Ba Tơ: Chủ động phòng, chống cháy rừng

09:06, 15/06/2011
.

(QNg)- Hầu hết các xã trên địa bàn huyện Ba Tơ đều có rừng, dân cư thưa thớt nên việc PCCR rất khó khăn. Hơn nữa, với tập quán đốt nương làm rẫy của đồng bào dân tộc Hrê thì nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Điều này đặt lực lượng chức năng huyện Ba Tơ luôn ở tình trạng “báo động”.
 

Theo Ban chỉ huy bảo vệ rừng huyện Ba Tơ, rừng trọng điểm dễ cháy hầu hết là các loại rừng trồng chủ yếu là keo, bạch đàn, thông; thực bì dưới tán rừng là cỏ tranh, lau lách, cây bụi, về mùa khô rất dễ bắt lửa. Mặt khác, một bộ phận người dân sống gần rừng thiếu việc làm, vin vào đời sống khó khăn đã lén lút vào rừng chặt cây lấy gỗ, củi, đốt than, đốt tổ ong... nhất là tại các cánh rừng phòng hộ, không những gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, mà còn gây nguy cơ cháy rừng cao.
 
Vụ cháy rừng tại xã Phổ Cường (Đức Phổ) ngày 9/6.
Vụ cháy rừng tại xã Phổ Cường (Đức Phổ) ngày 9/6.

Để làm tốt công tác PCCR trong những tháng mùa khô, từ đầu năm đến nay huyện Ba Tơ đã tổ chức tuyên truyền về PCCR gần 300 đợt cho khoảng 10.000 lượt người tham dự. Ban chỉ huy bảo vệ rừng huyện đã tăng cường lực lượng cho Kiểm lâm huyện và các địa phương, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên hoạt động. Huyện Ba Tơ đã ký 15 hợp đồng lao động bảo vệ rừng; đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp với phòng NN&PTNT, Công an huyện kiểm tra công tác PCCR tại 4 đơn vị là chủ rừng, gồm: Cty Lâm nghiệp Ba Tơ, Cty Lâm nghiệp Sông Re, BQL rừng phòng hộ khu đông, khu tây Ba Tơ cùng 2 xã Ba Liên, Ba Vì. Ngoài ra huyện cũng tổ chức 11 lớp tập huấn công tác PCCR, với gần 500 người tham dự.

Đặc biệt huyện đã hướng dẫn các chủ rừng phát dọn thực bì trước và sau khai thác đúng quy trình; xây dựng các chòi canh lửa, đường băng cản lửa; thiết lập các biển báo cấm lửa và bảng biểu tuyên truyền; chuẩn bị đầy đủ phương tiện và công cụ phục vụ PCCR. Trong tháng 2/2011, UBND huyện Ba Tơ đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định về phương án PCCR, làm cơ sở pháp lý để các ban, ngành, địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng và PCCR, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản và động vật hoang dã trên địa bàn huyện có hiệu quả.

Ông Lê Minh Khánh- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ba Tơ, cho biết: Qua kiểm tra công tác PCCR tại các xã, nhìn chung các địa phương và chủ rừng có tinh thần chuẩn bị tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời khi xảy ra sự cố. Do đó huyện Ba Tơ đã xây dựng mạng lưới thông tin về dự báo cháy rừng duy trì trực 24/24 giờ hàng ngày; xác định vùng trọng điểm dễ cháy trên diện tích rừng trồng, nhằm tăng cường tuần tra, phát hiện kịp thời điểm cháy.

Các ngành chức năng và các hội đoàn thể cũng thường xuyên tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội với công tác PCCR; tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng và PCCR phù hợp với điều kiện từng vùng và từng địa phương nơi có rừng. Nhờ đó ý thức bảo vệ, PCCR của người dân được nâng cao.

Anh Phạm Văn Khôi- thôn Đá Chát, xã Ba Liên, cho biết: “Trước đây chúng tôi quen phát nương, làm rẫy tự do. Nay ra vùng tái định cư, được Đảng, Nhà nước quan tâm, cán bộ kiểm lâm hướng dẫn cách trồng rừng, phòng chống cháy rừng, mình mới sáng ra, biết cách giữ rừng, không để rừng bị phá, bị cháy nữa”…

NGUYỄN TRIỀU

.