Rừng già Sơn Lập kêu cứu!

01:07, 06/07/2011
.

(QNg)- Xã Sơn Lập (Sơn Tây) nằm giáp ranh tỉnh Kon Tum, là một trong số địa phương còn diện tích rừng già cao trong tỉnh. Tuy nhiên diện tích rừng ở đây hiện đang bị thu hẹp mỗi ngày...

*Rút ruột rừng già!

Từ TP Quảng Ngãi bằng xe máy phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được xã Sơn Lập. Nhọc nhằn nhất là đoạn từ ngã 3 Sơn Tân rẽ đi Sơn Lập, vì phải đi qua đoạn sình lầy hàng chục kilomét. Trời mưa, đường trơn, dốc cao, nên chẳng mấy ai ra đường, trừ những chiếc xe "công trình". Chúng tôi đã chứng kiến chiếc xe tải cũ chở một số khúc gỗ tròn đi ngang qua trụ sở UBND xã Sơn Lập vào trưa 3/6 rất... "vô tư". Thế mới thấy lời của ông Đinh Văn Thế (thôn Mang Trẫy, xã Sơn Lập) nói với chúng tôi là đúng: "Chặt dễ, chở về xuôi cũng dễ. Rừng tan nát hết rồi!".
 
Chiếc "xe công trình" khi rời Sơn Lập đã chở theo một số gỗ lậu.
 

Dọc con sông Xà Lò ôm lấy những cánh rừng già Sơn Lập chúng tôi phát hiện có không ít lối mòn dẫn vào rừng sâu. Chọn địa điểm nước cạn nhất, chúng tôi vượt sông bám theo lối mòn. Đường trơn, vắt núi, muỗi rừng nhiều vô kể. Nhiều lán trại sơ sài hiện ra với chỉ toàn bột cưa, gỗ vụn, còn những thân gỗ to đã... biến mất.
 
Anh Đinh Văn Thiêm (thôn Mang Rễ) đi làm rẫy ngang qua, bắt chuyện với chúng tôi về "nạn phá rừng": "Thợ cưa đi vào sâu trong rừng từ mấy hôm trước rồi. Cánh rừng này nhìn bề ngoài thì còn nguyên, nhưng càng vào sâu thì càng bị tàn phá. Gỗ quý, gỗ to mỗi ngày cạn dần". Anh Thiêm chỉ cho chúng tôi những "vũng lõm" giữa xanh thẳm đại ngàn, rồi nói rằng xưa cây gỗ đan kín, nay vì bị chặt đốn, nên mới trống trải thế. Nhiều ngọn cây rừng bị chặt bỏ khô ngay trên tán rừng héo úa, loang lổ.

*Lợi dụng cơ chế "167" để phá rừng!

Rừng già Sơn Lập bị tàn phá khủng khiếp những năm gần đây, nhất là từ năm 2009 đến nay. Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ "lâm tặc", mà có cả từ chủ trương "tận dụng gỗ rừng để làm nhà 167" của chính quyền địa phương. Ông Võ Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lập cho biết: "Cả xã có 174 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà 167. Gỗ để làm nhà đều chặt đốn từ rừng. Xã cũng yêu cầu dân là chỉ đốn đủ để làm nhà thôi, nhưng thực tế có một số trường hợp khai thác gỗ hơi nhiều".
 
Ông Phạm Văn Sơn - kiểm lâm địa bàn Sơn Lập thuộc lực lượng kiểm lâm Sơn Tây khẳng định: "Chính quyền cho phép người dân tận dụng gỗ rừng để làm nhà, nhưng lại không phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm để xác định cụ thể việc đốn hạ cây rừng. Do đó nhiều người dân chặt đốn cả những loại gỗ thuộc nhóm “cấm được khai thác”. Hơn nữa vì thân gỗ lớn, nên người dân không thể dùng rựa  đốn, mà phải thuê cưa máy. Một khi đưa cưa máy vào rừng thì khó lòng kiểm soát việc khai thác gỗ của dân".

Chỉ tính riêng việc cho phép khai thác gỗ rừng làm nhà theo Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo của chính quyền xã Sơn Lập thì, những cánh rừng ở đây đã bị chặt đốn từ 200 đến 300 cây gỗ nhóm 2 đến nhóm 6 (đường kính thân cây cả mét). Trước khi cho phép người dân khai thác gỗ, ngành chức năng và chính quyền địa phương lại không đưa ra một tiêu chí nào về "loại gỗ được khai thác làm nhà 167". Chính điều này đã làm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ở Sơn Lập gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
 
Chính "cơ chế 167" thiếu chặt chẽ, đã bị "lâm tặc" lợi dụng để tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn Sơn Lập trong thời gian dài. Với chỉ một tấm giấy xác nhận của UBND xã cho  phép khai thác gỗ làm nhà, là người dân có thể thuê cưa máy vào rừng tìm gỗ triệt hạ. Kiểm lâm địa bàn Sơn Lập Phạm Văn Sơn khẳng định: "Lực lượng kiểm lâm đã phát hiện nhiều hộ dân chặt đốn hàng loạt cây gỗ làm nhà 167 thuộc gỗ nhóm 2A, đường kính rất lớn. Kiểm lâm lập biên bản, nhưng cuối cùng không thu giữ, cũng không xử phạt, vì người dân đã được phép của chính quyền".

*Gỗ lậu đội lốt... vật dụng gia đình!

