(QNĐT)- Từ đầu năm trở đến nay, giá các loại cây nguyên liệu tăng gấp đôi ba lần so với trước, nên người dân huyện Sơn Hà tích cực mở rộng diện tích đất rẫy để trồng mì, keo. Tình trạng này đang diễn ra hàng ngày, khiến diện tích rừng phòng hộ ngày một bị thu hẹp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Mì "nuốt" rừng
Chúng tôi theo đoàn cán bộ kiểm lâm, có cả công an huyện và chính quyền xã Sơn Thành đến điểm lấn rừng phòng hộ tại thôn Gò Ra. Sau hơn 30 phút vất vả leo núi, chúng tôi đã đến được điểm giáp ranh giữa rừng sản xuất và rừng phòng hộ.
Tại đây, trong lớp thực bì tại vùng giáp ranh, cây mì mới trồng đã bắt đầu nhú mầm, một số cây keo thuộc rừng phòng hộ vừa mới cưa đổ, một số khác đang chết dần.
Hàng loạt cây thông đã bị người dân bức tử để trồng mì |
Với phương thức là phát thực bì trồng xen mì, sau đó là gọt vỏ quanh gốc keo, thậm chí là dùng cưa máy đốn hạ ở những địa điểm cách trở, lực lượng chức năng khó kiểm soát. Khi mì lên xanh thì cũng là lúc rừng keo bị chết và người dân đốt luôn trên rẫy. Với cách thức này, người dân làm từ từ từng khoảnh nhỏ nên rất khó phát hiện.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng hơn 10 ha rừng phòng hộ bị xâm lấn. Trong đó, nhiều nhất là Sơn Cao hơn 5ha, Sơn Thành 5ha. Nhiều địa phương khác bắt đầu có hiện tượng xâm lấn rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham.
Ông Tạ Tiến- Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Hà cho biết: Từ thời điểm trước trong và sau tết đến nay tình hình người dân lấn rừng phòng hộ để sản xuất xảy ra liên tục. Đặc biệt là thời điểm tháng tư, lúc cao điểm của mùa đốt nương làm rẫy.
Sơn Hà hiện có hơn 30.000 ha rừng phòng hộ. Hiện nay, do việc mở rộng đất sản xuất mà người dân ở nhiều địa phương đã lấn chiếm rừng phòng hộ bằng cách xen cây mì vào. Sau đó chặt phá dần rừng. Tình hình xâm lấn rừng để trồng mì đang rất phức tạp và có xu hướng tăng.
* "Xẻ thịt" rừng thông
Thị trấn Di Lăng là địa phương duy nhất của huyện còn có rừng thông. Mục đích là tạo cảnh quan cho vành đai thị trấn và môi trường. Hầu hết diện tích thông nằm ven các trục đường chính. Thế nhưng người dân vẫn không "tha". Diện tích thông tại thị trấn chỉ còn lại ở 2 thôn Cà Đáo và Làng Dàu.
Để có đất trồng mì người dân từng ngày đốn hạ rừng thông không thương tiếc. |
Năm 2009, sau khi chuyển diện tích thông sang rừng sản xuất (cho khai thác nhựa), UBND huyện đã giao cho UBND thị trấn Di Lăng quản lý.
Ông Đinh Quốc Bình- Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng cho biết: Sau khi nhận bàn giao và đo đạc lại vào năm 2009 thì diện tích rừng thông còn 54 ha. Số rừng này đã chuyển sang rừng sản xuất, tuy nhiên chỉ được khai thác nhựa, không được đốn hạ. Thị trấn cũng đã giao cho một số hộ dân quản lý.
Sau 2 ngày khảo sát tại các điểm có rừng thông, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Hàng loạt diện tích thông đã bị đốn hạ không thương tiếc. Nhiều diện tích khác cây thông đang chết đứng do người dân gọt vỏ quanh gốc. Từ dưới chân đồi, những vạt mì xanh mướt chạy tít tắp xen vào rừng thông.
Tại tiểu khu Cà Đáo, đứng bên đường tỉnh lộ 623, một vạt thông vẫn còn như nguyên vẹn. Tuy nhiên, đi vòng từ phía sau là những rẫy mì đã áp sát đến tận đỉnh đồi. Có những gốc thông to một người không ôm hết vừa bị gọt vỏ ở gốc chỉ vài ngày khi chúng tôi đến. Những vết rựa vẫn còn mới, lớp nhựa thông chỗ bị gọt vẫn đang ứa nhựa từng giọt. Không một ai khỏi xót xa.
