(QNĐT)- Một bộ phận người dân hai xã Bình Khương, Bình Nguyên (Bình Sơn) đã chiếm vườn cây và tổ chức khai thác mủ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi . Tình trạng trên diễn ra gần một tháng nay, dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn giữa công ty với người dân khá gay gắt. Do đó, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Phát triển và mở rộng diện tích cây cao su luôn nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc tìm quỹ đất để trồng cây cao su luôn gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân do phải cạnh tranh với nhiều loại cây trồng cũng có giá trị kinh tế cao, như keo, mì, dưa. Một bộ phận người dân trước kia đồng tình với chủ trương của tỉnh giao đất cho công ty trồng cao su thì nay quay lưng đòi lại đất.
Diện tích cao su bị đổ trong bão 2009, công ty hỗ trợ 15 triệu đồng/ha nhưng dân không chịu. |
Ngày 12/8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hùng- Tổng Giám đốc Công ty, bức xúc, nói: Công ty đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương đối thoại với các hộ dân có giao đất để trồng cao su trên tinh thần chủ trương, chính sách của tỉnh và của Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Đối với diện tích cao su bị đổ trong bão năm 2009, công ty chi hỗ trợ 15 triệu đồng/ha và công ty sẽ tổ chức sản xuất, sở hữu quỹ đất này, đồng thời ưu tiên tạo việc làm cho những hộ có giao đất. Tuy nhiên, hiện nay hai bên vẫn chưa có sự thống nhất.
Cùng ngày, tiếp xúc với chúng tôi, đa số người dân ở Bình Khương, Bình Nguyên có giao đất trồng cây cao su đều lo lắng: "Nhận 15 triệu đồng/ha mà vĩnh viễn mất đi quyền sử dụng đất, rồi tiếp tục phải đi làm thuê cho công ty là điều không thể".
Cũng theo những hộ dân này, việc công ty chỉ chấp thuận chi hỗ trợ 15 triệu đồng/ha là không đảm bảo quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của họ. Bởi lẽ, giá cao su hiện nay tăng cao, bình quân từ 87- 90 triệu đồng/tấn, trong khi thu nhập của người trồng cao su thấp. Nếu trồng mì thì cũng có thu nhập bình quân từ 25- 30 triệu đồng/ha. Do đó, để phát triển bền vững cây cao su, công ty cần cam kết hợp tác lâu dài với dân trên cơ sở thực hiện ăn chia theo sản phẩm.
Trong lúc hai bên chưa đạt được sự đồng thuận thì một bộ phận người dân ở xã Bình Khương, Bình Nguyên tự ý chiếm vườn cây của công ty để khai thác mủ. Đến đầu tháng 8, diện tích cao su bị chiếm, khai thác trộm mủ là 142 ha/ 242 ha (chiếm 59% tổng diện tích), với 130 hộ.
Người dân khai thác, mua bán tự do tại vườn cây. Đáng lo ngại là, việc khai thác trên không được người dân thực hiện đúng quy trình nên có nguy cơ làm hư hại hoàn toàn vườn cây của công ty.
Ông Nguyễn Hùng - Tổng Giám đốc công ty, cho biết: Công ty đã thành lập Tổ tuần tra vườn cây để ngăn chặn việc khai thác mủ trái phép, nhưng cũng không đem lại hiệu quả. Gần đây, có sự tham gia hỗ trợ của lực lượng Công an huyện Bình Sơn, công an xã để phục kích truy bắt đối tượng cầm đầu nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Nguyên nhân do quá đông người tham gia, khi biết có lực lượng tuần tra hoặc có người bị bắt thì họ kéo hàng trăm người đến bao vây để tẩu tán sản phẩm mủ, ngăn chặn không cho lực lượng công an thi hành nhiệm vụ.
Theo báo cáo khẩn của công ty với lãnh đạo UBND tỉnh và huyện Bình Sơn thì, trung bình mỗi ngày công ty bị mất 1.600 kg mủ, trị giá 43 triệu đồng. Mức độ thiệt hại này ngày càng gia tăng, do dân tiếp tục chiếm vườn cây và tổ chức khai thác mủ cả ngày lẫn đêm.
Thực trạng đó làm 26 lao động mà công ty đã ký kết hợp đồng không có vườn cây để khai thác, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể khoản kinh phí 1,2 tỷ đồng được công ty đầu tư chăm sóc vườn cây trước khi đưa vào khai thác cũng không có khả năng thu hồi.
* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ, chỉ đạo: "Giao UBND huyện Bình Sơn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan, khẩn trương tổ chức kiểm tra thực tế tại hiện trường theo sự phản ánh của Công ty TNHHMTV Cao su Quảng Ngãi. Xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), không để gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 30/8/2011" Phú Đức (lược ghi) |
Bài, ảnh: Phú Đức