Triển vọng từ Sơn Tây

04:04, 19/04/2011
.

(QNg)-  Sơn Tây là một trong những huyện miền núi của tỉnh đang nỗ lực trong hành trình xóa nghèo vươn lên làm giàu. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện Sơn Tây đang triển khai nhiều công trình xây dựng cơ bản. Đây là điều kiện để huyện Sơn Tây bứt phá đi lên.

Nói đến Sơn Tây là nhiều người nghĩ ngay đó là vùng đất của "ngàn cau". Về Sơn Tây đâu đâu cũng có cây cau. Những năm trước đây cây cau là cây xóa đói giảm nghèo  của đồng bào Cadong. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, khi cau rớt giá thì người dân chuyển sang trồng mì và keo. Việc kịp thời chuyển đổi cây trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể.
 
Bây giờ trên những nương rẫy của đồng bào Cadong ở Sơn Tây là những rẫy mì xanh tốt. Thời gian gần đây mì có giá, người trồng mì có lãi, nên rất phấn khởi. Anh Đinh Văn Đẩy (ở xã Sơn Dung) bộc bạch: "Năm ngóai cuối vụ có 800-900 đồng kg, năm nay bán ngàn mấy một kg. Nhà mình trồng chục vài chục tấn củ mì nên thu nhập cũng khá".
 
 Trung tâm huyện lỵ Sơn Tây.                  Ảnh: PD
Trung tâm huyện lỵ Sơn Tây. Ảnh: PD

Cùng với cây mì là cây keo. Mấy năm gần đây phong trào trồng cây nguyên liệu (chủ yếu là cây keo) phát triển mạnh. Nhiều người giàu lên nhờ cây keo. Trước đây gia đình bà Đinh Thị Hinh (Sơn Mùa) năm nào cũng nhận gạo cứu trợ của Nhà nước. Nhờ cán bộ kỹ thuật của xã, huyện hướng dẫn cách làm ăn, gia đình bà Hinh đã mạnh dạn trồng hơn 2 hec-ta keo, cộng với hơn 1 ha mì, kết hợp chăn nuôi, nên năm vừa rồi gia đình bà bán keo được hơn 40 triệu đồng. Bà đã làm được ngôi nhà sàn mới trị giá gần 70 triệu đồng.

Những ngày này ở huyện Sơn Tây như một đại công trình. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án: thủy điện ĐakĐrinh; đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn; các tuyến đường liên huyện, liên xã… Trong đó đáng chú ý là dự án đường Trường Sơn Đông. Đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn huyện dài 40 km, đi qua các xã Sơn Dung, Sơn Bua, Sơn Mùa, Sơn Long và trung tâm huyện. Điểm đầu nối với xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và điểm cuối giáp với xã Ngọc Tem, huyện Cam Plong (Kon-Tum).

Hiện nay tuyến đường này đã hoàn thành nền đường và đang đổ bê tông mặt đường 50% với khối lượng thiết kế. Việc thông tuyến đường này đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng xa như Sơn Bua, Sơn Mùa có điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa, rút ngắn về giao thông giữa các vùng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Anh Đinh Văn Tin - một người dân ở xã Sơn Mùa cho biết: Ngày trước ở đây có đường, nhưng không thuận tiện như bây giờ. Hồi đó dân nuôi con trâu, con bò bán rất khó, mà có bán được giá cũng rẻ. Bây giờ bà con ở đây làm ra cái gì đều có người mua với giá cao hơn.

Hiện nay huyện Sơn Tây đang chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường liên xã như: đường Sơn Mùa- Sơn Liên; Sơn Tân- Sơn Mùa; Sơn Lập- Sơn Mùa. Ngoài ra huyện Sơn Tây đang tiến hành mở rộng trung tâm hành chính huyện. Theo qui họach, trung tâm hành chính huyện Sơn Tây sẽ được mở rộng từ 110 ha lên 220 ha. Trong đó mở tuyến đường từ ngã ba Sơn Mùa đến trung tâm huyện, với chiều dài 8 km. Tuyến đường này chạy song song với tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn. Trên tuyến đường này sẽ xây dựng một số khu dân cư, khu hành chính, trường học…

Trong tương lai không xa khi trung tâm hành chính của huyện và tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn hoàn thành, sẽ mở ra cho huyện Sơn Tây một diện mạo mới; đặc biệt là từ khi triển khai Nghị quyết 30 của Chính phủ về xóa nghèo nhanh và bền vững. Ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, chúng tôi tập trung hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho người dân, tập trung xóa đói giảm nghèo; làm những công trình trọng tâm trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế cho nhân dân".

                        Anh Vinh

.