Bao giờ Nhà máy nhiệt điện Lý Sơn hoạt động?

04:08, 01/08/2011
.

(QNg)- Mỗi năm du khách đến đảo Lý Sơn ngày càng nhiều. Sự mến khách, hiền hòa của con người cùng với hàng loạt cảnh đẹp nên thơ trên đảo Lý đã gieo vào lòng du khách những ấn tượng khó phai. Tuy nhiên, điều du khách "ngán" nhất là... ban ngày đảo này không có điện.

Buổi sáng ở đảo Lý Sơn những ngày hè thật ngột ngạt. Nhiều du khách muốn tìm chỗ nghỉ ngơi, ngồi dưới quạt điện để "dễ thở" hơn. Có điều, ở trên đảo ban ngày hoàn toàn nhà dân không có điện. Khách muốn có điện để tiện sinh hoạt, nghỉ ngơi thì phải đến các nhà nghỉ, khách sạn, quán cà phê... nhờ chạy máy phát điện, nhưng phải trả thêm tiền nhiên liệu. Còn buổi tối, toàn đảo có điện thắp sáng từ 17-23 giờ, bằng máy phát điện diezel (3.000 đồng/kW).
 
Để có điện sử dụng vào ban ngày, người dân mua thiết bị để chuyển dòng điện xoay chiều sang một chiều nạp vào bình ắc quy. Nhưng cũng chỉ đủ cho các tiện nghi nhẹ điện, còn tủ lạnh, máy quạt... thì không thể hoạt động được. Trong khi đó, với việc chạy máy phát diện diezel, những năm qua ngành điện phải bù lỗ hơn 10 tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Hoàng Linh cho biết: Để tìm nguồn điện cho đảo Lý Sơn, đã có nhiều phương án được đưa ra. Đó là kết hợp gió và máy phát điện diezel. Tuy nhiên cách làm này không khả thi, vì lượng gió quá ít: chỉ 30%, còn lại diezel là 70%. Do đó, phương án này không được thông qua. Cách đây vài năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí lắp đặt điện pin mặt trời cho khoảng 20 hộ dân ở xã An Bình (đảo Bé) sử dụng.

Thấy hiệu quả nên sau đó có nhiều đơn vị đến đảo Lớn (gồm 2 xã: An Hải và An Vĩnh) "chào hàng" mắc điện pin mặt trời cho dân. Song chi phí quá cao (50 triệu đồng/hộ). Vì vậy người dân trên đảo "lơ". Các đơn vị ấy đành rút dần và bỏ cuộc. Điều đáng nói là dùng điện pin mặt trời trên đảo Lý Sơn sử dụng rất tốt từ tháng 1 đến tháng 8 và tháng 12. Ba tháng mùa mưa thì điện pin mặt trời sử dụng yếu. Theo ông Linh, nếu đầu tư điện pin mặt trời, dân đảo khai thác tốt, nhưng chi phí quá đắt thì người dân và chính quyền không kham nổi.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên cho hay: Để giúp dân đảo Lý Sơn bớt "khát" điện,  trên cơ sở đề nghị của tỉnh, Chính phủ đã giao cho Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh xây dựng Nhà máy nhiệt điện. Sáng ngày 30.7.2009, lễ khởi công Nhà máy nhiệt điện đã tổ chức tại thôn Đông, xã An Hải với sự chứng kiến của hàng ngàn người dân.
 
Theo đó nhà máy này được xây dựng trên diện tích 8 ha, có hai tổ máy phát điện, với tổng công suất 6 MW và vốn đầu tư hơn 237,4 tỉ đồng. Tổng thầu nhà máy này là Viện nghiên cứu cơ khí Việt Nam. Dự kiến trung bình mỗi năm, nhà máy cung cấp khoảng 3 triệu kWh đảm bảo nguồn điện thông suốt 24/24 giờ phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho trên 4.000 hộ dân trên đảo.

Theo dự kiến Nhà máy hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý 2 năm 2011. Thế nhưng đến thời điểm này Nhà máy chỉ thực hiện được việc giải tỏa, san lấp mặt bằng, làm kè chắn sóng, nhà điều hành, hệ thống tường rào... Còn các hạng mục quan trọng khác đều chậm so với kế hoạch. Ông Nguyên cho hay: Thiết bị máy móc để lắp đặt Nhà máy nhiệt điện, đơn vị thi công vẫn chưa vận chuyển ra đảo. Vì vậy nếu thi công như hiện nay thì đến năm 2012 công trình mới hoàn thành. Và chủ đầu tư của Nhà máy nhiệt điện hiện nay đã chuyển giao cho Công ty Điện lực dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam).

Theo phản ánh của cán bộ và nhân dân trên đảo, chúng tôi được biết, Nhà máy thi công chậm một phần là do khi thiết kế thực hiện dự án, chủ đầu tư không khảo sát kỹ địa điểm, vị trí, nên ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân trong vùng. Cụ thể như khi hoạt động, bụi than sẽ tung ra gây ô nhiễm môi trường.
 
Có ý kiến còn cho rằng, khi nhà máy nhiệt điện xây dựng dưới chân núi có trạm radar, nên khi đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến việc thu tín hiệu của radar tầm xa. Khi phản ánh vấn đề này lên thì chủ đầu tư có sửa đổi thiết kế, nhưng quá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ nhà máy.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, việc giá tiêu thụ điện cũng là vấn đề đáng bàn. Vì nếu thu khoảng 3.000 đồng/kW, thì đơn vị đầu tư sẽ... bù lỗ. Còn nếu thu khoảng 6.000-7.000 đồng/kW, thì quá cao so với đất liền, đại đa số người dân trên đảo Lý Sơn không trả nổi. Phải chăng đây cũng là trở lực khiến các đơn vị đầu tư không mặn mà với dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện này và thi công cầm chừng?

PHẠM ANH

.