Khan hiếm nước và hệ lụy từ quá trình đô thị hóa

02:03, 22/03/2011
.

(QNĐT) - Ngày nước thế giới năm 2011 (22/3),  với chủ đề “Nước cho phát triển đô thị” với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền và cộng đồng dân cư về những thách thức của tài nguyên nước trong phát triển bền vững các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng tại hầu hết các quốc gia trên thế  giới, đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác quản lý tài nguyên nước, hệ sinh thái và môi trường.

Tình trạng đô thị hoá trên thế giới gia tăng, kéo theo nhu cầu ngày càng tăng về nước và các dịch vụ vệ sinh, gây ra tình trạng khai thác quá mức, thậm chí cạn kiệt nguồn nước tại chỗ cũng như các vùng liền kề.

Nước - nguồn tài nguyên quý. Ảnh internet
Nước - nguồn tài nguyên quý. Ảnh internet
Các đô thị sản sinh ra lượng nước thải, chất thải rất lớn, trong khi ở nhiều đô thị, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, hệ thống xử lý chất thải, nước thải chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh. Một khi nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm, hệ sinh thái thủy sinh bị phá vỡ sẽ tạo điều kiện cho bệnh tật tấn công cộng đồng dân cư. Suy thoái nguồn nước, môi trường và hệ sinh thái cũng đặt sinh kế của người dân nghèo ở thành thị bên lề của sự rủi ro. 
 

Những năm gần đây, sự phát triển ồ ạt của hạ tầng, gia tăng các công trình thủy lợi, thủy điện, các công trình giao thông, đê bao và suy giảm thảm thực vật đã tác động mạnh mẽ đến nguồn nước trên các lưu vực sông và đều theo chiều hướng bất lợi. Hiện tượng khan hiếm nước càng trầm trọng hơn ở các khu vực hạ nguồn do hậu quả của việc khai thác ở thượng nguồn, làm gia tăng hiểm họa thiên tai lũ lụt, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn ở các vùng ven biển, trái đất mỗi ngày nóng dần lên, khí hậu, thời tiết biến đổi theo chiều hướng cực đoan…

Những hệ lụy ấy được thể hiện rất rõ qua các con số thống kê. Hiện nay, dân số sinh sống tại các đô thị trên toàn thế giới đã đạt đến con số kỷ lục là 3,3 tỷ người. Trên thế giới, cứ mỗi ngày có khoảng 2 triệu tấn chất thải của con người được xả vào các nguồn nước. 828 triệu người hiện đang phải sống trong các khu ổ chuột rải rác khắp các đô thị trên thế giới do làn sóng di dân từ nông thôn sang thành thị, cùng với đó dân số thành phố cũng tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng.

Hiện có khoảng 1/5 dân số thế giới (tương đương 1,2 tỷ người) đang phải sống trong các khu vực khan hiếm nước. Dự báo tình trạng khan hiếm nước sẽ trở nên trầm trọng hơn ở nhiều nơi trong những năm tới.

Có hơn 1 tỷ người, tương đương với 1/6 dân số trên thế giới không có điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch. Tại Châu Á - châu lục chiếm một nửa dân số thế giới và cũng là châu lục chiếm đến 2/3 mức tăng dân số thế giới lại đang thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa cũng theo quy luật chung của thế giới. Vào năm 1990, cả nước mới có khoảng 500 đô thị lớn nhỏ, đến năm 2000 đã tăng lên 649 và năm 2003 là 656 đô thị và đến năm 2009 con số này lên tới 747. Và cứ trung bình hơn 1 tháng lại có thêm một đô thị mới ra đời.

Với xu hướng này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế đô thị nhưng việc quản lý môi trường, sinh thái và tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch phát triển đô thị chưa theo kịp sự phát triển. Còn tới 24% dân số đô thị trên cả nước chưa được cung cấp nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước trung bình khoảng 30%, có nơi lên tới gần 40%, trong khi ở các nước phát triển khác như Singapore, Nhật Bản chỉ có 6%. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương nằm trong danh sách các đô thị có môi trường tồi tệ nhất thế giới…
 
SÔNG
Trước thực trạng khan hiếm nước như hiện nay, cùng với việc bàn hành các chính sách nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý lưu vực sông.

Ngày Nước thế giới năm 2011, với chủ đề “Nước cho phát triển đô thị” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về những thách thức của tài nguyên nước trong phát triển bền vững các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Vào ngày 22/3 tại TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Lễ mít tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng như hội thảo, tọa đàm, diễu hành, giao lưu văn nghệ với chủ đề “Bảo vệ Dòng sông quê hương”…để kêu gọi cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy định về cấp phép khoan, thăm dò, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; Nghị định về quản lý lưu vực sông; Quyết định về định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2050.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thiện đề án bảo vệ nước dưới đất ở 9 đô thị lớn là: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Bà Rịa - Vũng Tàu và Mỹ Tho.
 
Ngoài ra, Bộ đã và đang cùng các tỉnh triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và vùng lãnh thổ gồm lưu vực các sông:  Mã, Cả, Lô Gâm, Đồng Nai, Ba, Cầu, Hương, các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, vùng Cực nam Trung Bộ, vùng bán đảo Cà Mau và đảo Phú Quốc. 

Ái Kiều

.