Ở xã Sơn Lập, cán bộ kiểm lâm và chính quyền địa phương nhận được không ít đơn yêu cầu xác nhận, cho phép vận chuyển vật dụng gia đình là những bộ phản "hoành tráng" rộng từ 1,6 đến 2,0 mét, dày 15 đến 20 cm. Ông Võ Bé - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: "Những người này không phải chỉ xin một lần, mà rất nhiều lần. Mỗi lần viết đơn họ đều kê khai là tài sản sử dụng lâu năm tại xã Sơn Lập, nay xin chuyển về các huyện, thành phố để tiếp tục... sử dụng. Họ trình bày là thế, chứ chúng tôi biết thừa là nguỵ trang để xin chuyển gỗ về dưới xuôi thôi. Đời nào chúng tôi lại đồng ý xác nhận".
 
Thế nhưng kiểm lâm địa bàn Sơn Lập Phạm Văn Sơn lại nói với chúng tôi: "Cách đây vài hôm tôi có nhận được yêu cầu của hộ Cao Thị Lan Anh (thôn Mang Rễ) cho phép chuyển về dưới xã Tịnh Giang bộ phản rộng 1,8 mét; dày 17cm, làm bằng gỗ Sao Đá thuộc nhóm 2A. Chủ tịch UBND xã Sơn Lập là ông Bạch Ngọc Thêm đã xác nhận trong đơn của bà Anh đây là vật dụng gia đình sử dụng lâu năm, đề nghị kiểm lâm tạo điều kiện giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên kiểm lâm không đồng ý".

Chúng tôi cũng đến tận gia đình bà Cao Thị Lan Anh ở thôn Mang Rễ. Căn nhà sơ sài nằm ngay sát tuyến đường nhựa, một bên là rừng, một phía là sông Xà Lò. Gia đình bà Anh chỉ có 2 vợ chồng sinh sống ở đây, nhưng trong nhà có tới 4 bộ phản lớn. Bộ phản mà ông Chủ tịch xác nhận là tài sản sử dụng lâu năm trong gia đình bà Anh chỉ mới vừa được bào, đánh véc ni cách đó không lâu.
 
Kiểm lâm Phạm Văn Sơn khẳng định: "Đây là lâm sản trái phép, chứ không thể gọi là vật dụng gia đình! Chúng tôi sẽ theo dõi không cho chuyển ra khỏi địa bàn". Ông Sơn còn cho biết thêm, hiện nay có 4 bộ phản lớn làm bằng gỗ quý, chủ sử dụng đang có ý định vận chuyển về xuôi. Biết thế nhưng ông Sơn lại nói rằng, chỉ có thể "bắt quả tang khi đang vận chuyển" chứ không thể đến nhà tịch thu, bởi dù sao thì đó cũng là những... bộ phản - vật dụng gia đình!

*Gian nan cuộc chiến giữ rừng!

Cuộc chiến "theo dõi" để tịch thu, xử lý mà kiểm lâm Phạm Văn Sơn đã nói liệu có khả thi khi mỗi ngày rừng Sơn Lập đang bị tàn phá nặng nề, nhưng số vụ bắt, tịch thu thì chỉ “đếm trên đầu ngón tay”... Trong đó cả năm 2010 lực lượng kiểm lâm bắt, tịch thu hơn 10 mét khối gỗ "vô chủ"; quý I năm 2011 bắt, tịch thu 1,9 mét khối gỗ. Riêng quý II/2011, vì "phối hợp thường xuyên kiểm tra, truy quét, nên không xảy ra vụ vi phạm nào". Tuy nhiên theo người dân địa phương ở đây cho biết, tình hình "lâm tặc" phá rừng Sơn Lập vẫn luôn tiếp diễn, nhưng kiểm lâm và chính quyền không phát hiện được.

Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Văn Sơn thừa nhận: "Do lực lượng quá mỏng, nên không thể kiểm tra, truy quét, phát hiện hết tình trạng phá rừng. Hơn nữa địa bàn Sơn Lập phức tạp (vừa có đường sông, vừa có đường bộ) lại là vùng giáp ranh, khi tổ chức truy quét là lâm tặc di chuyển sang tỉnh Kon Tum hoặc xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà".
 
Một khó khăn nữa là, nhiều vùng ở Sơn Lập chưa phủ sóng di động, nên việc nắm thông tin từ quần chúng về nạn phá rừng gặp trở ngại. Hơn nữa do kế hoạch công tác của kiểm lâm được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, nên lâm tặc cũng dễ dàng theo dõi hoạt động của kiểm lâm, để có cách đối phó. Chính vì thế  mỗi quý ra quân truy quét 2 lần, nhưng chẳng lần nào kiểm lâm bắt được lâm tặc. Trao đổi vấn đề này, ông Tô Cước - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho tôi biết: "Huyện sẽ có cuộc làm việc với ngành kiểm lâm và xã Sơn Lập, để chỉ đạo chấn chỉnh, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng ở Sơn Lập".

Xã Sơn Lập hiện có hơn 5.363 ha rừng (rừng tự nhiên 2.579 ha). Theo lực lượng kiểm lâm, mỗi năm diện tích rừng Sơn Lập đều bị thu hẹp, nhất là năm 2009 và năm 2010 (mỗi năm diện tích rừng bị mất khoảng 35 ha). Riêng vấn nạn "rút ruột rừng" thì kiểm lâm cho biết là chưa thống kê được số cây gỗ bị mất do sự tàn phá của con người.

Thanh Nhị

.