(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trước hết là xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc thường xuyên, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài. Quán triệt quan điểm đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
[links()]
Nhiệm vụ quan trọng
Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Kết luận 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 83 để tổ chức thực hiện Kết luận 21. Trong kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Kết luận 21.
Tỉnh ủy xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm nhằm kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư khóa XIII.
Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị- xã hội, nhất là cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý".
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân dự sinh hoạt tại Chi bộ thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa). |
Mỗi cán bộ, đảng viên phải có cam kết bằng văn bản với chi bộ, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị mình về trách nhiệm nêu gương, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biểu hiện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thì cấp ủy cấp trên phải kịp thời xem xét, gợi ý, chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của cấp ủy cấp dưới và tổ chức, cá nhân liên quan. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện.
Cần tạo chuyển biến mạnh mẽ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, chuyển biến tích cực từ việc thực hiện Kết luận 21 đã góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, có 3 nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, cần khắc phục khâu yếu nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đó là vấn đề tổ chức thực hiện. Những chủ trương, định hướng để khắc phục các khó khăn, thách thức, thích ứng với hoàn cảnh mới và giải pháp tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong năm 2022 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khá đầy đủ.
Vấn đề còn lại là khâu tổ chức thực hiện, là ý chí, khát vọng, niềm tin phát triển và là hành động cụ thể của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên để các nghị quyết, chủ trương, chính sách sớm đi vào cuộc sống. Bởi chủ trương, chính sách có hay mà thực thi không tốt, không có quyết cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thì cũng khó đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ hai, phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vì đây là nhiệm vụ then chốt, cần phải được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Để làm được việc này, tập trung thực hiện các giải pháp để đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; giữ gìn đoàn kết thực sự trong Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phải thực sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; trong đó coi trọng phòng ngừa, lấy xây là chính, đề cao trách nhiệm tự kiểm tra, tự soi, tự sửa của tổ chức đảng và đảng viên; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn.
Thứ ba, phải tăng cường trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã ban hành Quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (Quyết định 306); Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có Hướng dẫn tiếp tục thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp (Hướng dẫn 02).
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị hằng năm xây dựng, bổ sung chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cơ quan, đơn vị mình; cán bộ, đảng viên xây dựng, thực hiện cam kết cá nhân về tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thông qua đó, tính chủ động trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh được nâng lên. Nhiều cán bộ, đảng viên đã khắc phục được những mặt còn yếu kém, tồn tại nhiều năm, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; tích cực trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bài, ảnh: THANH THUẬN