(QNĐT)- Từ thông tin một số người ở xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ đào được gốc huỳnh đàn, còn gọi là gỗ sưa… bán được tiền tỉ, nên nhiều người dân địa phương kéo nhau đến các khu vực núi, ven suối… để đào bới, với hi vọng sẽ được đổi đời từ loại cây hiện có giá lên đến 10 triệu đồng/kg này.
* Giấc mơ mang tên huỳnh đàn
Theo lời của nhiều người dân địa phương thì “cơn sốt” vì gỗ huỳnh đàn ở Ba Tơ bắt đầu khởi phát vào khoảng đầu năm 2007, từ những lời thêu dệt. Nào là có người đã trở thành tỉ phú nhờ mua trúng một lô cửa cũ, vật dụng làm bằng gỗ huỳnh đàn của một cơ quan nọ bán thanh lý với giá bèo”. “Ông “H”, bà “K” ở buôn “D”, làng “N”… xây nhà lầu, mua xe máy xịn, sắm tivi... vì bán được bộ bàn, ghế, tủ làm bằng gỗ huỳnh đàn do ông bà tổ tiên để lại.
Số huỳnh đàn vận chuyển trái phép mà Công an huyện Ba Tơ thu giữ. |
Chẳng cần biết thực hư thế nào, nhưng lời đồn đã thổi bùng lên sự khao khát, thèm muốn được trở nên giàu có nhanh chóng của người nhiều dân trong vùng từ huỳnh đàn.
Vì thế nhiều người đã lao vào cuộc săn lùng, sục sạo tìm kiếm ở khắp các buôn làng và nhiều khu rừng trong huyện để mua, tìm huỳnh đàn.
Anh Lê Văn Hưng (38 tuổi), người dân ở thị trấn Ba Tơ kể: Cũng như nhiều người khác, lúc đó anh cùng với hai người bạn đã rủ nhau góp gần 10 triệu đồng, rồi lặn lội vào tận các buôn, làng thăm dò và đến một số khu rừng ở xã Ba Tiêu, nơi đồn là có huỳnh đàn để tìm kiếm thu mua lại kiếm lời.
Thế nhưng gần cả tháng sau, tiền bạc cạn sạch, nhưng cả nhóm vẫn không “săn tìm” được một mẩu huỳnh đàn nào. Mà đâu riêng gì ai, giấc mơ tìm thấy huỳnh đàn làm hàng trăm người dân trong huyện phải mất ngủ nhiều tháng liền để lùng sục, đào bới.
Sự việc kéo dài hơn cả năm sau đó, đến khi các cấp ngành chức năng của huyện đồng loạt vào cuộc để tuyên truyền, xử lý kiên quyết các vụ mua bán, vận chuyển thì “cơn sốt” huỳnh đàn trên địa bàn Ba Tơ mới hạ nhiệt và lắng xuống.
* Lời đồn lại “thổi bùng” lòng tham
Lần này cũng vậy, chuyện bắt đầu vào trước tết nguyên đán, một người dân ở Làng Trui, xã Ba Tiêu tên “X” trong lúc ngồi uống rượu bỗng nhiên hứng chí “bật mí” rằng: Có lần nghe cha mình nói là quan tài chôn ông nội được làm bằng gỗ huỳnh đàn.
Chẳng bao lâu sau, tin này lọt đến tai một trùm thu mua Huỳnh đàn trong huyện. Ban đầu anh “X” từ chối thẳng thừng, nhưng sau nhiều lần nghe “ông trùm” nọ gạ sẽ trả rất nhiều tiền để mua chiếc quan tài kia, với giá có thể lên đến cả trăm triệu đồng, nên anh “X” đã đồng ý, với điều kiện “ông trùm” phải mua một chiếc quan tài mới để thay vào; đồng thời mua trâu, rượu đến cúng thì mới chịu đào lên bán.
Nghe nói sau khi trừ đi các khoản chi phí, chiếc quan tài nọ được trả 80 triệu đồng. Và cũng từ vụ mua bán này, một số người trong xã đã tìm hiểu nơi mà ngày xưa ông nội của anh “X” đã chặt cây huỳnh đàn nọ để lấy phần thân làm quan tài cho mình. Trong số đó có một người đã tìm ra chính xác địa điểm trên và thuê xe đào tìm.
