(QNg)- Sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân Quảng Ngãi vào Nam kiếm sống. Dẫu cuộc sống mưu sinh nơi đất khách đầy vất vả, nhưng họ vẫn nở nụ cười bởi "gặt hái" được thu nhập đáng kể để nuôi sống bản thân và gia đình.
Chưa có cuộc điều tra xã hội học mang tính chuyên sâu về vấn đề người dân Quảng Ngãi ly hương kiếm sống. Chỉ biết rằng, trên thực tế có rất nhiều người dân Quảng Ngãi lựa chọn cho mình con đường vào Nam kiếm sống. Tết này về các làng quê ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh… đâu đâu tôi cũng bắt gặp nụ cười rạng ngời trên gương mặt những con người kiếm sống nơi đất khách.
Nhà nhà đón tết no đủ, vui vầy. Người dân sống ở quê thường gọi những ai đi làm ăn ở Tp. HCM là "người Sài Gòn". "Người Sài Gòn" về quê tiêu tiền, sắm sửa tết khiến cho nhiều người sống ở quê "lác mắt": Nào là mua sắm bàn ghế cao cấp, tủ lạnh đắt tiền, tivi xịn, xe tay ga đời mới…
Sau tết, nhiều người dân Quảng Ngãi vào Nam kiếm sống. |
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Ly (27 tuổi, ở xã Đức Lân, Mộ Đức) sau khoảng thời gian dài thất nghiệp, cuộc sống vô cùng túng thiếu chị quyết định cùng chồng rời Quảng Ngãi vào Tp.HCM làm ăn. Chưa đầy một năm đi làm thuê, buôn bán dạo trên đất Sài Gòn, tết này cuộc sống gia đình chị Ly thay đổi hẳn. Từ chỗ không có xe máy để đi, vợ chồng chị "tậu" được chiếc xe tay ga đời mới, sắm được bộ bàn ghế sa-lông sang trọng... Chị Ly bộc bạch: "Ở quê làm nông mất mùa liên miên thì biết đời nào mới thoát khỏi cảnh sống nghèo khó, phải đi xa làm ăn thôi. Tôi làm siêng, chịu khó, chịu khổ làm trên đất Sài Gòn đủ thứ nghề để mà kiếm tiền,…".
Vào các tỉnh phía Nam, nhất là ở TP.HCM làm ăn kiếm sống như thể trở thành "làn sóng" ở các làng quê đất Quảng từ nhiều năm nay. Những tưởng làn sóng ấy sẽ "đổi chiều" khi Quảng Ngãi mọc lên ngày càng nhiều nhà máy, xí nghiệp… thế nhưng vào Nam kiếm sống vẫn tiếp tục "cuồn cuộn chảy". Lớp trẻ lớn lên vào Nam học tập, rồi ở hẳn trong đó. Kẻ ở quê làm nông nghiệp thu nhập bấp bênh, có năm thiên tai bão lũ thì chịu cảnh trắng tay, thế là cũng "khăn gói" vào Nam. Dân số Tp.HCM ngày càng gia tăng, phần lớn bởi làn sóng ly hương từ các tỉnh.
Còn ở Quảng Ngãi thì dân số trong độ tuổi lao động ngày càng "lõm", cũng bởi làn sóng ly hương. Đơn cử như vào mùa thu hoạch lúa người dân tìm "đỏ cả mắt" vẫn không kiếm được người gặt lúa hộ. Lúa chín rộ, nhiều gia đình phải huy động cả người già, trẻ em ra đồng gặt lúa. Thay vì làm vần công như trước đây bây giờ nhà nông tìm đâu ra người mà vần công. Vậy nên nhiều người gắng gượng vất vả tất cả các công đoạn thu hoạch lúa trên đồng ruộng…
Xã Đức Phong (Mộ Đức) có hơn 4.000 hộ dân, trong đó có khoảng phân nửa dân số đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam. Ông Lê Long-Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong cho biết: "Người dân Đức Phong vào Tp.HCM làm đủ thứ nghề: Buôn bán ve chai, đậu hũ, trái cây, bán vé số…
Bà con đi làm ăn xa mang nguồn thu nhập đáng kể về xây dựng nhà cửa, phát triển đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo ở quê hương". Ông Long cho biết, trước đây nhiều người dân gởi con cái cho người thân ở quê, rồi cả vợ lẫn chồng vào Nam kiếm sống. Thế nhưng bây giờ vợ đi thì chồng ở nhà và ngược lại, để dễ bề nuôi dạy, quản lý con cái. Còn ruộng vườn ở quê thì có người bỏ hoang, kẻ thì cho người khác thuê. Đã gần chục năm rồi anh Nguyễn On (52 tuổi, ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong) đảm đương trách nhiệm ở nhà chăm sóc dạy bảo con cái, chăm lo ruộng vườn, để vợ vào Tp.HCM làm ăn.
Anh On thuê ruộng của những người đi làm ăn để trồng lúa. Một mình anh làm đến hơn 8 sào ruộng thế nhưng chẳng đủ để chi tiêu trong gia đình. Anh On thở dài: "Đồng ruộng xứ này chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn, chẳng biết làm nghề gì, nên phải bám lấy chứ khổ trăm bề. Cái cảnh mất trắng vì ngập lụt thì liên miên… May nhờ má nó đi buôn bán ở Sài Gòn, chứ không thì nuôi mấy đứa nhỏ ăn học cũng nợ nần chồng chất".
Người dân Quảng Ngãi ly hương kiếm sống ở các tỉnh phía Nam về quê đón tết cùng gia đình. Sau tết họ lại "khăn gói" vào Nam tiếp tục mưu sinh. Trên đất khách dẫu cuộc sống mưu sinh gặp muôn vàn khó khăn, nhưng họ vẫn quyết chí lao động vì cuộc sống.
Bài, ảnh: Phương Lý