(QNĐT) - Mặc dù, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)- chính sách an sinh xã hội đã được triển khai hơn 16 tháng, nhưng đến nay nhiều đơn vị sử dụng lao động (ĐVSDLĐ) và người lao động ở tỉnh ta chưa hiểu rõ về chính sách này nên cho rằng mình không thuộc diện tham gia, nhất là khối hành chính sự nghiệp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bảo bảo hiểm thất nghiệp là một biện pháp hỗ trợ người lao động trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh việc hỗ trợ một khoản tài chính đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động trong thời gian mất việc thì mục đích chính của BHTN là thông qua các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, sớm đưa những lao động thất nghiệp tìm được một việc làm mới thích hợp và ổn định.
Đôi bên cùng có lợi
Theo Nghị định 127 của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị sử dụng (ĐVSDLĐ) từ 10 lao động trở lên, có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc (gọi chung là hợp đồng lao động) từ 12 - 36 tháng sẽ phải đóng BHTN. Khi đã thực hiện đóng BHTN cho người lao động, nếu các tháng trong năm có sử dụng ít hơn 10 lao động vẫn thực hiện đóng BHTN cho những người lao động đang đóng BHTN.
BHTN được hình thành từ 3 nguồn, bằng 3% tiền lương, tiền công của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 1%, Nhà nước trích ngân sách đóng 1%, còn lại 1% do đơn vị sử dụng lao động đóng.
BHTN góp phần đảm bảo cuộc sống cho người lao động. |
Người thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) khi đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (TTGTVL) để đăng ký và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Trong thời gian hưởng TCTN, hằng tháng, người thất nghiệp phải đến thông báo với cơ quan lao động về thông tin tìm kiếm việc làm.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng BHTN của người lao động và tổng thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được thực hiện như sau: 03 tháng, nếu có từ đủ 12 đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 06 tháng, nếu có từ đủ 36 đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 09 tháng, nếu có từ đủ 72 đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng, nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.
Mức TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Người đang hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề với thời gian không quá 06 tháng tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí do cơ quan lao động thực hiện thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng...
Người lao động đang hưởng TCTN hằng tháng sẽ bị tạm dừng hưởng TCTN nếu không thực hiện thông báo hằng tháng với TTGTVL về việc tìm kiếm việc làm hoặc bị tạm giam. Nếu sau 02 lần từ chối nhận việc làm do tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu mà không có lý do chính đáng sẽ bị chấm dứt TCTN.
Tham gia BHTN, thay vì khi người lao động bị thôi việc hoặc mất việc làm thì ĐVSDLĐ phải chi trả toàn bộ trợ cấp cho họ từ nửa tháng đến 1 tháng lương cho một năm làm việc. Nay, nếu đóng BHTN, gánh nặng này được chia sẽ bởi ngân sách Nhà nước và người lao động, ĐVSDLĐ chỉ phải trả 12% của một tháng lương cho 1 năm làm việc.
Khó khăn trong công tác thu
Theo ông Phạm Văn Lệ - Trưởng Phòng thu BHXH tỉnh cho biết: "Về trách nhiệm của ngành, BHXH tỉnh đã triển khai, tổ chức tập huấn hướng dẫn cho tát cả các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn từ đầu năm 2009. Tuy nhiên, đến nay, nhiều ĐVSDLĐ và người lao động chưa rõ về chính sách này nên cho rằng mình không thuộc diện tham gia, nhất là khối hành chính sự nghiệp".
Hiện toàn tỉnh có 613/669 doanh nghiệp tham gia đóng BHTN, với 39.789 lao động tham gia. Tổng số tiền đã thu gần 15,5 tỷ đồng. Đã tiến hành chi trả cho 46 lao động đăng kí được hưởng với số tiền hơn 74 triệu đồng.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia không đủ số lượng người, chỉ đóng cho một số lao động là cán bộ chủ chốt như: trưởng, phó phòng; tổ trưởng, tổ phó...., còn đối với công nhân họ chỉ kí hợp đồng dưới 12 tháng để ’lách luật". Đặc biệt, khối hành chính sự nghiệp thì số đơn vị tham gia chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Tình trạng nợ đọng kéo dài ở các doanh nghiệp còn khá lớn, nhất là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, khối nghiệp tư nhân luôn tìm cách né tránh không tham gia BHTN, BHYT nên xảy ra đồng thời nợ cả BHTN. Điển hình là một số công ty như: Bê tông ly tâm Dung Quất, Đại Cát Tường, Lê An, May Đông Thành, Thiên Vũ, Xây lắp Quyết Thắng, Trường Giang và Lâm nghiệp Trà Tân.
Với mức xử phạt các doanh nghiệp nợ BHXH là truy thu lãi suất 8%/năm như hiện nay là quá nhẹ, khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận bị phạt để kéo dài thời gian chiếm dụng nguồn tiền đóng BHXH.
BHTN là chính sách mới nên nhận thức của NSDLĐ và người lao động về chính sách này còn hạn chế là điều dễ hiểu. Để chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nguời lao động và NSDLĐ. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp trong việc thực hiện hợp đồng lao động, thực hiện BHXH cho người lao động để BHTN sớm đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bài, ảnh: Ái Kiều