Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ hãy một lần nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm nhận trách nhiệm của mình để thực thi công lý...
Năm mươi năm qua, kể từ ngày Mỹ rải chất độc da cam xuống Việt Nam, người dân trên mảnh đất hình chữ S này phải gánh chịu biết bao hậu quả nặng nề. 50 năm đã qua, không chỉ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam bị huỷ hoại nghiêm trọng, mà hàng triệu người dân Việt Nam đã phải sống trong đau đớn, tuyệt vọng bởi nỗi đau mang tên “da cam”. Còn nỗi đau nào khủng khiếp hơn nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam khi hàng ngày, hàng giờ trong cơn đau hành hạ cơ thể, họ lại phải chứng kiến cảnh con, cháu mình cũng đang quằn quại, chết dần, chết mòn vì bệnh tật trong một hình hài không trọn vẹn.
50 năm là quá dài đối với nỗi đau mà hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang phải gánh chịu. Bà Jeanne Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, đồng Điều phối Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm Chất độc da cam Việt Nam đã nhận định “đây là thời điểm để tuyên bố công lý phải được thực hiện”.
Bà Jeanne Mirer cho rằng, phong trào toàn cầu ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ngày càng lớn mạnh, chứng tỏ rằng, sự im lặng và đồng lõa là không thể chấp nhận được. Những kẻ trục lợi một cách vô ý thức nhờ sản xuất vũ khí hóa học chất độc da cam và những người làm nhiễm độc hàng triệu người phải có hành động ngay lúc này, không thể chậm trễ hơn nữa. “Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King. Jr. đã nhắc nhở chúng ta rằng, lịch sử sẽ không chỉ phán xét các hành động của những người xấu, mà còn cả sự “im lặng đáng sợ của người tốt”, vì nó làm sản sinh ra “sự lãnh đạm xã hội tệ hại”- Bà Jeanne Mirer nói.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nama đã có những chính sách quan tâm hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam. Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện dần nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân. Riêng tiền trợ cấp cho các nạn nhân chất độc da cam mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. 50% hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân được mua Bảo hiểm y tế và khám bệnh miễn phí, nhiều cơ sở, trung tâm nuôi dưỡng được thành lập nuôi dưỡng hàng ngàn nạn nhân chủ yếu là trẻ em…
Nhưng trên thực tế, hậu quả do chất độc da cam của Mỹ gây ra ở Việt Nam quá nặng nề, với 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân thuộc thế hệ con, cháu, thậm chí đến cả thế hệ thứ 4, thứ 5. Có thể nói, cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn còn rất khó khăn vì bệnh tật hiểm nghèo, nỗi đau tinh thần dày vò, nhiều gia tộc có nguy cơ bị huỷ diệt.
Mặc dù, trong thời gian gần đây, Mỹ đã có chuyển biến trong việc nhìn nhận, đánh giá và tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam nhưng sự đóng góp của họ còn quá nhỏ bé so với hậu quả vô cùng to lớn mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Mỗi năm, Chính phủ Mỹ phải trợ cấp cho các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị bệnh liên quan đến chất độc da cam hàng tỷ USD, riêng năm 2010 là 13,5 tỷ USD. Theo GS.TS Trần Xuân Thu, “Nếu tính số tiền Mỹ hỗ trợ thì mỗi nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chỉ được 1 USD. Số tiền này là quá nhỏ bé so với những mất mát, đau thương mà các nạn nhân đã và đang phải gánh chịu. Vì thế, chúng tôi tiếp tục kêu gọi phía Mỹ phải có trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam một cách hợp lý nhất”.
Cách đây 235 năm, trong Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ (năm 1776) đã long trọng tuyên bố “Chúng ta coi những chân lý sau đây là hiển nhiên: tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng; tạo hóa cho họ những quyền bất khả xâm phạm, trong đó là quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Nhưng chất độc da cam/dioxin do chính Mỹ rải xuống Việt Nam đã tước đi “quyền sống” của hàng triệu người Việt Nam.
Tại buổi mít tinh kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh rằng, nỗi đau mà hàng triệu con người Việt Nam đang phải gánh chịu là không thể kể xiết, là nỗi đau chung của dân tộc Việt Nam, cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Vì thế, Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm trước những thiệt hại đã gây ra cho môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam.
Bà Jeanne Mirer cũng cho rằng, điều cần thiết lúc này là phải có một cam kết toàn diện đối với việc chăm sóc nạn nhân và tiêu độc những “điểm nóng” độc hại. Cần phải chấm dứt những chương trình nghiên cứu tính khả thi mà dành số tiền hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân và những người đang chăm sóc nạn nhân. “50 năm là quá dài để chờ đợi công lý và bồi thường. Chúng ta hãy cam kết đoàn kết, đứng bên những người bạn Việt Nam và tất cả những nạn nhân chất độc da cam khác, đứng lên vì công lý. Chúng ta sẽ giành chiến thắng”- Bà Jeanne Mirer nhấn mạnh.
50 năm là quá đủ và quá dài đối với nỗi đau của các nạn nhân da cam Việt Nam. Không thể chậm trễ hơn nữa, Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ hãy một lần nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm nhận trách nhiệm của mình. Có như vậy, nỗi đau mà hàng triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới mới phần nào được xoa dịu. Và chỉ như vậy, Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ mới thực sự có ý nghĩa và được nhân loại công nhận./.
Theo VOV