(QNĐT)- Từ lâu, nhiều người con quê hương Thiên Ấn – Trà Giang đã chọn Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu” trên chặng đường “hành phương Nam” để mưu sinh. Với tính cần cù, chịu thương chịu khó, họ đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu đẹp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mưu sinh nơi phố thị
Hơn 40 năm mưu sinh trên đất Sài Thành, bà Võ Thị Minh vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này. Quê gốc của bà ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Năm 1968, sau khi chồng hy sinh, bà dắt díu hai con nhỏ vào Sài Gòn để kiếm kế sinh nhai và tránh sự bắt bớ của kẻ thù đối với gia đình có người tham gia kháng chiến.
Bà Thới Thị Thu Dung với gánh tàu hủ nuôi các con ăn học. |
Mẹ con bà lang thang khắp phố phường với thúng xôi trên đầu hay gánh đậu hủ trên vai để kiếm tiền lo cho cuộc sống. Nhiều lúc bà phải gạt nước mắt tủi hận khi bị cảnh sát và các sắc lính ngụy đánh đập, đạp đổ quang gánh vì bán hàng rong trên phố. Các con bơ vơ khi những lúc bà bị bắt giam vì là “nghi can gián điệp Cộng sản”.
Đất nước thống nhất, gia đình bà có được một căn hộ nhỏ làm chốn nương thân, các con của bà được tiếp tục đến trường. Bà vẫn tiếp tục buôn bán nuôi các con ăn học. Cuộc sống của mẹ con bà ngày càng khấm khá. Hiện người con gái lớn là chủ một nhà hàng khá bề thế trên đường Lê Văn Sỹ, con trai là một lãnh đạo cấp quận, các cháu nội ngoại đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định.
Lân la ăn tàu hủ tại chợ Phước Long B, quận 9, tôi đã được nghe bà Thới Thị Thu Dung ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành kể về những chuỗi ngày cơ cực của mình nơi đất Sài Thành.
Ở quê, cả gia đình bà chỉ biết trông chờ vào 4 sào ruộng lúa nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 1994, khi người con trai đầu Lê Văn Thạch bước chân vào giảng đường đại học thì bà phải khăn gói vào đây để kiếm tiền nuôi con. Ban đầu, bà bán hủ tiếu gõ ở khu vực quận 8 nhưng sau chuyển sang thuê trọ và bán tàu hủ ở khu vực quận 9.
Bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, bà thức dậy lo bữa sáng cho các con và những sinh viên cùng nhà trọ rồi tất tả quang gánh đến chợ.
Chiều, lại một nồi tàu hủ khác được bà quảy gánh bán rong ở những khu vực lân cận. Với đôi quang gánh kẽo kịt trên vai, mỗi ngày bà cũng kiếm được gần 100.000 đồng. “Tuy khá cực nhọc so với những công việc khác nhưng tui có thời gian để lo cơm nước cho các con và nhiều sinh viên nghèo ở quê vào đây trọ học chú à!” – bà cho biết.
Hơn 17 năm vất vả bám trụ đất Sài Thành của bà Dung đã được đổi bằng những tấm bằng đại học của ba người con Lê Văn Thạch, Lê Trung Việt và Lê Văn Hào. Hiện người con út là Lê Văn Đồng cũng đang theo học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều sinh viên người Quảng Ngãi gọi bà là mẹ nuôi vì đã lo lắng đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho họ cùng với những lời chỉ bảo chân thành. Họ luôn đến thăm bà với những cử chỉ âu yếm, những lời xót xa mỗi khi tóc bà thêm sợi bạc. “Đó cũng là món quà quý giá nhất của con cháu dành cho tui đấy chú à!”- bà tự hào nói.
Mặc dù, nhiều người khuyên ngăn là nên nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nhưng ông Tô Thanh Hải – Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ vẫn quyết định đưa vợ vào TP. Hồ Chí Minh để tiếp quản cơ sở sản xuất mỳ sợi từ người con rể
Mỗi ngày, cơ sở của ông sản xuất khoảng 600kg mỳ sợi cung cấp cho các xe bán mỳ gõ trên địa bàn quận 12 và những khu vực lân cận. Sau khi trừ chi phí, vợ chồng ông thu lãi gần 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn giải quyết việc làm cho 4 lao động người Quảng Ngãi với mức thu nhập mỗi người từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng.
Ở nơi nào cũng nhớ về quê hương…
Mỗi khi nâng chén với đồng hương xứ Quảng thì ông Tô Thanh Hải chỉ ca mỗi câu “Ở nơi nào cũng nhớ về quê hương/Ở nơi nào cũng có tình yêu thương” rồi vội móc di động gọi về quê để nắm tình hình. Ông khoe với tôi: “Bữa trước xảy ra vụ cháy rừng ở Phổ Cường là tui nắm được thông tin qua điện thoại liền hà, nhanh hơn báo mạng nữa đấy!”.
Bà Thới Thị Thu Dung vui mừng cho biết: Chỉ vài ngày nữa bà sẽ về quê để lo đám cưới cho con trai thứ hai Lê Trung Việt. Bà dự định sẽ cố gắng bám trụ thêm vài năm đến khi người con út ra trường rồi trở về quê sinh sống chứ ở trong này “nhớ lắm”.
Hỏi nhớ gì thì bà cười: “Thì nhớ chồng, nhớ nhà, nhớ bà con chòm xóm và nhớ quê chứ còn nhớ gì nữa. Nhớ cái tình quê, nhớ bát canh rau muống của mấy bà hàng xóm mang cho những lúc bận không đến chợ…”. Rảnh tay, bà lại ưu tư: “Gió Nam này mà được ngồi ăn đậu phụng non cùng với mấy bà hàng xóm thì hay biết mấy!”.
Dù sắp bước vào tuổi bát tuần, nhưng bà Võ Thị Minh luôn lặn lội tìm đến thăm hỏi những đồng hương xứ Quảng ở Sài Thành. Bà lùng sục khắp các ngõ ngách để tìm mua những loại thực phẩm ở quê và tự tay nấu cho con cháu thưởng thức. Với bà thì nỗi nhớ quê cứ tăng dần theo cái tuổi già. Để khuây khoải nỗi nhớ, thời gian gần đây, bà thường bảo con cháu mở kênh truyền hình của Đài PT – TH Quảng Ngãi thu qua sóng vệ tinh để xem những hình ảnh về quê hương.
Và quả thật không chỉ những người con xứ Quảng đi xa mới nhớ quê nhà, mà tôi, chỉ mới rời quê vài ngày cũng đã thấy cồn cào, da diết nhớ…
Trang Thy