“Hầm tránh bão” của người dân Bình Châu

10:10, 20/10/2010
.

(QNg)- Mùa mưa bão về, người dân ở các vùng ven biển lại canh cánh nỗi lo mất nhà, mất tài sản và thậm chí là mất cả tính mạng do bão lũ gây ra. Bước vào mùa mưa bão năm nay nỗi lo lớn nhất của người dân vùng biển xã Bình Châu (Bình Châu) đã được giải tỏa, khi mọi nhà đều “sở hữu” những căn hầm được xây kiên cố theo kiểu lô cốt, là chỗ trú ngụ an toàn cho người và tài sản khi có bão tràn qua…

Khác hẳn với cảnh đìu hiu, vắng lặng ở các xã ven biển mỗi khi mùa mưa bão về, không khí ở Bình Châu khá nhộn nhịp và tấp nập, bởi liên tiếp những ngày qua các tàu cá của ngư dân ở đây đã trúng đậm mùa cá nục. Được mùa, được giá, người dân được biển ưu ái bù đắp lại những gì đã mất sau sự tàn phá dữ dội của cơn bão số 1 vào đầu năm. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của người dân nơi đây chính là mùa mưa bão năm nay họ đã “trút” được nỗi lo sợ bị bão “cuỗm” mất tài sản và tính mạng. Bởi lúc này họ đã có được những căn hầm tránh bão (mà bà con thường gọi là lô cốt) được xây dựng kiên cố, đủ sức chống chịu với sức mạnh của những cơn cuồng phong.
 
Ông Võ Văn Ánh ở thôn Châu Thuận Biển đang chuyển tài sản vào hầm trú bão, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Ông Võ Văn Ánh ở thôn Châu Thuận Biển đang chuyển tài sản vào hầm trú bão, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Tiên phong trong việc xây dựng hầm tránh bão này là nhân dân ở thôn Châu Thuận Biển, vì ở sát mép biển, luôn “đón” đầu hướng gió nên khi có bão lũ, người dân thôn này đã chịu thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Ông Tiêu Viết Hội – trưởng thôn Châu Thuận Biển cho biết: Toàn thôn hiện có hơn 1.000 hộ, hầu hết đều làm nghề đi biển với gần 300 chiếc thuyền lớn nhỏ, công suất hơn 14 nghìn CV nên trụ cột chính của các gia đình đều lênh đênh trên biển cả. Vì vậy, mỗi khi mùa mưa bão đến, thôn chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em nên rất bị động trong công tác phòng chống. Trong cơn bão số 9, một số ít gia đình có hầm tránh bão đã trở thành “vị cứu tinh” của hàng trăm người dân. Nhận thấy lợi ích mà hầm tránh bão mang lại, nên mọi người đều cố gắng xây cái “lô cốt” để cho yên tâm mỗi khi bão đến.

Hầm tránh bão được xây dựng ngay phía trong nhà hoặc độc lập với nhà chính, diện tích trung bình từ 6 – 12m2, chiều cao từ 1 – 1,5 m, được xây khá kiên cố, kết cấu bê tông sắt thép theo kiểu lô cốt nên đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân. Tùy điều kiện của mỗi gia đình mà kinh phí xây dựng từ 5 – 15 triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng, với sức chứa của mỗi hầm từ 5 – 30 người. Ông Võ Văn Ánh (ở xóm Tây Đường, thôn Châu Thuận Biển) - một trong những người có hầm tránh bão to nhất nhì thôn nói: Ở gần biển không sợ ngập lụt nhưng sợ bão lắm, dù nhà có xây kiên cố thì cũng không yên tâm, bởi khi gió mạnh là nó “quét” sạch hết, phải cố gắng xây cái “lô cốt” cho con cháu có chỗ trú thân. Ông khoe  với tôi căn hầm có diện tích 12m 2 với kinh phí xây dựng hơn 10 triệu đồng, là chỗ tránh bão an toàn cho hơn 20 người cùng các loại tài sản giá trị.

Hiện nay toàn thôn Châu Thuận Biển đã có hơn 100 hầm tránh bão lớn nhỏ, đáp ứng chỗ trú an toàn cho hàng nghìn người và tài sản mỗi khi có bão đến.

Mưa bão là chuyện của “trời”, nhưng chủ động phòng tránh để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra là chuyện không của riêng ai. Thiết nghĩ, trong bối cảnh tỉnh ta luôn là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản do bão lũ gây ra, thì mô hình hầm tránh bão – lô cốt mà người dân xã Bình Châu đã sáng kiến và xây dựng là một trong những phương án tránh bão an toàn, hữu hiệu, cần phải được phổ biến và nhân rộng cho nhân dân ở các địa phương ven biển học tập và áp dụng.

Bài, ảnh: MỸ HOA

.