(QNg) - Những lò gạch thủ công tồn tại hàng trăm năm nay giờ đã trở nên "không thể chịu nổi", vì chúng phá hoại đất sản xuất và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên liệu chính của những lò nung gạch thủ công là đất sét. Nhưng nhiều khi để lấy được đất sét, người ta đã phải vạt bỏ những lớp đất thịt màu mỡ và khiến vùng đất bị khai thác trở nên cằn cỗi bạc màu, không thể canh tác được.
Nhưng những xâm hại đất đai canh tác chỉ là một mặt của các lò gạch thủ công và chỉ tính riêng một huyện như Mộ Đức đã có hàng trăm lò gạch thủ công đã và đang hoạt động. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận việc làm gạch đã mang lại một số công ăn việc làm cho người dân, mang lại thu nhập cho cả chủ và thợ làm gạch. Nhưng về lâu dài thì đúng là "lợi bất cập hại". Vì thế, Chính phủ đã ra quyết định phải chuyển đổi toàn bộ các lò gạch thủ công trong cả nước, mà thời hạn cuối cùng để hoàn thành việc chuyển đổi là năm 2010. Riêng với Quảng Ngãi do nhiều điều kiện khó khăn trong việc chuyển đổi, nên tỉnh ra thời hạn chót để chuyển đổi toàn bộ lò gạch thủ công sang công nghệ lò gạch tiên tiến-gọi là công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng-là năm 2012, chậm hơn quy định của Chính phủ hai năm. Nhưng liệu với tình hình hiện nay khi toàn tỉnh có tới mấy trăm lò gạch thủ công vẫn đang hoạt động bình thường, thì thời hạn chuyển đổi 2012 có khả thi?
Sự ách tắc cho quá trình chuyển đổi bắt đầu bằng việc những chủ lò thiếu vốn để chuyển đổi. Mỗi lò gạch nung tiên tiến theo công nghệ nung liên tục kiểu đứng muốn dựng lên phải cần từ 300-400 triệu đồng. Đó là số tiền khá lớn đối với những chủ lò gạch thủ công mà nhiều khi họ không thể lo được.
Trong khi đó việc khảo sát công nghệ, áp dụng công nghệ nào là tốt nhất cho sản xuất và cho môi trường đã được tính xong, nhưng câu hỏi tiền đâu? chưa được Nhà nước cấp tỉnh đề cập tới, nên việc chuyển đổi là khó khả thi. Dĩ nhiên, không có chuyện Nhà nước "cho không" tiền xây lò gạch kiểu mới, nhưng những hình thức hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi cho các chủ lò trả góp khi xây dựng lò gạch theo công nghệ mới là điều không những cần đặt ra mà cần có quy chế để thực hiện. Việc cho vay vốn ưu đãi hay cho sử dụng hình thức trả góp là hết sức cần thiết, để những hộ làm gạch xây được lò theo tiêu chuẩn mới và cũng tạo điều kiện cho họ sản xuất gạch ngói theo công nghệ sạch, vừa có lợi cho môi trường vừa có lợi cho người làm nghề. Thời hạn chót 2012 sẽ tới rất nhanh, và việc hôm nay không làm thì ngày mai sẽ muộn!
Thanh Thảo