Tuy nhiên do vị trí của gốc huỳnh đàn nằm ở lưng dốc và qua nhiều năm bị đất đá từ phía trên sạt lở xuống và lấp quá sâu nên vẫn không tìm thấy, đành bỏ cuộc.
Thấy vậy một người dân trong xã đã đến và âm thầm đào, cuối cùng tìm được và bán khoảng 1,8 tỉ đồng. Một người khác ở cùng xã cũng tìm được 1 phần nhánh của cây huỳnh đàn trên và bán được hơn 150 triệu đồng. Từ lời đồn đại này, thế là sau tết nguyên đán, cơn sốt huỳnh đàn bỗng chốc “tái phát”, lôi kéo hàng trăm người tham gia.
* Vườn, rẫy… tan hoang
Mấy tháng qua, nhiều người dân ở Ba Tơ rủ nhau lập thành từng tốp, nhóm từ 3-5 người, chia nhau lùng sục ở những địa điểm nghi ngờ có gốc, thân huỳnh đàn bị vùi lấp tại các khu rừng, ven sông, suối, rẫy và cả hành lang trên tuyến Quốc lộ 24 để đào bới, tìm kiếm làm ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân và an toàn trên tuyến giao thông này.
Một trong số những chiếc hố mà dân tìm huỳnh đàn đào bới nằm cạnh Quốc lộ 24. |
Ông Phạm Văn Minh, người dân xã Ba Ngạt, bức xúc phản ánh: Không chỉ phần đất rẫy của gia đình, mà nhiều hộ khác cũng bị những người đi tìm huỳnh đàn đào xới tung toé, cây cối trồng cũng bị họ chặt, phát cho trống để bới tìm. Riêng dọc Quốc lộ 24, từ km 63- 67, thuộc địa phận xã Ba Tiêu, Ba Ngạt xuất hiện nhiều hố sâu lớn nhỏ nằm cách lề đường chỉ từ 3-7m nằm rải rác ở hai bên, không những gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông mà còn làm tăng nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão sắp đến.
* Cơ quan chức năng vất vả “hạ nhiệt”
Không phải đến bây giờ mà ngay từ khi việc tìm kiếm, vận chuyển huỳnh đàn trái phép trên địa bàn bắt đầu diễn ra và bùng phát từ năm 2007, cơ quan công an cùng lực lượng chức năng huyện Ba Tơ đã khẩn trương vào cuộc để ngăn chặn và xử lý.
Lực lượng công an huyện đã bắt hàng chục vụ, thu giữ trên 5 tấn huỳnh đàn, gồm cành và rễ.
Toàn bộ số huỳnh đàn trên đều có nguồn gốc từ các tỉnh Tây Nguyên, được một số đối tượng sử dụng phương tiện xe gắn máy và ô tô vận chuyển trái phép xuống.
Còn đối với rừng địa phương chưa nghe cơ quan nào của huyện báo cáo là đã phát hiện có huỳnh đàn tự nhiên. Và theo một số người dân địa phương thì thời gian qua đã có một số ít hộ gia đình ở BaTơ, chủ yếu là ở xã Ba Tiêu có trồng loại cây này, nhưng số lượng cây trồng không nhiều.
Từ sau tết âm lịch trở lại đây, tình trạng một số người dân đào xới tại một số nương rẫy, ven sông suối và gần hành lang đường bộ ở Quốc lộ 24 để tìm huỳnh đàn trên địa bàn Ba Tơ là có. Công an huyện đã triển khai lực lượng phối hợp với kiểm lâm Ba Tơ triển khai truy đuổi, ngăn chặn…
Còn thông tin về một số cá nhân đào được gốc huỳnh đàn, bán được tiền tỉ chỉ là những lời đồn thổi, Thượng tá Võ Văn Dương- Trưởng Công an huyện Ba Tơ khẳng định. Hi vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành Ba Tơ, cơn sốt huỳnh đàn sớm sẽ được “hạ nhiệt”.
Công Hoàng