(QNĐT) - Hiện nay, việc khai thác đá xây dựng ở huyện đảo Lý Sơn đang diễn ra khá phức tạp mà không có sự can thiệp, quản lý của chính quyền địa phương dẫn đến những hậu quả khôn lường, làm thất thoát nguồn thu ngân sách và ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Được xem là nghề nặng nhọc có mức nguy hiểm, rủi ro cao nhưng lại cho thu nhập tương đối ổn định, nên thời gian gần đây nghề khai thác đá xây dựng trên địa bàn huyện Lý Sơn thu hút khá nhiều người tham gia.
Một hầm khai thác đá. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 20 hộ gia đình và 3 cơ sở chuyên khai thác đá xây dựng, thu hút trên 200 lao động trực tiếp tham gia.
Có mặt tại cánh đồng Đá ở thôn Tây, xã An Vĩnh từ sáng sớm, chúng tôi chứng kiến từng tốp nhân công đang hối hả làm việc trong các hầm đá có độ sâu từ 5 -7 mét. Thanh niên trai trẻ thì hì hục tay búa, tay soi căng sức ra đập từng tảng đá to; còn phụ nữ, người già kẻ thì tay cuốc, tay thau gạt bỏ lớp đất badan phủ trên bề mặt ruộng để lộ ra nhưng mạch đá đen nằm sâu dưới lòng đất.
Một chủ có đất cho thuê lại diện tích để các đầu nậu khai thác đá tại cánh đồng này cho biết: Việc cho thuê đất giữa chủ đất và đầu nậu khai thác đá được thỏa thuận ngầm với giá cả phải chăng. Khai thác xong chủ bãi đá trả lại toàn bộ diện tích ruộng đã bị cày xới tan hoang cho chủ đất để san mặt bằng và cải tạo lại đất.
Mỗi ngày lao động cật lực một thợ đá chẻ được từ 25 -30 viêncho thu nhập trên dưới 200.000 đồng/một lao động. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại bãi đá này hiện có hàng chục hầm đá to nhỏ khác nhau với diện tích hàng hécta đang bị “xẻ thịt”. Ngày nắng cũng như ngày mưa, vài chục nhân công luôn thường trực lao động trong điều kiện bụi bặm, không thiết bị bảo hộ lao động.
Nhân công tham gia lao động ở đây là người dân địa phương, họ là những thợ đá không chuyên, với đủ thành phần và lứa tuổi khác nhau. Sản phẩm làm ra được bán tại chỗ cho khách hàng hoặc qua trung gian là những chủ bãi đá mua bao tiêu lại với giá 5.000 đồng cho một viên đá chẻ, 300.000 đồng cho một khối đá dăm 1 x 2.
Tiếp xúc với chúng tôi tại hầm đá ngay đường vào cánh đồng Đá, ông Nguyễn Hồng ở khu dân cư số 3 thôn Đông, xã An Vĩnh - một thợ đá có thâm niên hàng chục năm trong nghề cho biết: Vì không có vốn đầu tư vào sản xuất nông và ngư nghiệp, nên chúng tôi phải tạo cho mình một cái nghề để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Biết theo nghề đá là bạc mệnh vì công việc nặng nhọc và nguy hiểm, nhưng biết làm sao khi trong tay không nghề, không có vốn để chuyển nghề.
Theo tính toán của ông Hồng, nếu mỗi ngày lao động cật lực thì một thợ đá chẻ được từ 25 -30 viên (chưa kể khối lượng đá dăm, đá vụn), cho thu nhập trên dưới 200.000 đồng/một lao động. Vì vậy nghề khai thác đá thuê cũng kiếm gạo đắp đổi qua ngày và các khoản chi phí khác cho cả gia đình.
Bên cạnh đó vốn đầu tư để mua sắm dụng cụ hành nghề cũng không đáng là bao. Một thợ đá chỉ cần đầu tư trên dưới 1 triệu đồng để mua búa tạ, xà beng, soi đá là có thể hành nghề.
Còn tại cánh đồng Gành Gà, thuộc thôn Đông, xã An Hải, hàng chục hầm đá của các hộ gia đình và các chủ bãi đá cũng đang khai thác hết công suất, cảnh đào bới, đập gõ diễn ra suốt ngày.
Ông Nguyễn Sơn là chủ đất hiện đang cho thuê mặt bằng để khai thác đá cho biết: Do khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nên gia đình ông phải cho thuê gần 800m2 đất sản xuất với giá 12 triệu đồng để lấy tiền đầu tư cho chăn nuôi. Sau khi chủ bãi đá khai thác xong gia đình ông mới tập trung san mặt bằng để sản xuất nông nghiệp.
Theo tay ông chỉ chúng tôi thấy gần như toàn bộ diện tích gần 800m2 đất sản xuất của gia đình ông bị cày xới tan hoang với hố to, hố nhỏ được moi móc theo kiểu hàm ếch. Không biết khi nhận lại diện tích trên thì gia đình ông Sơn phải làm gì để hoàn trả lại mặt bằng như hiện trạng vốn có ban đầu.
Đem vấn đề này làm việc với lãnh đạo Phòng TN- MT huyện thì được biết: Hiện nay toàn huyện chỉ có một số hộ gia đình và một vài cơ sở khai thác đá được huyện cấp phép, song đã hết hạn. Việc khai thác tràn lan như hiện nay là do người dân tự phát, tự bỏ vốn đầu tư, còn về nguồn thu phí và lệ phí thì hầu như không có, chính quyền các xã có thu hay không thì huyện không biết.
Còn thông tin của Trung tâm Y tế huyện cho biết: Thời gian gần đây, tai nạn trong nghề khai thác đá xây dựng trên địa bàn huyện thường xuyên xảy ra và tăng cao, mỗi năm có hàng chục trường hợp phải nhập viện vì những nguyên nhân liên quan đến việc khai thác đá, cá biệt có trường hợp tử vong. Điển hình là vụ chết người vào cuối năm 2009 khi một phụ nữ đang thu gom đá tại bãi đá xã An Vĩnh.
Thiết nghĩ với những gì đang diễn ra các ngành chức năng của huyện Lý Sơn cần sớm vào cuộc để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ nguồn tài nguyên của địa phương, đồng thời hạn chế thấp nhất những bất trắc, nguy hiểm về tính mạng có thể xảy ra đối với hàng trăm thợ đá không chuyên này.
Bài, ảnh: Văn Mịnh