(QNg)- Cùng với việc đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II (CT 135 -II) để phát triển kinh tế xã hội ở Ba Tơ, Chương trình ISP (do Úc tài trợ) đã chú trọng hỗ trợ cho người nghèo kiến thức về cách nuôi, trồng cây, con giống mới mà CT 135 - II mang lại. Qua 3 năm triển khai, chương trình ISP đã góp phần xóa đói giảm nghèo trên huyện vùng cao Ba Tơ được bền vững.
Niềm vui từ vùng hưởng lợi
Ba năm rồi, thông qua chương trình ISP, nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Tơ, bà con được phổ cập kiến thức, trang bị các phương tiện để sản xuất hiệu quả hơn. Ngày 15/3/2011, Đoàn khảo sát thực tế gồm đại diện Đại sứ quán Austrâylia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT, Ban Dân tộc tỉnh, đại diện lãnh đạo một số cơ quan đơn vị liên quan trực thuộc tỉnh đã về thôn Tà Noát, xã Ba Ngạc để kiểm tra việc thực hiện chương trình.
Đoàn khảo sát chương trình ISP vui mừng vì công trình kênh Suối Na phát huy hiệu quả tưới cho những cánh đồng chân cao thiếu nước. Ảnh: MAI HẠ |
Anh Phạm Văn Thơm, đồng bào Hrê tự tin, phấn khởi, nói: "Trước đây, mỗi mùa gặt, vợ chồng con cái phải cùng nhau mang liềm ra cắt. Từ khi chương trình hỗ trợ máy gặt lúa và hướng dẫn về kỹ thuật cắt lúa thấy đỡ vất vả hơn nhiều. Nếu so với trước đây, thửa ruộng của mình khi cắt phải tốn 10 công, giờ chỉ cần một công cắt là xong". Nhóm sản xuất của anh Thơm có 10 hộ được hưởng lợi từ máy cắt này. Đến nay, trong nhóm ai cũng biết sử dụng máy cắt lúa để hạn chế công sức lao động.
Tại xã Ba Dinh, ông Phạm Văn Nuôi, thôn Làng Măng vui mừng, cho hay: "Chương trình ISP cho con heo, còn chỉ cách làm chuồng, cho nó ăn và hướng dẫn cách tiêm phòng định kỳ, nên con heo chóng lớn lắm. Nhờ đó mà mình không còn nghĩ đến chuyện chăn nuôi heo cỏ, thả rông như trước nữa".
Bên cạnh hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, Chương trình ISP đã đầu tư xây dựng một số công trình giao thông, thủy lợi tại những vùng thiết yếu. Nhờ công trình kênh Suối Na, xã Ba Ngạc (Chương trình ISP đã đầu tư hoàn thành trong năm 2010, với nguồn kinh phí đầu tư hơn 750 triệu đồng) mà người dân trong vùng chủ động được nguồn nước để cấy sạ lúa, trồng hoa màu. "Ruộng này hồi xưa làm một vụ ăn nước trời thôi. Nhờ có đập, mình đã làm được hai vụ ăn chắc nên không còn lo thiếu lúa kỳ giáp hạt. Còn những rẫy keo, ruộng mía, trên đồi thu hoạch là để dành tiền lúc đau ốm và lo cho bọn nhỏ ăn học "- Ông Phạm Văn Địa, người dân địa phương bộc bạch.
Không chỉ ông Thơm, ông Nuôi, ông Địa có niềm vui được hưởng lợi từ chương trình mang lại mà nhiều hộ dân ở các xã nằm trong CT 135 - II, như: Ba Trang, Ba Khâm, Ba Xa, Ba Giang, Ba Dinh, Ba Lế, Ba Nam, đã hiểu rõ hơn cách sử dụng nông cụ, cách trồng cây nguyên liệu, chăn nuôi con giống mới nên rất phấn khởi.
Cách làm của chương trình ISP
Ngay từ đầu chương trình đã xác định đối tượng được hưởng lợi là người nghèo vùng nông thôn với chủ trương: Bên cạnh đầu tư những công trình, phải hướng dẫn cho người dân biết sử dụng, biết ý thức bảo vệ và phát huy những giá trị mà chương trình mang lại ra toàn cộng đồng. Vì vậy, đồng hành với CT 135 - II đầu tư cho hộ nghèo huyện Ba Tơ, Chương trình ISP đã triển khai tại các thôn, thành lập 77 nhóm dân cư để hướng dẫn các nội dung về nuôi heo sinh sản, nuôi gà, bò, về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nguyên liệu, thú y nông hộ, về nâng cao năng lực lãnh đạo để dễ dàng tập huấn. Từ lớp tập huấn này, các hộ được tham gia không những biết cách áp dụng mà còn có nhiệm vụ hướng dẫn cho các đối tượng trong nhóm và bà con trong vùng.
Ông Trịnh Xin - Chủ tịch UBND xã Ba Dinh, cho hay: Chương trình triển khai trên tinh thần công khai dân chủ, khi lập nhóm, bà con tự thấy khả năng mình phù hợp với nhóm nào thì tiến hành đăng ký lập nhóm. Nhờ đó việc triển khai chương trình, bà con không bỡ ngỡ mà mạnh dạn tham gia... Nhờ cách làm này, mà CT 135 - II đầu tư không thất thoát lãng phí, Ba Dinh mới sớm thoát khỏi Chương trình 135. Để cuộc sống bà con phát triển bền vững, xã tiếp tục nhắc nhở bà con phát huy tinh thần tương trợ nhau về cách làm ăn, cho mượn vốn trong nhóm và nhóm này với nhóm khác.
Trong năm 2010, Ba Tơ được CT 135 -II hỗ trợ hơn 116.000 cây keo, hơn 100.000 cây xà cừ, 788 kg lúa lai, 26.000 cây mây nước, 613 con heo, 79 máy tuốt lúa đạp chân và hàng chục máy cắt lúa đeo vai... Chương trình ISP đã trích gần 4,6 tỷ đồng, bên cạnh đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi nhỏ tại các thôn bản, chương trình còn mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây, sử dụng nông cụ, nuôi con giống của CT 135 - II hỗ trợ nên bà con sử dụng và nuôi trồng nhuần nhuyễn.
Ông Lê Hàn Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ đánh giá rất cao về Chương trình ISP, bởi chương trình được triển khai rất đa dạng, phong phú. Chương trình đã hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của CT 135 - II tại các thôn.
Đến nay, thông qua Chương trình ISP bà con đồng bào vùng sâu, xa đã hiểu rõ hơn từ khâu chọn lọc con giống, cách làm chuồng trại đúng quy cách, cân đối khẩu phần hỗn hợp các loại thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật làm đất, cách chăm sóc, cách phòng, chữa bệnh cho cây con... đến cách lập kế hoạch sản xuất kinh doanh nông hộ; đồng thời tổ chức cho các nhóm hộ tham quan các mô hình tương tự để người dân có thêm kinh nghiệm nên hiệu quả đem lại khá cao.
Đối với các công trình cơ sở hạ tầng được Chương trình ISP đầu tư tuy không lớn nhưng cũng góp phần giải quyết tốt các nhu cầu thiết yếu và khó khăn của đồng bào vùng sâu vùng xa, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
MAI HẠ