Bi kịch của nghề báo

08:02, 23/02/2011
.
* TRẦN ĐĂNG

(QNĐT)- Có thể xem cái chết của nhà báo Hoàng Hùng như một lời cảnh tỉnh cho tất cả những nhà báo hôm nay: Bi kịch có thể đến với những người làm báo không chỉ từ những đối tượng được họ đề cập mà đôi khi nó còn đến từ những nơi được xem là chỗ dựa yêu thương nhất của mình.

Vậy là, sự thật về cái chết của nhà báo Hoàng Hùng, phóng viên Báo Người Lao Động đã được lộ sáng hoàn toàn. Có lẽ những người đa nghi nhất cũng khó mà tin được rằng, kẻ thủ ác trong vụ án tốn khá nhiều giấy mực này lại chính là người đã từng đầu gối tay ấp, từng chia ngọt sẻ bùi với anh Hoàng Hùng suốt 15 năm qua! Cái tổ ấm đã từng rộn tiếng cười của hai đứa trẻ ấy-kết quả của “hạnh phúc” giữa hai người, giờ đang tan nát.
 
Nhà Báo Hoàng Hùng trong lễ nhận giả báo chí năm 2010. Nguồn: Internet.
Nhà Báo Hoàng Hùng trong lễ nhận giải báo chí năm 2010. Nguồn: Internet.

Việc bà Liễu, vợ nhà báo Hoàng Hùng nhờ người đưa đến cơ quan điều tra để thú nhận hành vi tội lỗi của mình đã nói lên rằng, cái ác trước sau gì cũng sẽ được đưa ra ánh sáng. Và, trong trường hợp khá nhạy cảm này của vụ án, cơ quan điều tra đã đúng, dư luận trong những ngày qua, nhất là những phóng viên thường trú các báo ngay tại Long An đã không sai khi đã hé lộ nhiều tình tiết nhằm giúp dư luận hiểu đúng bản chất của vấn đề.

Một câu hỏi được đặt ra lúc này là: Vì sao nhà báo Hoàng Hùng lại bị chính người vợ của mình sát hại? Phải đặt ra câu hỏi ấy là bởi, với một nhà báo dám dấn thân, luôn lao vào những chỗ “xương” nhất như Hoàng Hùng thì kẻ sát hại anh phải là những đối tượng được Hoàng Hùng phanh phui qua những vụ tiêu cực, đằng này lại là chính vợ mình! Bi kịch của anh Hoàng Hùng, cũng là của chung với tất cả những người làm báo dám dấn thân, là ở chỗ đó.

Lâu nay, không ít những nhà báo, vì quá say với nghề, họ đã quên mất rằng, phía sau lưng mình còn có một tổ ấm. Người đang cai quản “tổ ấm” ấy, không ai khác là vợ của họ (với những nhà báo đã lập gia đình). Việc say nghề là điều cần thiết đối với tất cả những ai “làm nghề”, với nhà báo, do đặc thù của nghề nghiệp, lại càng cần thiết hơn.

Thế nhưng, “say” đến mức mà quên luôn việc người “quản gia” của mình mỗi tháng 20 lần sang Campuchia đánh bạc mà vẫn không hay như anh Hoàng Hùng, thì đó lại là một bi kịch. Các nhà báo vẫn thường nghĩ một điều đơn giản thế này: Mình cứ làm hết tâm huyết và khả năng của mình, mỗi tháng mang tiền về để “cô ấy” chăm sóc con cái là đã “hoàn thành nhiệm vụ” rồi.

Nhưng bi kịch thay, có những điều mà người phụ nữ cần hơn nhưng không thể đo đếm bằng tiền được! Bi kịch ấy không ít những người làm báo đang phải đối mặt nhưng vẫn không lưu tâm.

Nghề báo là một nghề nguy hiểm, điều đó ai cũng biết. Thế nhưng, những mối đe dọa nhà báo chỉ có thể đến từ những đối tượng mà anh ta phản ảnh trong bài viết của mình chứ không ai dám nghĩ rằng “cây đổ về nơi không có vết rìu” như trường hợp của anh Hoàng Hùng cả.

Rồi đây, cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao nhà báo Hoàng Hùng đã phải chết thảm trong chính ngôi nhà của mình, lại do chính người thân yêu nhất của anh ra tay sát hại. Nhưng có điều này, chắc chắn không có một cơ quan luật pháp nào có thể tìm ra, đó là sự trả giá cho nghề nghiệp của những người “say nghề” mà quên đi những điều “ngoài nghề”.

Có thể xem cái chết của nhà báo Hoàng Hùng như một lời cảnh tỉnh cho tất cả những nhà báo hôm nay: Bi kịch có thể đến với những người làm báo không chỉ từ những đối tượng được họ đề cập mà đôi khi nó còn đến từ những nơi được xem là chỗ dựa yêu thương nhất của mình. Không phải tất cả những người phụ nữ là vợ các nhà báo đều hành xử như bà Liễu, song những “hạt sạn”  đôi khi vẫn có mặt trong những bát cơm ngon./.

.