Người dân dự án thủy điện Hà Nang: Chưa tìm ra hướng lạc nghiệp

10:05, 25/05/2011
.

(QNg)- Phải khẳng định là, kể từ cuối năm 2010 khi Nhà máy thủy điện Hà Nang đi vào hoạt động, diện mạo nông thôn miền núi xã Trà Thủy (Trà Bồng) - nơi Nhà máy đứng chân đã có bước khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên kể từ thời điểm này, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cũng rơi vào tình trạng khốn khó hơn trước đó, bởi nhiều lý do...

* Thiếu đất định canh

Ngay thượng nguồn con suối Hà Nang hiện hữu một Nhà máy thủy điện hiện đại - Nhà máy thủy điện Hà Nang, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư. Từ đây có một con đường đất phẳng, rộng vòng vèo dẫn đến tận đỉnh núi cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, là nơi tái định cư của 104 hộ dân thôn 1 và thôn 4 (xã Trà Thủy) thuộc dự án Nhà máy thủy điện này. Buổi trưa "làng tái định cư" yên ắng, chỉ có tiếng nước chảy như thác đổ vào hồ chứa nước của Nhà máy. 
 
Một góc khu tái định cư của dân xã Trà Thủy ở Dự án Nhà máy Thủy điện Hà Nang.
Một góc khu tái định cư của dân xã Trà Thủy ở Dự án Nhà máy Thủy điện Hà Nang.
 
Chúng tôi ghé vào ngôi nhà của ông Hồ Xuân Tuấn - Trưởng xóm 1 thuộc thôn 1, xã Trà Thủy. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuấn bảo: "Đàn ông trong làng đều vào rừng cả rồi. Người đốn củi, người lột quế; cũng có người... phá rừng lấy gỗ, lấy đất sản xuất".

Trước đây khi chưa có thủy điện Hà Nang, gia đình ông Tuấn có 3 sào ruộng. Khi ngăn dòng, ruộng đã chìm trong biển nước. Cả làng tái định cư này đều như thế. "Trước đây nhà mình không to đẹp như bây giờ, nhưng có ruộng để cấy lúa, lúc nào cũng có gạo ăn. Còn nay bà con chẳng có đất sản xuất, cũng chẳng có việc gì để làm. Buồn lắm!" - ông Tuấn than thở. Đầu "làng định canh" là hồ chứa nước số 1 của Nhà máy; cuối làng lại cũng là hồ chứa nước số 2. Còn 104 nóc nhà tái định cư nằm giữa khoảng cách của hai hồ chứa nước. Xung quanh là rừng nguyên sinh đầu nguồn bao bọc. Bước chân ra khỏi nhà là vào rừng già.

* Thiếu định hướng nghề nghiệp

Dự án thủy điện Hà Nang có 104 hộ dân tái định cư (khoảng 500 nhân khẩu, trong đó khoảng 400 nhân khẩu còn trong độ tuổi lao động). Khi Nhà máy hoạt động đã có 10 người được nhận vào làm việc trong Nhà máy. Số còn lại vẫn chưa tìm được việc làm. Hằng ngày họ rong ruổi vào rừng già tìm kiếm sản vật, đốn củi, thậm chí là làm thuê cho "lâm tặc", để kiếm sống. Bà con ở khu tái định cư đang phải đối mặt với cuộc mưu sinh muôn vàn khó khăn, nguy hiểm.

Khi được nhận tiền hỗ trợ di dời, bồi thường hoa màu, vật kiến trúc từ chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân (khoảng 100 triệu đồng/hộ) và cũng nhờ định hướng của Công ty, đã có một số gia đình gửi số tiền nhận được vào ngân hàng. Một số ít hộ mua bò, nhưng việc nuôi bò giữa non cao rừng già nên hiệu quả rất hạn chế. Đại đa số các gia đình này mua xe máy, sắm sửa vật dụng trong nhà, nên không còn tiền tích lũy. Ông Hồ Văn Thông - thôn trưởng thôn 1, xã Trà Thủy cho biết: "Giờ này người dân chỉ biết sống dựa vào gạo cứu trợ của Nhà nước là chủ yếu. Nhiều gia đình con cái phải nghỉ học để đi đốn củi, hái đót". Cái khó đang vây quanh "làng định cư".

Chúng tôi đã trò chuyện với bà Hồ Thị Vân (người dân ở thôn 4, xã Trà Thủy) - một trong hàng trăm phụ nữ thuộc diện tái định cư về mong muốn giải quyết việc làm, tạo thu nhập. Bà Vân cho biết: "Chúng tôi mong chính quyền và Công ty tổ chức đào tạo, tìm việc làm ngay tại nơi ở, để phụ nữ kiếm tiền nuôi các con ăn học. Còn không chắc là chúng tôi phải bỏ làng đi làm thuê nơi khác thôi".
 