Theo nhiều người dân tại thị trấn Di Lăng thì những rừng thông này được trồng vào năm 1977- 1978, tức là đã gần 40 năm tuổi. Thế nhưng hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi, diện tích thông chỉ còn phần nửa so với 2 năm trước và tiếp tục bị thu hẹp từng ngày.
Thực tế, cây thông xét về mặt kinh tế thì không bằng nhiều loại cây đang rất được giá như mì, keo. Nhưng để có những cánh rừng thông như hiện tại phải mất thời gian khá dài. Một khi rừng đã mất đi thì rất khó để gây dựng lại, khi mà đất canh tác ngày càng ít dần.
Để người dân có đất sản xuất, Nhà nước đã chuyển đổi khoảng 80% diện tích rừng phòng hộ sang sản xuất. Qua đó tạo điều kiện cho nhân nhân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống. Đồng thời hỗ trợ 200.000 đồng/ha để người dân chăm sóc bảo vệ rừng phòng hộ còn lại. Tuy nhiên do lợi nhuận từ cây mì, cây keo quá cao mà người dân đã không ngần ngại lấn diện tích rừng phòng hộ để mở rộng diện tích. Tình hình này đang diễn ra hết sức tinh vi và thường xuyên khiến lực lượng chức năng đau đầu.
* Chính quyền lúng túng
Trước tình trạng xâm phạm rừng có chiều hướng gia tăng, chính quyền huyện Sơn Hà đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp mạnh để kiềm chế tốc độ xâm lấn rừng. Tuy nhiên, việc quản lý bảo vệ rừng phòng hộ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng kiểm lâm Sơn Hà kiểm tra tình trạng phá rừng keo phòng hộ tại xóm Gò Gia, thôn Gò Ra xã Sơn Thành |
Nhiều cán bộ kiểm lâm cho biết, trước đây người dân chỉ phát luống, hoặc gọt gốc để cây chết dần sau đó họ đốn hạ. Thì nay họ dùng cả cưa máy để triệt hạ. Vì đi lại khó khăn, cộng với sự báo trước của những người cùng hội cùng thuyền nên khi đến nơi, lực lượng chức năng cũng chỉ biết đứng nhìn vì người dân đã bỏ trốn.
Ông Tạ Tiến, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Hà cho biết thêm: Việc phát hiện, xử lý tình trạng lấn rừng là hết sức khó khăn. Người dân chỉ thực hiện phá rừng vào buổi tối. Thậm chí họ dựng lều ở cả tháng trời trên núi. Trong khi anh em kiểm lâm không thể có mặt thường xuyên.
Mặt khác, việc củng cố hồ sơ xử lý đối tượng vi phạm hết sức nhiêu khê. Sau khi phát hiện đối tượng phá rừng, cơ quan chức năng phải qua rất nhiều bước để đi đến kết luận cuối cùng. Bên cạnh đó do chưa đồng bộ trong cách phối hợp giải quyết giữa các cơ quan liên quan, chế tài về công tác bảo vệ rừng vẫn còn nhiều bất cập, nên hiện địa phương rất lúng túng tronng xử lý.
Ông Đặng Ngọc Dũng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cũng thừa nhận: Việc xâm lấn rừng để trồng mì là có, địa phương cũng đã chỉ đạo mạnh mẽ các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng này. Đối với những diện tích rừng đã bị người dân lấn chiếm để trồng mì thì yêu cầu họ sau khi thu hoạch phải trồng lại rừng; giao BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham giúp người dân khôi phục lại rừng bằng cách cũng cấp cây giống cho họ; thực hiện rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng sản xuất, điều tiết cho người dân có đất sản xuất.
Những giải pháp trên thực ra mới chỉ giải quyết phần nổi của nạn xâm lấn rừng. Làm thế nào để người dân có cuộc sống ổn định, mặt khác vừa giữ được diện tích rừng phòng hộ đảm bảo phát triển bền vững thực sự đang là một bài toán nan giải mà nhiều địa phương miền núi đang phải đối mặt.
Cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng phòng hộ thì trách nhiệm của các cấp, ngành phải tạo điều kiện để người dân chuyển đổi ngành, nghề, xuất khẩu lao động, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao trên diện tích nhất định. Khi đó, người dân sẽ không còn tư tưởng xâm lấn rừng bằng mọi cách để sản xuất.
Xuân Thiên