Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nghề giáo

01:08, 31/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá. Trong đó, có quan điểm, tư tưởng về đạo đức nghề giáo. Thực hiện chủ trương của Đảng coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, hơn bao giờ hết, việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề giáo là vấn đề rất cần thiết hiện nay.
 
[links()]
 
Người giáo viên vừa phải có tài, vừa phải có tâm
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà giáo. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền bá tư tưởng yêu nước, thương nòi cho học trò tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Đến năm 1925, Người đích thân soạn tài liệu và trực tiếp giảng dạy, đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi đất nước giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nói chung và xây dựng đội ngũ nhà giáo nói riêng. Trong đó, Người đề cao vai trò của đạo đức, coi đạo đức là linh hồn của người thầy giáo.
 
Cô giáo Trường Mầm non Bình Minh (TP.Quảng Ngãi) kể chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” cho học sinh.                                                                 Ảnh: TR.ÂN
Cô giáo Trường Mầm non Bình Minh (TP.Quảng Ngãi) kể chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” cho học sinh. Ảnh: TR.ÂN
Trước hết, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy, cô giáo phải yêu nghề. Người thầy phải coi việc được đứng trên bục giảng đào tạo ra những con người đáp ứng được yêu cầu, sự nghiệp cách mạng là nhiệm vụ hàng đầu, là một niềm hạnh phúc chứ không phải chỉ coi đó là một “cái nghề” như bao nghề đơn thuần rồi làm qua loa, đại khái cho xong công việc, mà người giáo viên phải có trách nhiệm với nghề mình đã chọn. Người thầy có trọng trách rất quan trọng, đó là đào tạo, bồi dưỡng thế hệ tương lai cho đất nước. Người nói: “Nhân dân, Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, chú”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, trước hết đòi hỏi người thầy giáo phải yêu nghề, yêu trường, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn... để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”.
 
Thầy, cô giáo phải thương yêu học trò. Đối với bậc mẫu giáo, cô giáo dạy trẻ phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình; đối với bậc trung học chuyên nghiệp và đại học thì tình thương của người thầy được xây dựng trên cơ sở dân chủ, kỷ cương và trách nhiệm. Tình thương yêu học trò của người giáo viên phải thể hiện qua việc có trách nhiệm đối với học trò. Người thầy không chỉ là người dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn phải dạy đạo lý làm người. Do đó, đòi hỏi người giáo viên vừa phải có tài, vừa phải có tâm.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đoàn kết cũng là một phẩm chất đạo đức quan trọng của người thầy. Đoàn kết của người thầy theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bao gồm tất cả các mối quan hệ xã hội của người thầy. Trước hết là mối quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa thầy và trò, giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữa cán bộ giảng dạy và cán bộ phục vụ, giữa thầy giáo và các cấp chính quyền và nhân dân địa phương.
 
Người thầy giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn gắn với nhiệm vụ chính trị, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và đào tạo ra những con người đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Người luôn nhắc nhở các thầy cô phải chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước nhà và phụng sự Tổ  quốc, phục vụ nhân dân tức là phục tùng chân lý.
 
Xây dựng đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn hiện nay
 
Đảng ta đã khẳng định GD&ĐT có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội mà Đảng và nhân dân ta kiên trì lựa chọn và xây dựng là chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, sự nghiệp giáo dục mà chúng ta xây dựng là sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa, có nhiệm vụ đào tạo ra các thế hệ công dân phát triển toàn diện, trung thành với sự nghiệp cách mạng, có đầy đủ tài năng, phẩm chất và bản lĩnh, vừa “hồng” vừa “chuyên” để vượt qua những thách thức, đưa đất nước tiến lên.
 
Học tập và làm theo quan điểm Hồ Chí Minh về đạo đức nghề giáo, đội ngũ giáo viên phải không ngừng rèn luyện bản thân, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, trong sáng về phẩm chất đạo đức, tâm huyết và say mê với sự nghiệp trồng người. Mỗi thầy, cô giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Để làm được điều đó, mỗi thầy, cô giáo cần phải đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, luôn tìm tòi, năng động, sáng tạo, linh hoạt, có phương pháp làm việc khoa học, có ý chí vượt khó và đặc biệt phải có tâm huyết với nghề mà mình đã lựa chọn. Thầy, cô giáo phải hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tâm huyết với nghề nghiệp, đào tạo ra những người có đức, có tài, những chủ nhân tương lai của đất nước, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
 
Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nền giáo dục còn tồn tại một số hạn chế như còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống và kỹ năng làm việc; phương pháp giáo dục, thi, kiểm tra và đánh giá vẫn còn mặt hạn chế; một số nhà giáo vì những lợi ích vật chất mà đánh mất phẩm giá cao đẹp của nghề giáo. Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất, đạo đức của nhà giáo vẫn còn nguyên giá trị. Việc nghiên cứu, quán triệt và vận dụng đúng đắn những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất, đạo đức và năng lực của đội ngũ nhà giáo càng trở lên cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
 
Thầy, cô giáo là tấm gương sáng để học sinh noi theo
 
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy phải có sứ mệnh đào tạo ra những lớp người có đức, có tài kế tục sự nghiệp cách mạng, ngoài dạy chữ, thầy, cô giáo còn phải dạy nhân cách làm người. Vai trò của thầy, cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh, thì càng phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trước hết, mỗi thầy, cô giáo phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng rèn luyện về chuyên môn, là tấm gương trong sáng để học sinh noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, thương yêu học sinh, yêu nghề, yêu trường. Phương pháp giáo dục tốt nhất là phương pháp nêu gương.
 
LÊ QUANG HUY
 
 
 

.