Thành phố Quảng Ngãi: Tái diễn tình trạng ngập nước cục bộ

08:10, 21/10/2010
.

(QNg)- Từ nhiều năm nay, tình trạng ngập nước cục bộ ở một số tuyến phố trong mùa mưa lũ đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân thành phố Quảng Ngãi. Năm 2009 mưa và nước lũ trong cơn bão số 9 đã làm tê liệt việc đi lại trong nhiều ngày liền. Năm nay liệu tình trạng ngập nước sẽ được hạn chế?

* Vẫn còn nhiều điểm ngập nước
Thành phố Quảng Ngãi là đô thị đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển, nhiều khu vực công trường dang dở, dẫn đến tình trạng úng ngập sau những ngày mưa lớn, ảnh hưởng đến việc đi lại và gây bức xúc trong nhân dân. Ông Nguyễn Hữu Hùng, PGĐ Cty Cổ phần Môi trường Đô thị (CPMTĐT) Quảng Ngãi cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố còn khá nhiều điểm có thể gây ngập úng cục bộ như: Ngã năm cũ, đường Nguyễn Thuỵ, đường Phan Đình Phùng (đoạn trước Thành uỷ), đường Phan Bội Châu, đường Hùng Vương, khu vực xung quanh Bệnh viện Đa khoa mới… với thời gian ngập nước có thể từ 7-9 tiếng đồng hồ.
 
Một số điểm ngập có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vì rác thải đó là khu vực các chợ trung tâm thành phố, chợ Nghĩa Lộ, chợ Thu Lộ…
 
Đường Hoàng Văn Thụ thường xuyên ngập nước vì xuống cấp
Đường Hoàng Văn Thụ thường xuyên ngập nước vì xuống cấp

Thực tế cho thấy, hệ thống cống thoát nước của thành phố luôn trong tình trạng ngập đầy rác do người dân xả trong sinh hoạt. Ông Phan Xuân Đính - Đội trưởng Đội thoát nước (Cty CPMTĐT Quảng Ngãi) cho biết: Nhiều điểm cống thoát nước trên địa bàn thành phố có rác ứ đọng, dẫn đến tình trạng nước thải khó thoát được, nhất là tại những khu vực các chợ, các tuyến phố có nhiều hộ kinh doanh…

Bên cạnh đó sự xuống cấp của nhiều tuyến đường dẫn đến hình thành những khu vực ứ đọng nước kéo dài như đường Hoàng Văn Thụ, Trần Hưng Đạo… Một số tuyến đường có thời gian nâng cấp, cải tạo kéo dài, tạo ra những điểm thường xuyên ngập nước như đường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân… gây bức xúc trong dự luận và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân.

* Tình hình sẽ được khắc phục?
Để đối phó với tình trạng ngập úng có thể xảy ra, Cty CPMTĐT Quảng Ngãi đã chuẩn bị các phương án phòng chống ngay trước mỗi mùa mưa. Hằng năm Công ty đều có kế hoạch nạo vét hệ thống cống thoát nước, trong đó tập trung ưu tiên những đường ống cũ, bùn rác đọng nhiều. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã huy động nhân lực, xe chuyên dụng tiến hành 4 đợt  nạo vét hệ thống cống, kênh thoát nước trên địa bàn thành phố. Ngoài ra Công ty còn bố trí một đội chuyên kiểm tra các vỉa hè, phối hợp với chính quyền các phường, xã xử lý ngay tình trạng người dân để nguyên vật liệu xây dựng bừa bãi, gây tắc cống thoát nước hoặc mất vệ sinh nơi công cộng.

Năm 2010 phần lớn các hạng mục trong Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung (thực hiện trên địa bàn Quảng Ngãi) cơ bản hoàn thành, sẽ góp phần không nhỏ trong việc giải quyết tình trạng ngập cục bộ trên địa bàn thành phố. Ông Trương Minh Khương - PGĐ Tiểu dự án Quảng Ngãi cho biết: Đến nay gần 90% các gói thầu đã hoàn thành. Trong đó gói thầu thi công hệ thống thoát nước chính A (cống hộp và kênh) đã xây dựng cống tuyến Bàu Sử dài 1,76km, tuyến cống hộp đấu nối hồ Nghĩa Chánh với Hào Thành dài 0,4km, tuyến cống hộp đấu nối Hào Thành với hồ Bàu Cả dài 0,27km… Hệ thống thoát cống thoát nước chính B (cống tròn và trạm bơm) cũng được xây dựng trên các tuyến đường: Nguyễn Du, Võ Thị Sáu, Trần Quang Diệu… có tổng chiều dài 6.578m và một trạm bơm nước mưa có công suất 12.500m3/h.

Bên cạnh đó các hạng mục xây dựng hồ điều hoà cũng phần nào làm giảm thời gian ngập úng cho thành phố (hồ điều hoà tại phường Nghĩa Chánh có diện tích trên 2,75 ha, sâu 4m và hồ điều hòa Bàu cả có diện tích 3,1ha, sâu 4,5m). Hiện tại các hồ này đang được gấp rút hoàn thành, để đưa vào sử dụng trong mùa mưa tới.

Tuy nhiên ông Khương cũng thừa nhận rằng, dự án khó có thể đáp ứng hoàn hảo nếu trong quá trình triển khai xây dựng các khu đô thị mới, khu tái định cư và các công trình xây dựng khác, các sở, ngành, chủ đầu tư không có sự phối hợp với nhau. Điều này sẽ dẫn đến một số bất cập như, việc đầu tư không đồng bộ, việc khai thác các công trình sẽ không đạt hiệu quả cao, vì thế vẫn có thể xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Bài, ảnh: Cao Lương

.