơm" của họ và là phương tiện chở thằng Tâm đi bệnh viện. Thế nên cô chú ấy lấy số đất đó cấn nợ mất rồi". Con gái của ông Thành cũng là nạn nhân CĐDC, cứ vài ngày cô lại lên cơn động kinh một lần.

"Hôm trước nó đang đi xe về thăm nhà, thì lên cơn, thế là rớt luôn xuống mương, may mà không chết" - ông Thành nói. Trong nhà ông chẳng có thứ gì quý giá ngoài chiếc tivi. Ông bảo nó là nguồn vui duy nhất của các con ông. Cậu bé Kỳ bẽn lẽn đưa mắt nhìn chúng tôi, rồi lại chăm chú vào chiếc tivi. Hai em Tâm và Kỳ đều phát bệnh khi đang ở tuổi lớn, chân tay các em cứ teo dần và co quắp lại, không thể lớn nổi. Tâm còn mắc bệnh thiếu máu. Em phải tiếp máu 2 lần/tháng để duy trì sự sống. Hàng tháng 2 em nhận được 360.000 đồng/người (theo diện trợ cấp bảo trợ xã hội). Số tiền đó chẳng đủ để Tâm chữa bệnh...

Rời ngôi nhà ấy bên tai chúng tôi vẫn vẳng câu nói ngọng nghịu của Kỳ: "Cháu muốn có một chiếc xe lăn tay để có thể đi lại dễ dàng hơn, phụ giúp được bố mẹ cháu".

Vượt lên nghịch cảnh

Vẫn còn nhiều gia đình khó khăn như gia đình ông Thành khi phải hứng chịu những hậu quả mà CĐDC để lại. Nhưng cũng có không ít những hoàn cảnh tuy nỗi đau vẫn dày vò hằng ngày, nhưng vượt lên trên nó là những khát khao về một tương lai tươi sáng hơn.
 
Anh Lương Hữu Hồng miệt mài sửa chữa tại nơi làm việc của mình.
Anh Lương Hữu Hồng miệt mài sửa chữa tại nơi làm việc của mình.

Đoàn chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Đình Nhàn (57 tuổi) ở thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh (Đức Phổ). Trước đây ông Nhàn là bộ đội thuộc đơn vị cơ động D83 của Tỉnh đội Quảng Ngãi, ông bị nhiễm CĐDC trong thời gian công tác. Ông Nhàn có 5 người con, trong đó cô bé Nguyễn Thị Linh Hiền (18 tuổi) - con gái út của ông bị di chứng của CĐDC từ khi còn trong bụng mẹ. Hiền phải ngồi xe lăn để đi lại và nói năng rất khó. Hiền đã học xong lớp 12 với số điểm tốt nghiệp tương đối cao (42,5 điểm).

Mẹ em- bà Phùng Thị Xuân cho biết: "Do tay bị co rút, nên Hiền viết rất khó khăn. Khi viết cháu phải dùng 2 ngón trỏ và giữa để kẹp viết, khi đi học việc trả bài cũng là một nỗi khổ, vì khí quản bị sụp. Tuy vậy cháu vẫn luôn cố gắng học tập dù nhiều lần gia đình cũng có ý cho cháu nghỉ học". Nhận thức được bản thân mình có thể là gánh nặng của bố mẹ, Hiền luôn phấn đấu học tập để có thể bù đắp những khiếm khuyết trên cơ thể bằng vốn tri thức. Em bảo: "Giờ em muốn học lên đại học. Em muốn khẳng định rằng những người như em không phải là gánh nặng gia đình và em cũng có thể cống hiến cho quê hương!".

Rời nhà ông Nhàn, chúng tôi  đến thôn Tình Phú, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) với ngôi nhà khang trang của anh Lương Hữu Hồng (34 tuổi). Anh Hồng cũng là nạn nhân CĐDC. Câu chuyện của anh Hồng nối tiếp nhau bên ly nước mát giữa ngày hè nóng bức: Bị teo chân phải từ trong bụng mẹ, đến khi nhận thức được cậu bé Hồng cảm thấy mặc cảm với mọi người. Học xong lớp 9 Hồng lặn lội vào Nam tìm một công việc thích hợp với đôi chân không lành lặn.

Sau một thời gian bôn ba, anh nhận ra rằng chỉ có nghề sửa chữa điện gia dụng là phù hợp nhất. Rồi anh quay về quê xin đi học. Khi ra nghề, anh xin bố mẹ một ít vốn để mở tiệm tại nhà ở thôn Kỳ Thọ (xã Hành Đức). Cảm mến đức tính hiền lành, chịu thương, chịu khó làm việc của anh, cô gái Nguyễn Thị Minh Luyến bỏ qua mọi dèm pha về làm vợ anh.

Hiện anh Hồng đã có 2 con (một trai, một gái). Sau nhiều năm làm việc, anh tích cóp được một số vốn kha khá liền mua đất, dựng nhà. Giờ nhà anh Hồng cũng là tiệm sửa chữa và mua bán đồ gia dụng Hữu Hồng, khang trang và đông khách ra vào. Anh bảo: "Cuộc đời bù đắp cho mình có được một gia đình hạnh phúc, một công việc phù hợp, còn gì bằng phải không?". Chúng tôi biết rằng, để có được điều đó đều nhờ sự nỗ lực của anh mà đạt được và đó là điều rất đáng quý.

Bài, ảnh: Xuân Hiếu

.