(QNg) - Những ngày hè, khi mà sân chơi cùng những trò chơi bổ ích cho trẻ không nhiều và không phải trẻ em nào cũng tham gia được thì đang có một sân chơi ảo đã gây nên những hệ lụy khôn cùng: Đó là game online.
Từ những thế giới ảo...
Dạo một vòng quanh thành phố Quảng Ngãi từ sáng sớm cho đến 22-23h, không khó khăn gì để bắt gặp những cô bé, cậu bé choai choai đang say sưa với các màn bắn giết dữ dội trong các game như: "Võ lâm truyền kỳ", "Đột kích"... tại các quán internet. Những ngày này, các quán net lúc nào cũng đông nghẹt khách. Vừa đấu súng với nhau trên game online, các game thủ vừa văng tục, thách đấu nhau làm náo loạn cả quán. Nhiều em quăng cả cặp sách cùng vở vừa từ lớp học thêm về để dán mắt vào game. Có em dù đến lớp học nhưng tâm trí chỉ nghĩ đến game, đến chiến tích mình có được... trên mạng.
Nhiều thanh thiếu niên đã vi phạm pháp luật để có tiền chơi game online (ảnh minh hoạ). |
Nguyễn Văn H (11 tuổi)-một game thủ-ở 1 quán Internet trên đường Lê Lợi cho biết: "Cái món này đã dính vào là khó bỏ lắm mặc dù biết là vừa tốn tiền vừa mệt người”. Còn Lê Công N. (15 tuổi) thì hồ hởi: "Phe của em thắng liên hồi khiến thằng T.(bạn N) tức lắm, chúng "hằm hè" em mãi". N còn cho biết: Cũng chính từ những trận hỗn chiến "ảo" trên mạng mà khá nhiều "phe" còn thách thức nhau ở ngoài đời rồi không ít vụ đánh đấm xảy ra chỉ vì cay cú khi chơi game online.
Không chỉ ở thành phố mà cả những vùng nông thôn, các quán internet cũng chật kín những cô cậu đến chơi game bạo lực trên mạng. Không chỉ học sinh mà khá nhiều thanh niên trên 30 tuổi cũng "mê" game thành ra chẳng thiết nghề ngỗng gì, chỉ tối ngày chúi đầu vào máy chơi game. Không ít phụ huynh đã ý thức được sự nguy hiểm khi con mình "nghiện" game online và nghĩ ra kế sách là kèm sát con em, đưa đón con đi học nhưng các game thủ cũng lại nghĩ ra trăm phương ngàn kế để trốn các đấng sinh thành chu du trên game online.
...đến những nỗi đau thật
Game online là trò giải trí trên mạng internet. Tuy nhiên vượt xa tính cách giải trí thông thường là mặt tiêu cực, nó đang ăn sâu vào tâm hồn một bộ phận khá lớn giới trẻ với những game mang tính bạo lực và kích động khá mạnh. Chính vì mải mê sống trong thế giới ảo của game online, khá nhiều người (phần lớn là học sinh) sao nhãng chuyện học, ngồi hàng giờ trước máy tính, sức khỏe giảm sút. Chơi game bạo lực cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách người chơi, chẳng hạn thích bạo lực, chém giết...
Tại thành phố Quảng Ngãi, khá nhiều vụ án trộm cắp, đánh nhau gây thương tích... vì game online. Mới đây nhất là 6 vụ trộm cắp tài sản mà thủ phạm là một con nghiện game nặng. Đó là em Trương Quang B (16 tuổi) ở xã Nghĩa Dõng (Tp Quảng Ngãi). Vốn là con của 1 cán bộ công chức, B có đầy đủ điều kiện để ăn học và một tương lai tươi sáng. Thế nhưng do nghiện game, B đã bỏ học từ năm lớp 9, đi lang thang hết ngủ nhà nghỉ đến trốn trong những khu nhà đang xây dựng ở khu đê bao sông Trà Khúc nhằm đợi dịp để đi trộm.
Để có tiền chơi game, B đã thực hiện 6 vụ trộm cắp trong vòng 5 tháng. Lợi dụng sơ hở, B đã lẻn vào nhà anh Vũ Lê Phong trộm 3 điện thoại di động cùng đồng hồ đeo tay (4/2010); tiếp đến là nhà anh Võ Ngọc Út ở khu tập thể Trường Xuân, phường Trần Phú trộm 3 điện thoại di động, máy tính và tiền mặt bán lấy tiền chơi game. Táo tợn hơn, B còn trèo hoặc đục tường của 1 số công ty thuộc khu đê bao sông Trà, phường Trần Phú để trộm dàn máy vi tính, đồng hồ đeo tay... lấy tiền tiêu xài. Và ngay cả những quán net cũng bị B "hỏi thăm". Tháng 1/2009, sau khi chơi game xong tại quán internet 102 Lê Lợi, B đã trộm 1 điện thoại di động và bán để tiếp tục chơi game. Khi bị bắt, B đã khóc, đã hối hận và thành khẩn khai báo. Bởi chưa đủ tuổi thành niên, B được bảo lãnh về nhà nhưng những gì mà B đã đánh mất thì không thể lấy lại được. Cũng giống B, Lê Hoàng K (23 tuổi) ở phường Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi) là "con nghiện" của game online.
Không ngày nào mà K vắng mặt tại các quán internet với đủ các trò chơi game bạo lực. Đêm đến, K lại tiến hành các vụ trộm cắp để có tiền tiêu xài, chơi game. Mới đây, K đã thực hiện 8 vụ trộm cắp tài sản gồm: 2 xe máy, 1 máy vi tính, điện thoại di động... Cách đây vài năm, K đã mang "thành tích" với 3 tiền án, 1 tiền sự. Với K, chơi game là thú vui trong đời, cũng là để lấp những khoảng trống tình cảm khi mà ba mẹ K mải lo làm ăn buôn bán, bỏ mặc cậu con trai trong thế giới của riêng mình. Chơi game để giải trí không phải là xấu nhưng nghiện những game bạo lực dẫn đến vi phạm pháp luật, "bán" tuổi trẻ thì đến khi hối hận cũng đã muộn. Bên cạnh việc quan tâm, giáo dục từ phía gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý nội dung, loại trừ những game không lành mạnh.
Bài, ảnh: Phương Trà