Thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng để phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững

02:09, 08/09/2022
.
Sáng 8/9, tại Nhà Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục chương trình, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc. (Ảnh: Duy Linh)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc. (Ảnh: Duy Linh)
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế.
 
Tuy nhiên, theo báo cáo của lãnh đạo Ủy ban, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình.
 
Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và được rà soát, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
 
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực. Ngoài ra, còn có nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng.
 
Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình “lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm” thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình.
 
Do vậy, trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật như thể hiện tại khoản 2 Điều 3 và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
 
Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án (Điều 25 và Điều 26): Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, các biện pháp cấm tiếp xúc không khả thi; có ý kiến đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể ra quyết định cấm tiếp xúc khi có đủ căn cứ, không cần có “yêu cầu cấm tiếp xúc” và sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình.
 
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho phép chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung một khoản quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối.
 
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc rà soát khoản 2 Điều 26 về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự.
 
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật bổ sung quy định sửa đổi Điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự tại khoản 1 Điều 55 của dự thảo Luật.
 
Về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33): Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng: Quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao.
 
Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.
 
Bên cạnh đó, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.
 
Nói cách khác, người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện những công việc phục vụ lợi ích cho cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cộng đồng và do cộng đồng quyết định thì không phải là lao động cưỡng bức.
 
Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” như quy định tại Điều 33 dự thảo Luật.
 
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) các đại biểu nhấn mạnh: Dự án luật có nội dung rất rộng, ảnh hưởng toàn xã hội và từng gia đình, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình.
 
Tuy nhiên, rất khó để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp phòng, chống, mức độ xử lý...
 
Các đại biểu nêu dự thảo luật cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình. Bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình.
 
Theo VĨNH KHANG/Nhandan.vn
 
 

.