Xây nhà bằng vật liệu từ biển ở Lý Sơn: Lợi bất cập hại

10:07, 18/07/2011
.

(QNg)- Với giá nước ngọt 170.000đ/m3 thì mỗi căn nhà cấp 4 xây dựng mới phải tốn thêm khoảng 15-20 triệu đồng tiền nước. Trong khi đó cuộc sống của đại bộ phận người dân trên đảo còn khó khăn nên khoảng 80% số ngôi nhà ở đảo Lý Sơn nói chung, xã An Bình nói riêng phải dùng nước biển, cát, sạn dưới biển để xây dựng, nhằm giảm chi phí. Việc làm trên của người dân đảo Lý Sơn là lợi bất cập hại. 
 
TIN LIÊN QUAN


*Dùng nước biển và vật liệu từ biển sẽ giảm 1/3 chi phí

Xã An Bình (đảo Bé) thuộc huyện đảo Lý Sơn có vỏn vẹn 110 hộ dân, với gần 500 nhân khẩu. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nên sản xuất nông nghiệp ở địa phương phụ thuộc phần lớn vào nước trời. Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, song ở đảo Bé vẫn còn thiếu thốn  trăm bề. Không có điện, thiếu trường học nên học sinh cấp II phải vào đảo lớn để học.
 
Chỉ sau vài năm sử dụng, những ngôi nhà được xây nhà bằng vật liệu từ biển đã xuống cấp.
Chỉ sau vài năm sử dụng, những ngôi nhà được xây nhà bằng vật liệu từ biển đã xuống cấp.

Các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân và nguyên vật liệu xây dựng đều đắt đỏ, do giá "đội lên 2 lần" so với đất liền, vì phải qua 2 lần trung chuyển từ đất liền ra đảo lớn và từ đảo Lớn ra đảo Bé. Để có thể sống trên đảo, người dân đảo Bé đã nghĩ ra phương pháp dùng vật liệu dưới lòng biển và cả nước biển, để xây dựng nhà, nhằm tiết kiệm chi phí"- ông Trần Đình Phương- Chủ tịch UBND xã An Bình chia sẻ.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà cấp 4 của anh Nguyễn Hữu Phước - Hiệu phó Trường tiểu học An Bình. Anh Phước cho biết, nhờ sử dụng nước và cát, sỏi lấy từ biển, nên chi phí xây dựng ngôi nhà này khoảng 70 triệu đồng. Còn nếu  xây dựng bằng nước ngọt chuyển từ đảo Lớn sang và cát, sỏi lấy từ đất liền, thì chi phí sẽ tăng thêm khoảng 20 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với người dân trên đảo.
 
Nhờ phương pháp xây dựng trên mà đến nay phần lớn nhà dân trên đảo đã được xây dựng kiên cố, đủ sức chống chọi với mưa bão. Sau khi lập gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Trung làm ăn dành dụm trong 3 năm, đến năm 2009 mới làm được căn nhà trị giá 70 triệu đồng (70m2). Theo hướng dẫn của những người sống lâu năm trên đảo, vợ chồng chị quyết định dùng nước biển, khai thác cát, sỏi, và đá ở đảo, nên tiết kiệm được gần 30 triệu đồng.

* Lợi bất cập hại

Nhiều người dân trên đảo Bé cho biết nếu xây một ngôi nhà bằng nước biển và một số vật liệu khác từ biển thì có thể tiết kiệm được gần 30% chi phí. Tuy nhiên cũng từ thực tế này cho thấy, với một ngôi nhà được xây dựng bằng nước biển và một số vật liệu lấy từ biển, sẽ có độ bền thấp hơn rất nhiều so với ngôi nhà nước ngọt. "Vì nước biển có lượng muối cao, trong khi đó xi măng và sắt thép lại không chịu nước mặn. Sau 3- 4 năm xây dựng, hầu hết các ngôi nhà xây bằng nước biển đều bị bong tróc, nền nhà xuống cấp khá nghiêm trọng"- ông Đặng Hoàng Kính - một thợ xây dựng có thâm niên trong nghề cho biết.

Vì lẽ đó mà ông Kính quyết định phá bỏ ngôi nhà được xây bằng nước biển từ năm 1972, để làm lại căn nhà mới hoàn toàn bằng nước ngọt và vật liệu chuyển từ đất liền ra. Căn nhà mới được xây dựng năm 2009 với diện tích 60m2, chi phí lên 150 triệu đồng. "Nếu so với giá vật liệu và tiền công năm nay thì ngôi nhà của tôi phải mất chừng 200 triệu đồng. Còn nếu dùng vật liệu cát, sạn và nước biển thì sẽ mất khoảng 120 triệu đồng"- Ông Kính ước tính.

Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Phước tỏ ra hối tiếc khi quyết định làm nhà từ nước biển. Căn nhà anh xây dựng năm 1997 nhưng cứ sau 2 năm anh phải tu sửa lại. Mỗi lần như thế là mất vài triệu. Nay thì căn nhà của anh phải đại tu, chứ không thể sửa chữa nhỏ. Tiết kiệm khoảng 30% chi phí xây dựng khi sử dụng nước biển, cát, sạn lấy từ biển chỉ giúp người dân thấy cái lợi trước mắt, vì thực tế chi phí sửa chữa hàng năm tốn kém không nhỏ.

Chính vì lẽ đó mà vài năm trở lại đây khi đời sống của người dân đảo Bé được cải thiện, nhiều người không còn sử dụng nước biển để làm nhà, mà sử dụng nước ngọt và những vật liệu từ đất liền, nhằm tăng tuổi thọ cho ngôi nhà. Từ thực tế nêu trên đặt ra vấn đề là ngành xây dựng Quảng Ngãi cần có giải pháp khoa học giúp người dân sử dụng nước biển và các vật liệu có sẵn trên đảo để xây dựng nhà, nhằm giảm tốn kém cho người dân, nhưng vẫn đảm bảo tuổi thọ cho ngôi nhà. Đây cũng là mong ước từ lâu của người dân trên đảo Lý Sơn.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

.