* Nhiều hệ lụy...

Không có đất sản xuất, cũng không có cả việc làm khác thay thế, nhiều người dân ở "làng tái định cư" đã phá rừng làm rẫy. Hôm chúng tôi đến thôn 4, nhiều cánh rừng nguyên sinh đã bị triệt hạ để trồng chuối, trồng khoai. Những thân gỗ to bị đốn gục, cháy nham nhở ngay bên đường đi. Theo ước tính số diện tích rừng nguyên sinh bị đốt phá đã lên đến 20 ha. Cá biệt hơn nhiều người dân thôn 4 còn tổ chức thành từng đoàn chèo thúng vượt qua lòng hồ rộng mênh mông, để trở về nơi ở cũ phá rừng, làm rẫy. Ông Hồ Văn Thế - người dân thôn 4 cho biết: "Cả gia đình chỉ để lại một người lớn và các con nhỏ, còn lại đều phải vào rừng để khai phá lấy đất trồng lúa, trồng mì, nuôi heo.

Thôn 4 có 74 nóc nhà tái định cư (khoảng 300 nhân khẩu), nhưng vào hôm chúng tôi đến làng, chỉ còn lại phụ nữ và trẻ con. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe ô tô tải bịt bùng rồ máy phóng ào ào xé toang bầu không khí tĩnh lặng vốn có nơi thung lũng này. Vợ chồng anh chủ quán tạp hóa trong thôn 4 cho biết, đó là xe chở quế, chở đót. Còn xe tham quan ngắm cảnh hồ thủy điện thường là xe ô tô con. Riêng xe chở gỗ thì chạy vào chiều tối hoặc rạng sáng. "Ngày trước ở làng mình không có nhiều xe ô tô như vậy đâu. Giờ có đường to, người ta đưa xe vào chở của cải từ rừng đi đấy!" - già làng Hồ Văn Hùng nói với chúng tôi.

Nạn khai thác lâm sản, trong đó có gỗ quý hiếm đang ngày một gia tăng tại khu rừng phòng hộ đầu nguồn này kể từ khi Nhà máy thủy điện Hà Nang hoạt động. Bởi có con đường rộng nối những cánh rừng nguyên sinh xuống đường cái lớn, thuận tiện vận chuyển gỗ, nhưng lực lượng chức năng lại chưa siết chặt quản lý. Tuy dọc đường có một chốt kiểm lâm ngay vệ đường với tấm bảng treo: Lực lượng kiểm lâm liên xã Trà Thủy - Trà Hiệp, nhưng hôm chúng tôi đến trạm này cửa đóng im ỉm, càng tạo thêm cơ hội cho "lâm tặc" tấn công rừng nguyên sinh phòng hộ đầu nguồn của Trà Bồng.

* Trách nhiệm thuộc về ai?

Phương án tái định canh cho người dân trong dự án thủy điện Hà Nang, UBND tỉnh đã có Công văn 2115/UBND-NNTN về ổn định đời sống cho người dân Dự án. Công văn nêu rõ: Phương án tái định canh phải bao gồm việc bố trí đất sản xuất nông, lâm nghiệp, gắn với việc giao rừng cho các hộ dân, đảm bảo ổn định sản xuất và cuộc sống lâu dài của các hộ dân. Phương án này do UBND huyện Trà Bồng lập và phải có ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sở, ngành liên quan trước khi phê duyệt.
 
Việc này ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng có chỉ đạo cụ thể: UBND huyện Trà Bồng chịu trách nhiệm xác định địa điểm, diện tích đất sản xuất tái định canh. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân có trách nhiệm chịu chi phí liên quan đến việc đo đạc, lập thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho người dân vùng dự án.

Trao đổi vấn đề này ông Huỳnh Kim Lập - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân cho chúng tôi biết: "Công ty luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, để thực hiện nghĩa vụ lo định canh cho người dân trong vùng dự án". Huyện Trà Bồng cũng đã có phương án định canh trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại chưa thống nhất với phương án định canh của huyện Trà Bồng. Kết cục 104 hộ dân tái định cư là người chịu thiệt thòi và quyền lợi tái định canh bị "treo" lơ lửng!
 
***
Nguyện vọng của người dân tái định cư Dự án thủy điện Hà Nang là chính đáng, cần phải được chủ đầu tư, UBND huyện Trà Bồng và các sở, ngành liên quan của tỉnh lưu tâm giải quyết. Việc tái định canh chậm ngày nào thì nhiều hệ lụy sẽ tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của người dân vào chính sách định canh, an sinh xã hội khi triển khai thực hiện dự án.
         
Bài, ảnh: Thanh Nhị

.