(QNg)- Mùa khô, dưới những tán rừng lớp thực bì khô giòn. Vào buổi chiều trên vùng cao trời lại có mưa giông, nên người dân thường đốt rẫy để chuẩn bị cho mùa trồng cây. Chỉ một sơ suất trong việc sử dụng lửa là xảy ra cháy rừng. Do vậy mùa khô đến ngành kiểm lâm Quảng Ngãi cùng các địa phương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô là cán bộ kiểm lâm về các thôn làng tuyên truyền cho người dân sống gần rừng hiểu công tác bảo vệ và PCCCR. Họ đến các tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy rừng kiểm tra đường băng cản lửa, chòi canh lửa, hồ chứa nước để chống cháy rừng; đồng thời đôn đốc, nhắc nhở các chủ rừng, các địa phương xây dựng và triển khai phương án PCCCR, củng cố BCH, các tổ, đội PCCCR... Ông Nguyễn Đại - Chi cục phó, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Diện tích rừng trong tỉnh rất lớn, mà lực lượng kiểm lâm khá mỏng, nên phải tăng cường nâng cao ý thức cho người dân về PCCCR; đồng thời tăng cường việc kiểm tra các phương tiện PCCCR, việc tổ chức trực ban ở Trạm kiểm lâm với các địa phương".
Ngành kiểm lâm diễn tập PCCCR để nâng cao nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rừng. |
Năm 2010 Chi cục kiểm lâm đã triển khai nhiều biện pháp để PCCCR, nhưng toàn tỉnh vẫn xảy ra 34 vụ cháy rừng, làm thiệt hại gần 135 ha rừng trồng (tăng 30 vụ, với 117 ha so với năm 2009).
Riêng huyện Đức Phổ đã xảy ra 19 vụ, làm thiệt hại hơn 85 ha rừng. Nguyên nhân xảy ra cháy rừng chủ yếu là do các chủ rừng không phát dọn thực bì, làm đường băng chắn lửa, đốt rẫy không đúng thời điểm, để lửa lan rộng. Anh Đại kể: Cách đây không lâu trên địa bàn xã Ba Cung (Ba Tơ) từng xảy ra vụ cháy rừng, mà “tác giả” là một cán bộ của Công ty lâm nghiệp Ba Tơ. Anh này phát dọn đốt thực bì lúc trưa nắng. Ngọn lửa theo gió lan rộng và anh không còn ngăn được nữa. Từ khu đất trồng rừng của anh, lửa bắt đầu "liếm" vào khu vực có hàng trăm cây thông lâu năm. Lực lượng PCCCR huyện Ba Tơ được tin "cấp báo" đã đưa máy bơm nước đến nơi. Nhưng rồi máy bơm cũng đành bất lực, bởi đường dây không kéo được đến nơi lấy nước. Anh em đành chặt cây rừng dập lửa và nhanh chóng lập đường băng cản lửa. Phải mất khá nhiều thời gian đám cháy mới được khống chế.
Còn ở thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn) thì năm ngoái khi một số hộ dân đốt lửa xông hang diệt chuột bất cẩn, đã để ngọn lửa cháy lan ra khu vực rừng dương phòng hộ ven biển. Lực lượng kiểm lâm, du kích địa phương và người dân phải mất cả tiếng đồng hồ mới dập tắt được lửa, nhưng đám cháy đã thiêu rụi 0,5 ha rừng và đe dọa đến đường ống dẫn dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cách đó 500 mét.
Do vậy để bảo vệ 250.119 ha rừng của toàn tỉnh trong mùa khô năm nay (diện tích rừng tự nhiên gần 110.000 ha, rừng trồng hơn 140.000 ha) thì việc trước tiên là nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCCR, tuyệt đối không được bất cẩn khi sử dụng lửa trên những cánh rừng. Ngay từ đầu mùa khô năm 2011, ngành kiểm lâm đã có công văn chỉ đạo các hạt kiểm lâm huyện kiện toàn BCH PCCCR, thành lập các tổ đội PCCCR ở các địa phương, nhất là ở các vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, để đối phó với "giặc lửa"; đồng thời kiểm tra công tác phối hợp PCCCR giữa UBND các xã giáp ranh, giữa chủ rừng với UBND và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn.
Bên cạnh đó ngành đã nhanh chóng hợp đồng với 104 xã có rừng để bảo vệ rừng trong 6 tháng mùa khô. Thông qua dự án nâng cao năng lực PCCCR, ngành kiểm lâm đã đầu tư kinh phí mua thiết bị, phương tiện để PCCCR. Đến nay ngành kiểm lâm đã chuẩn bị 8 bồn nước di động (với khối lượng 600lít/bồn), khoảng 1.000 dụng cụ cầm tay cuốc, rựa, bàn cào dập lửa; 14 máy cắt thực bì, 14 máy cưa xăng, 15 ống nhòm, 100 bộ quần áo chữa cháy chuyên dụng, 1 máy phát điện, máy định vị và thành lập nhiều chòi canh để phục vụ công tác PCCCR.
Thông qua các đài truyền thanh cơ sở, những lần họp thôn, các già làng uy tín, ngành kiểm lâm đã tuyên truyền cho người dân, cho chủ rừng nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ rừng trong mùa khô, nhất là kỹ thuật đốt rẫy làm nương; đốt thực bì (phải vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát).
Rừng ngày càng thu hẹp, dẫn đến nguồn nước ở các sông suối khô cạn dần đã ảnh hưởng nhiều đến phát triển sản xuất nông nghiệp và tình trạng xói lở diễn ra nghiêm trọng hơn. Do vậy bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn sống của chính mình, mà trước tiên người đi rừng cần cẩn trọng trong việc vứt tàn thuốc, đốt rừng đúng quy cách, để không xảy ra hiểm họa cháy rừng. Một khi phát hiện đám cháy, người dân phải báo ngay với chính quyền và ngành chức năng, để triển khai công tác chữa cháy có hiệu quả.
Bài, ảnh: MAI HẠ