(QNg)- Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng thành phố (BT&GPMB) là đơn vị đảm nhận thực hiện việc BT&GPMB khoảng 50% tổng số dự án trên địa bàn thành phố. Do vậy, để có một mặt bằng sạch phục vụ việc thi công các dự án đòi hỏi Ban phải nỗ lực phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan chuyển tải chính sách bồi thường của Nhà nước để người dân hiểu rõ và có được sự đồng thuận.
Tạo sự đồng thuận trong dân
Năm 2010, cán bộ và nhân viên Ban BT&GPMB thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc đem lại "mặt bằng sạch" cho các chủ đầu tư. Trong năm, Ban đã lập, thông qua Hội đồng bồi thường thành phố và được UBND thành phố phê duyệt gần 40 phương án. Diện tích đất thu hồi lên đến gần 1,1 triệu m2, tăng khoảng 261% so với năm 2009. Có 1.479 hộ dân và 23 tổ chức nằm trong các dự án phải thực hiện bồi thường, di dời tái định cư. Trong đó, tổng diện tích đất bồi thường hơn 761,4 nghìn m2 (tăng khoảng 281% so với năm trước).
Vì vậy kinh phí bồi thường cũng tăng khoảng 282% (gần 195,6 tỷ đồng). Các dự án quy mô lớn mà Ban đã tham gia thực hiện đền bù, gồm: Dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ; đường Lê Trung Đình; Lê Đại Hành… "Nhờ kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành hữu quan trong quá trình tổ chức thực hiện nên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án" - Ông Quy cho biết.
Cũng theo ông Quy, công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC không chỉ của riêng Ban mà là của cả một hệ thống chính trị, đòi hỏi sự tham gia chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, có như vậy mới thuyết phục được người dân. Cụ thể như dự án đường Lê Trung Đình, giá đất thực tế trên trục đường này trên 30 triệu đồng/m2 nhưng Nhà nước chỉ bồi thường với giá 7 triệu đồng/m2 nên để người dân di dời đòi hỏi phải có sự vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận trong dân.
Ban đã tham mưu hợp lý trong việc xây dựng phương án TĐC, như sử dụng giải pháp TĐC phân tán trên các trục đường Phạm Văn Đồng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du... phù hợp với nhu cầu thực tế của từng hộ nên người dân dễ dàng chấp thuận. Còn với dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ, chủ đầu tư cũng chọn khu TĐC nằm trên các trục đường chính để thu hút dân. "Việc sử dụng một phần quỹ đất xây dựng TĐC đã góp phần vào việc đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Chính vì vậy, với một dự án có quy mô lớn như đường Lê Trung Đình, Khu đô thị Phú Mỹ có ý nghĩa lớn trong việc đưa thành phố Quảng Ngãi tiến lên đô thị loại 2 trong năm 2015 đã được thực hiện cơ bản hoàn thành" - Ông Quy nói. Năm 2011, dự kiến Ban sẽ nhanh chóng giải quyết những tồn đọng của năm 2010 và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, GPMB đối với các dự án mới như: Khu TĐC tây Bệnh viện, Đập dâng Trà Khúc (giai đoạn 2)…
Chính sách bồi thường, TĐC vẫn còn bất cập
Trong những năm qua, công tác BT&GPMB trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều dự án phải kéo dài tiến độ thi công. Ông Trần Văn Quy - Trưởng Ban BT&GPMB thành phố cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính sách tái định cư (TĐC), giá đất và tài sản có trên đất bị thu hồi còn nhiều bất cập giữa giá đất bồi thường và giá thực tế.
Đặc biệt, theo Nghị định 69/CP của Chính phủ thì đất nông nghiệp ngoài đồng có giá trị bồi thường cao hơn đất nông nghiệp ở các vị trí khác; bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp cao hơn đất vườn... Điều này đã gây bức xúc trong nhân dân khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB. Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân có đất thu hồi, nhất là đất nông nghiệp vẫn còn bất cập. Bởi lẽ, các dự án thu hồi đất có đưa người trong độ tuổi lao động (phần lớn là thanh niên) đi đào tạo nghề hoặc cấp kinh phí học nghề nhưng đầu ra cho việc làm thì chưa đảm bảo.
Số người may mắn xin được việc làm thì lương "không đủ sống", dẫn đến bỏ việc. Chính vì lẽ đó, nhiều người viện cớ không đồng ý giao đất hoặc yêu cầu bồi thường với giá thực tế. Một thực tế bất cập nữa là, một số người lớn tuổi sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng tư liệu sản xuất bị thu hồi dẫn đến người già không có việc, trong khi đó họ không phải là đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề. "Nên quy hoạch và bố trí TĐC cho những người bị mất đi tư liệu sản xuất những lô đất có khả năng kinh doanh như mặt đường để họ tự kiếm sống" - Ông Quy nói.
Mặt khác, hồ sơ kỹ thuật đo đạc thường có nhiều sai sót nên phải đo lại nhiều lần, gây sự hoài nghi trong dân. Sau khi lập phương án đền bù, cơ quan chức năng chậm thực hiện việc việc thu hồi, giao nhận đất, dẫn đến phương án chậm được phê duyệt. Khi phương án được duyệt thì các chủ đầu tư lại thiếu vốn dẫn đến tình trạng dự án kéo dài gây lãng phí tiền của Nhà nước. Ngoài ra, các khu TĐC triển khai xây dựng quá chậm, một số khu TĐC chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nhưng vẫn bố trí giao đất TĐC. Do vậy một bộ phận người dân bị thu hồi đất không chịu nhận đất để giao mặt bằng... "Không những thế, việc công khai, dân chủ trong công tác lập phương án bồi thường chưa sâu sát đến từng người dân làm hạn chế đến quyền được đề xuất, bảo lưu ý kiến của những người bị thu hồi đất" - ông Quy cho biết.
T. PHƯƠNG